Năm 2019, Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm

10:04 | 04/03/2019

326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2019, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội đã đề ra các mục tiêu toàn diện và nhân rộng các mô hình thí điểm kiểm soát ATTP như tuyến phố ATTP và kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người đã ghi nhận kết quả tốt từ những năm trước.

Năm 2019, đẩy mạnh công tác kiểm soát ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân, Hà Nội đã đề ra các mục tiêu cụ thể và toàn diện. Trong đó, các mô hình thí điểm kiểm soát ATTP như tuyến phố ATTP và kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người đã ghi nhận kết quả tốt từ những năm trước sẽ tiếp tục được nhân rộng.

nam 2019 ha noi day manh kiem soat an toan thuc pham
Công tác kiểm soát ATTP khó khăn khi có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ

Để bảo đảm ATTP năm 2019, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để giám soát, kiểm soát chặt chẽ tình hình ATTP. Bên cạnh đó, thành phố đề ra mục tiêu 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thanh tra ATTP; 100% thông tin phản ánh về mất ATTP rõ địa chỉ trên địa bàn được kiểm tra đột xuất xác minh, xử lý thông tin; 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời… Ngay từ đầu năm, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra ATTP, kiểm tra khoảng 11.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó xử lý vi phạm 1.624 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 6 cơ sở bị đóng cửa, 14 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm và 73 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.

Khó khăn lớn nhất trong kiểm soát thực phẩm là số lượng cơ sở nhiều, trong đó cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, theo mùa vụ chiếm số lượng lớn; cơ sở thức ăn đường phố đa dạng. Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có trên 66 nghìn cơ sở thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 10 cơ sở giết mổ bán chuyên nghiệp, 4 khu giết mổ gia súc thủ công, trên 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ; trên 450 chợ, 124 siêu thị...

Trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng; nhiều địa phương chưa coi trọng quản lý an toàn thực phẩm, chính quyền sở tại chưa chủ động kiểm tra, giám sát, tạo áp lực lên đơn vị quản lý cấp trên.

Để kiểm soát hiệu quả các cơ sở nhỏ lẻ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra đột xuất các điểm kinh doanh ẩm thực và dịch vụ thực phẩm, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp cho các mảng gây nguy cơ mất vệ sinh ATTP cao và khó kiểm soát như thức ăn đường phố và các bữa cỗ tập trung đông người.

Sau một năm thí điểm xây dựng 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện trên địa bàn, mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP và giảm thiểu ngộ độc, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Năm 2019, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 6 tuyến phố.

Như vậy, trong năm 2019, Hà Nội sẽ thực hiện kiểm soát 14 tuyến phố ATTP. Công tác này gặp rất nhiều khó khăn bởi các cơ sở kinh doanh phục vụ dịch vụ ăn uống có quy mô quá nhỏ dẫn đến điều kiện vệ sinh ATTP kém, ngoài ra còn thay đổi liên tục. Để đảm bảo hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền vận động của các quận, huyện, để có sự hưởng ứng đồng tình của các hộ kinh doanh dịch vụ, công tác thanh, kiểm tra sẽ được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục hơn.

Trong khi đó, kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông đã được thí điểm năm 2016 tại 2 huyện. Đến năm 2018, mô hình này được mở rộng tại 10 quận, huyện với 80 xã phường. Năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quyết tâm đạt mục tiêu 100% xã, phường triển khai thành lập và duy trì hoạt động tổ giám sát tư vấn các điều kiện ATTP tại các bữa cỗ tập trung đông người. Cụ thể, phạm vi triển khai được áp dụng với các bữa tập trung đông người quy mô từ 60 người ăn tại 155 xã, phường thuộc 15 quận, huyện, thị xã.

Theo đó, 100% cán bộ quản lý ATTP và cán bộ tổ giám sát ATTP của quận, huyện, xã, phường tham gia được bồi dưỡng kiến thức về các quy định đảm bảo ATTP, chủ động giám sát và xử lý khi có ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Mỗi xã, phường giám sát, hỗ trợ tư vấn cho 120-150 bữa cỗ tập trung đông người từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào đến quá trình chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản vận chuyển thức ăn.

Để bảo đảm công tác sát sao và không chồng chéo, Hà Nội cũng đã phân công cụ thể công việc cho các cấp quản lý. Cụ thể, tuyến thành phố tổ chức kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện các nội dung hoạt động của mô hình kiểm soát ATTP tại tuyến quận, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn hàng quý; Tuyến quận, huyện, thị xã phối hợp xã, phường, thị trấn tư vấn giám sát các điều kiện đảm bảo АТTР tại gia đình tổ chức bữa cỗ, kiểm tra giám sát các cơ sở nấu cỗ lưu động trên địa bàn hàng tháng, quý; Tuyến xã, phường, thị trấn tổ chức tư vấn giảm sát các điều kiện đảm bảo ATTP tại gia đình tổ chức bữa cỗ đông người.

Đồng thời, thành phố đã đề cao công tác xử phạt và công khai kết quả thanh kiểm tra với mục tiêu phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có xử lý vi phạm hành chính hình thức phạt tiền đối với cơ sở vi phạm ATTP và công khai kết quả thanh kiểm tra lên phương tiện thông tin đại chúng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng đã nhấn mạnh “cơ sở nào vi phạm phải xử lý nghiêm để làm gương”.

nam 2019 ha noi day manh kiem soat an toan thuc phamHà Nội: Nhiều cơ sở bị phạt vì để thức ăn chín - sống lẫn lộn
nam 2019 ha noi day manh kiem soat an toan thuc phamPhạt 3 công ty vì vi phạm an toàn thực phẩm
nam 2019 ha noi day manh kiem soat an toan thuc phamBảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội 2019

Thanh Sơn