Nắng nóng hoành hành ở nhiều nước châu Âu

19:24 | 16/07/2022

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nước châu Âu đang trải qua những ngày nắng nóng nghiêm trọng bất thường, khi nhiệt độ ở một số nơi thậm chí vượt quá 45 độ C.
Châu Âu ghi nhận kỷ lục về mùa hè nóng nhấtChâu Âu ghi nhận kỷ lục về mùa hè nóng nhất

Các quan chức châu Âu đang lo lắng về những ảnh hưởng đối với sức khỏe người dân khi cái nóng gay gắt quét qua lục địa này, với những cảnh báo về tình trạng tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo, đợt nắng nóng đang xảy ra tại châu Âu sẽ khiến nhiều vật chất gây ô nhiễm mắc kẹt trong bầu khí quyển, làm giảm chất lượng không khí, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Nắng nóng hoành hành ở nhiều nước châu Âu
Nhiệt độ ghi nhận bên ngoài một hiệu thuốc ở Bordeaux (Pháp) ngày 17/6/2022.

Ngày 15/7, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cảnh báo đỏ "nắng nóng đỉnh điểm" tại nhiều vùng trong đầu tuần tới khi nhiệt độ được dự báo có thể lên đến các mức cao kỷ lục, đặc biệt là ở các vùng đô thị. Nhiệt độ kỷ lục từng ghi nhận tại Anh cho đến nay là 38,7 độ C, ngày 25/7/2019.

Theo Văn phòng khí tượng Anh, có 50% khả năng nhiệt độ tại Anh trong ngày 18 và 19/7 sẽ lần đầu tiên vượt 40 độ C và khả năng phá vỡ mức nhiệt độ kỷ lục 38,7 độ C thiết lập năm 2019 là khoảng 80%.

Các bệnh viện của Anh cảnh báo nguy cơ tăng vọt số bệnh nhân nhập viện liên quan đến nắng nóng, trong khi các nhà vận hành đường sắt của Anh để ngỏ khả năng có thể sẽ phải hủy chuyến.

Trong khi đó, Cơ quan y tế Bồ Đào Nha cho biết, từ ngày 7/7 đến 13/7, nước này đã ghi nhận 238 trường hợp tử vong do nắng nóng. Trong đó, cơ quan này ghi nhận 84 trường hợp tử vong do nhiệt độ quá cao trong 3 ngày đầu tiên của đợt nắng nóng này.

Nắng nóng cũng đang khiến Italy hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Một số vùng đã không có mưa từ đầu tháng 4, trong khi dự báo lượng mưa năm nay chỉ bằng một nửa so với mức trung bình hàng năm. Thời tiết khô nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và giá cả thị trường.

Nhiệt độ cao, gió mạnh và hạn hán đã thổi bùng các đám cháy rừng trên khắp châu Âu. Tính đến nay, hơn 250 nghìn ha đã tan thành mây khói, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp. Con số này gấp 2,5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, trong đó, Tây Ban Nha và Pháp chiếm 40% các diện tích rừng bị cháy.

Nắng nóng hoành hành ở nhiều nước châu Âu
Nhiều cây lớn bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng ở Santarem, Bồ Đào Nha.

Theo Cơ quan khí tượng Pháp, nhiệt độ tại các thành phố phía Nam, nhất là Nimes và Béziers, hôm qua đã đạt mức cao kỷ lục của tháng 7 trong lịch sử với nền nhiệt lên đến 40,4 độ C. Trước đó, do nắng nóng kéo dài đi kèm khô hạn từ gần 1 tháng qua, chính quyền thành phố Nimes thuộc tỉnh Gard đã huỷ sự kiện bắn pháo hoa mừng ngày Quốc khánh 14/7.

Tỉnh Gard cũng nằm trong số 16 tỉnh thuộc khu vực Trung và Tây Nam nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động da cam về cảnh báo nắng nóng và cháy rừng. Đợt nóng kéo dài này đã khiến vụ cháy rừng tại tỉnh Gironde thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine ở phía Tây tiếp tục lan rộng.

Tính đến ngày 15/7, bất chấp nỗ lực chữa cháy của hơn 1.000 lính cứu hoả và nhiều máy bay ném bom nước hoạt động liên tục, khoảng 8.000 hecta rừng đã bị thiêu rụi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà chức trách Pháp hiện đã buộc phải sơ tán tổng cộng khoảng 12.000 người do cháy rừng.

Theo dự báo, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao vào đầu tuần tới trên toàn nước Pháp khi 2/3 lãnh thổ sẽ có nền nhiệt dao động từ 35 đến 38 độ C. Đỉnh điểm của đợt nắng nóng sẽ diễn ra vào thứ Hai (18/7) khi nhiệt độ trung bình tại Pháp có thể phá vỡ mức kỷ lục 29,4 độ C ghi nhận được hồi tháng 7/2019 và tháng 8/2003.

Giới chức tại Bỉ cũng thông báo nhiệt độ sẽ tăng cao hơn trong tuần tới với nền nhiệt dự báo khoảng 38 độ C ở nhiều địa phương trong ngày 19/7.

Cơ quan khí tượng Ireland cũng đã phát cảnh báo về thời tiết nắng nóng trong 3 ngày từ 17-19/7.

Dự báo nhiệt độ tại nước này trong ngày 17/7 là khoảng 32 độ C, gần bằng mức kỷ lục 33,3 độ C vào năm 1887.

Gia Minh (t/h)