Năm 2013: Những phát hiện mới về bò sát và ếch nhái

07:00 | 01/01/2014

3,385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013 là năm khá thành công đối với các nhà nghiên cứu động vật học của Việt Nam và quốc tế với 15 loài bò sát và ếch nhái mới cho khoa học được phát hiện nước ta.

Các công trình công bố về những khám phá mới này trên các tạp chí khoa học quốc tế không chỉ khẳng định tiềm năng đa dạng sinh học cao của Việt Nam mà còn chứng minh nỗ lực nghiên cứu, hợp tác có hiệu quả của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài.

Có 5 loài ếch nhái và 10 loài bò sát mới cho khoa học được các nhà nghiên cứu công bố dựa trên các tư liệu khoa học thu thập được trong các chuyến khảo sát ở Việt Nam hay tham khảo mẫu vật đang lưu giữ ở các bảo tàng động vật. Loài mới được phát hiện ngay trong vườn nhà ở vùng đồng bằng hay trong các khu rừng nhiệt đới ở vùng núi cao.

Mặc dù chưa có số liệu thống chính thức nhưng số loài bò sát và ếch nhái mới được phát hiện ở Việt Nam trong 5 năm gần đây có thể xếp ở vị trí đầu bảng trong các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Các công trình công bố về những phát hiện mới liên tục được xuất bản chứng tỏ hiệu quả hợp tác trong nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực khám phá đa dạng sinh học ở các nước nhiệt đới, nơi có tiềm năng đa dạng sinh học rất cao nhưng cũng đang chịu nhiều áp lực do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Ễnh ương đông dương Kaloula indochinensis (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Các loài phổ biến thường ít được chú ý về mặt phân loại học một phần do sự chủ quan của các nhà nghiên cứu, nhưng phần lớn là do sự tương tự về mặt hình thái giữa các quần thể trong vùng phân bố của nó nên rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong định loại. Chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để một số nhóm nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn về sự sai khác giữa các quần thể cũng như kiểm tra lại việc định danh của các loài.

Loài ễnh ương nâu Kaloula baleata được Mueller mô tả vào năm 1836 dựa trên mẫu vật thu ở Indonesia. Theo các tài liệu thì vùng phân bố của loài này khá rộng, từ Philippine đến Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà khoa học đến từ Mỹ, Canada, Singapore và Việt Nam đã so sánh và đi đến kết luận quần thể loài ễnh ương ở Việt Nam và Lào không phải là loài ễnh ương nâu Kaloula baleata mà là một loài hoàn toàn mới.

Nhóm nghiên cứu này đặt tên loài mới là ễnh ương Đông Dương với tên khoa học là Kaloula indochinensis, dựa theo tên vùng phân bố của loài ở khu vực Đông Dương (Indochina) gồm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Bài báo công bố loài mới do Kin Onn Chan, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kansas (Hoa Kỳ), đứng đầu được xuất bản trên tạp chí Herpetologica (Hoa Kỳ).

Ở Việt Nam, loài ễnh ương Đông Dương hiện ghi nhận phân bố ở các tỉnh Gia Lai và Đồng Nai. Đây là loài ễnh ương thứ ba ghi nhận ở Việt Nam bên cạnh loài ễnh ương thường Kaloula pulcha và ễnh ương vạch Kaloula mediolineata.

Cóc núi botsford Leptolalax botsfordi (Ảnh: Jodi Rowley)

Loài ếch nhái nhỏ bé với chiều dài cơ thể khoảng 30 mm, được phát hiện ở độ cao hơn 2800 m gần đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương, thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai. Loài mới, Cóc núi botsford Leptolalax botsfordi, được các nhà nghiên cứu của Úc và Việt Nam công bố trên tạp chí Zootaxa (New Zealand), cũng là loài phân bố cao nhất trong các loài thuộc giống Cóc núi cho đến thời điển hiện tại.

Đây có thể là loài có vùng phân bố hẹp vì hiện chỉ ghi ở các con suối nhỏ dưới tán rừng thường xanh thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Do vậy các nhà khoa học cho rằng quần thể của loài này có khả năng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch.

Cóc núi sterling Oreolalax sterlingae (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Loài cóc núi mới có tên khoa học Oreolalax sterlingae, đây không chỉ là loài mới cho khoa học mà còn là giống mới ghi nhận ở Việt Nam. Mô tả chi tiết về loài mới được đăng tải trên tạp chí Copeia của Hoa Kỳ. Loài cóc núi mới có kích thước trung bình, con đực có chiều dài cơ thể khoảng 37 mm, con cái khoảng 45 mm.

Mẫu vật của loài này cũng được phát hiện ở độ cao 2900 m gần đỉnh Fansipan, tỉnh Lào Cai. Loài mới được đặt tên theo tên của Tiến sĩ Eleanor Sterling, người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu đa dạng sinh học ở Việt Nam, đặc biệt là chương trình khám phá đa dạng sinh học ở các đỉnh núi cao của Việt Nam như Fansipan (Lào Cai), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Pù Mát (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh), Ngọc Linh (Quảng Nam).

Ếch cây xanh helen Rhacophorus helenae (Ảnh: Lê Thị Thuỳ Dương)

Các nhà khoa học Úc và Việt Nam phát hiện loài ếch cây mới ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Bình Thuận) và Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) ở độ cao chỉ dưới 200 m so với mực nước biển. Loài ếch này có màu xanh lá cây, tay và chân có màng bơi rộng với các đĩa bám lớn ở đầu ngón giúp cho chúng bám chặt và ẩn mình trong các đám lá cây rậm rạp. Loài ếch nhái mới này hiện chỉ ghi nhận ở các khu rừng thường xanh trên núi đất thấp ở miền Nam Việt Nam.

Cá cóc ziegler Tylototriton ziegleri (Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo)

Cá cóc là nhóm một trong những nhóm ếch nhái bị đe dọa tuyệt chủng rất cao do có môi trường sống chuyên biệt như các suối hoặc ao nhỏ trong rừng thường xanh ít bị tác động. Đây cũng là nhóm có đặc điểm hình thái rất giống nhau nên việc phân biệt và phát hiện loài mới thường cần có hỗ trợ so sánh về sinh học phân tử.

Loài mới được các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành của Nhật Bản, có tên là Cá cóc ziegler Tylototriton ziegleri. Tên loài được đặt theo tên của PGS. Thomas Ziegler, một nhà nghiên cứu người Đức có nhiều công trình liên quan đến đa dạng sinh học ở Việt Nam. Loài cá cóc mới được phân bố ở Lào Cai, Cao Bằng và Hà Giang.

Nhông bách Calotes bachae (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Thông thường thì việc ghi nhận hay phát hiện một loài mới hay được khám phá ở những vùng rừng núi, hải đảo xa xôi hẻo lánh do còn ít nghiên cứu được tiến hành ở những địa điểm này. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ đó là các loài phổ biến hoặc có vùng phân bố rộng như các loài sống ở các vùng đồng bằng hoặc gần khu dân cư.

Ví dụ điển hình là loài Nhông bách Calotes bachae, một loài gặp khá thường xuyên trong vườn nhà khắp các tỉnh Tây nguyên và miền Nam Việt Nam nhưng vừa được các nhà nghiên cứu người Đức công bố là loài mới vào đầu năm 2013.  

Thằn lằn chân ngón đạt Cyrtodactylus dati (Ảnh: Ngô Văn Trí)

Loài thằn lằn chân ngón mới được công bố trên Tạp chí Zootaxa dựa trên mẫu vật thu được ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Loài thằn lằn mới, Cyrtodactylus dati, được đặt theo tên của PGS. Hoàng Đức Đạt (Đại học Huế). Tác giả của loài thằn lằn mới này, Ngô Văn Trí, cũng là người có khá nhiều phát hiện mới về các loài tắc kè ở Việt Nam trong những năm vừa qua.

Thằn lằn chân ngón kingsada Cyrtodactylus kingsadai (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Loài Thằn lằn chân ngón mới có tên khoa học là Cyrtodactylus kingsadai được các nhà khoa học Việt Nam và Đức phát hiện ở khu vực mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên. Loài mới được đặt tên để tưởng nhớ một đồng nghiệp của Trường Đại học Quốc gia Lào, Phouthone Kingsada.

Phouthone là đồng tác giả của một số công bố gần đây về nhóm tắc kè này ở nước bạn Lào nhưng không may qua đời vì bệnh sốt xuất huyết vào cuối năm 2012. Giống thằn lằn chân ngón cũng là giống có nhiều loài mới được công bố nhất với khoảng hơn 30 loài mới cho khoa học được công bố trong 2 thập kỷ gần đây ở Việt Nam.

Thằn lằn chân ngón phước bình Cyrtodactylus phuocbinhensis và Thằn lằn chân ngón Tây Nguyên Cyrtodactylus taynguyenensis

Hai loài Thằn lằn chân ngón mới được tập thể các nhà khoa học Việt Nam, Canada, Trung Quốc và Nga công bố dựa trên bộ mẫu vật thu ở Vườn Quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) và huyện K’Bang (Gia Lai). Tên của cả hai loài mới đặt theo tên địa danh nơi thu được mẫu vật dùng để mô tả các loài này.

Việc công bố liền lúc hai loài mới cho thấy giá trị đa đạng sinh học của các khu rừng ven biển và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng chứng minh sự hữu ích của việc ứng dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại như phân tích sinh học phân tử trong khám phá đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Tắc kè adler Gekko adleri (Ảnh: Nguyễn Quảng Trường)

Một loài tắc kè thuộc giống Gekko được công bố dựa trên mẫu vật thu thập được ở vùng núi đá vôi của tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với tên khoa học Gekko adleri. Loài mới được đặt theo tên GS. Kraig Adler, một nhà nghiên cứu bò sát và ếch nhái nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Bài báo mô tả loài mới là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc và Đức được công bố trên tạp chí Zootaxa. Loài tắc kè mới này sống bám trên vách đá hoặc các kẽ nhỏ ở vùng núi đá vôi nên chúng ngụy trang bằng màu sắc rêu phong giống như vách núi đá vôi để tránh bị hiện.

Thạch sùng dẹp zug Hemiphyllodactylus zugi (Ảnh: Nguyễn Quảng Trường)

Mặc dù khu vực núi đá vôi ở khu vực huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng chưa được quy hoạch là khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng đây là loài mới thứ tư cho khoa học được phát hiện ở địa điểm này, bên cạnh các loài Nhái cây wa-za và Rắn khiếm na-gao (phát hiện năm 2012) và loài Tắc kè adler nêu trên. Bài báo về loài thằn lằn mới này được đăng tải trên tạp chí Zootaxa.

Loài mới được công bố dựa trên kết quả phân tích và so sánh về đặc điểm hình thái cũng như quan hệ di truyền giữa các loài tắc kè cùng giống. Tên loài, Thạch sùng dẹp zug Hemiphyllodactylus zugi, được đặt theo tên của GS. George Zug, một nhà nghiên cứu người Mỹ có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về bò sát ở khu vực châu Á. Loài thạch sùng này sống ở khu vực rừng trên núi đá vôi ở độ cao 450-600 m so với mực nước biển.

Thằn lằn phê-nô shea Sphenomorphus sheai (Ảnh: Wayne Van Devender)

Các nhà nghiên cứu đã thu thập được mẫu thằn lằn có kích cỡ rất nhỏ, sống dưới lớp thảm mục trong rừng thường xanh ở độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển, thuộc cao nguyên Kon Tum - ở khu vực giáp ranh giữa huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Qua phân tích và so sánh về đặc điểm hình thái, các nhà khoa học Việt Nam, Hoa Kỳ và Đức đã phát hiện đây là một loài bò sát mới cho khoa học. Bài báo công bố về loài thằn lằn mới này vừa được đăng tải trên Tạp chí Zootaxa. Loài mới có tên là Thằn lằn phê-nô shea Sphenomorphus sheai được đặt theo tên của một nhà nghiên cứu người Úc, Tiến sĩ Glenn Shea, người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về bò sát ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù các loài thằn lằn bóng rất khó bắt gặp trong các chuyến khảo sát do kích cỡ nhỏ và kiểu sống chui luồn nhưng cũng là nhóm có nhiều phát hiện mới trong những năm gần đây.

Rắn khiếm cát tiên Oligodon cattienensis (Ảnh: Anna B. Vassilieva, Vitaly L. Trounov, Eduard A. Galoyan, Peter Geissler)

Việc phát hiện thêm một loài bò sát mới ở Khu dự trữ sinh quyển/Vườn Quốc gia Cát Tiên cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học và tính đặc hữu của hệ sinh thái rừng trên núi đất thấp ở miền Nam Việt Nam. Công bố của nhóm nghiên cứu người Nga và Đức về loài Rắn khiếm cát tiên, Oligodon cattienensis, ở khu vực rừng Nam Cát Tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xuất bản trên tạp chí Zootaxa.

Loài rắn này có màu sắc khá đẹp với thân màu xám hoặc nâu, có một hàng đốm sáng màu chạy dọc sống lưng xen kẽ với các sọc ngang sẫm màu. Cát Tiên được biết là nơi cư ngụ của rất nhiều loài bò sát và ếch nhái, trongdĐây cũng là loài rắn khiếm thứ 5 ghi nhận ở VQG Cát Tiên.

Rắn lục đầu bạc kharin Azemiops kharini (Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo)

Đây là loài rắn lục đầu bạc thứ hai thuộc giống Azemiops và là loài rắn độc thứ 60 trong tổng số hơn 210 loài rắn được ghi nhận ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Do có màu sắc đẹp nên loài Rắn lục đầu bạc là đối tượng bị săn bắt để nuôi làm cảnh ở nhiều nước trên thế giới mặc dù đây là loài rắn có nọc độc.

Loài mới được mô tả dựa trên việc so sánh về hình thái và cấu trúc bộ xương. Mẫu vật của loài rắn lục mới này được các nhà nghiên cứu thu tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Vĩnh Phúc, ở độ cao từ 800 đến 1800 m. Công trình công bố về loài Rắn lục đầu bạc kha-rin Azemiops kharini được công bố trên tạp chí Russian Journal of Herpetology (Nga).

Loài rắn mới được đặt theo tên nhà động vật học người Nga, Vladimir Kharin, nhằm vinh danh những đóng góp của ông trong nghiên cứu về các loài bò sát và cá ở châu Á.

Nguyễn Quảng Trường - Phùng Mỹ Trung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc