Mỹ-Trung “ngừng chiến”, rồi sao nữa?

08:46 | 19/01/2020

372 lượt xem
|
(PetroTimes) - Ngày 15/1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ở Washington. Báo chí Pháp nhân dịp này đã có những bài tổng kết về hai năm thương chiến và đưa ra những dự báo tiếp theo cho cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung trong thời gian tới.
my trung ngung chien roi sao nua
Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại Nhật Bản, tháng 6/2019

Tờ Les Echos đã đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 là một cuộc “hưu chiến”, với một sự kiện mà tờ báo nêu bật là Trung Quốc không còn bị Mỹ coi là một nước lũng đoạn tiền tệ. Theo Les Echos, thỏa thuận trên là một cuộc hưu chiến bấp bênh vì vấn đề đặt ra là tất cả những khúc mắc, mâu thuẫn đều chưa được giải tỏa và các cuộc đàm phán tiếp theo được dự báo là sẽ rất tế nhị.

Đối với tờ báo Pháp, kết quả mà Mỹ thu được sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc không có nhiều: Mức tăng thuế quan mà Washington áp đặt trên hàng nhập từ Trung Quốc đã đè nặng trên hàng xuất khẩu của nước này, nhưng ngược lại, doanh số hàng Mỹ bán qua Trung Quốc cũng phải gánh chịu các đòn trả đũa của Bắc Kinh. Hệ quả là chính quyền Mỹ đã phải trợ cấp rất nhiều cho nông dân của họ.

Khía cạnh thứ hai là cho đến lúc này, vẫn chưa rõ là liệu Trung Quốc có sẽ tiếp tục mở cửa thị trường của họ cho hàng Mỹ, và có bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ như Hoa Kỳ đòi hỏi hay không.

Tóm lại, theo phân tích của Les Echos, Bắc Kinh đã thúc đẩy được Mỹ chấp nhận một thỏa thuận hưu chiến dù vẫn không khuất phục trước các yêu sách của Washington.

Đối với Bắc Kinh, cuộc hưu chiến thương mại đã cho phép trấn an các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ Washington chút nào trước các yêu cầu của Mỹ, muốn Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế và đình chỉ chế độ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Nhận định chung về tạm ước thương mại Mỹ-Trung, ông Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) của Pháp, cho rằng “Thỏa thuận với Trung Quốc đi ngược lại những gì mà Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm”. Đối với chuyên gia này, các mâu thuẫn chính yếu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn, cho dù đó là vấn đề trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc cho ngành công nghiệp của họ, vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ hay vấn đề ảnh hưởng của quyền lực chính trị đối với các doanh nghiệp.

Ông Sébastien Jean nhắc lại rằng thoạt đầu ông Donald Trump có hai mục tiêu: giảm thâm hụt thương mại và sửa đổi cung cách làm ăn của Trung Quốc bị coi là không công bằng, như trợ cấp ồ ạt cho ngành công nghiệp và thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng, sau hai năm thương chiến với Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn chưa giảm được một cách đáng kể. Theo các thông tin về thỏa thuận được ký kết, Bắc Kinh cam kết tăng cường việc mua các sản phẩm của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho giới cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài thành lập cơ sở tại Trung Quốc và bảo vệ tốt hơn các quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư vào Trung Quốc.

Theo chuyên gia Sébastien Jean, những cam kết vừa kể không có nhiều ảnh hưởng lớn và không mang lại giải pháp cho việc ngăn chặn đà phi công nghiệp hóa của nước Mỹ. Các cam kết đó thậm chí còn đi ngược lại những gì ông Trump đang tìm kiếm, khi tạo điều kiện cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc với hậu quả là bỏ bê nước Mỹ.

Mặt khác, cũng theo chuyên gia Pháp, hai phần ba các sắc thuế mà ông Donald Trump áp đặt vẫn được duy trì.

Trong khi đó tờ Le Monde đưa độc giả từ hy vọng đến thực tế phũ phàng qua hai bài viết “Mỹ-Trung tiến dần đến hòa dịu” và “Hưu chiến không có nghĩa là hòa bình”. Thỏa thuận phần một ký ngày 15/1 sẽ cho phép Mỹ thu ngắn mức thâm thủng trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Cuộc leo thang xung khắc giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giảm đi nhưng mọi vấn đề cũ vẫn tồn tại và còn phát sinh ra những bất cập mới.

Cụ thể, khi Trung Quốc thực thi tôn trọng tác quyền thì doanh nhân Mỹ sẽ làm gì? Đầu tư vào Hoa lục hay tạo công ăn việc làm cho người Mỹ ở Mỹ? Ép được Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng Mỹ thì thị phần của các nước xuất khẩu nông phẩm như Brazil, Achentina, Úc ở Hoa lục sẽ ra sao? Các đối tác trong lĩnh vực linh kiện điện tử với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ bị tác hại.

Liệu thỏa thuận sơ bộ Mỹ-Trung có tốt cho thương mại thế giới hay không? Le Monde lưu ý: Thỏa thuận này chà đạp hai nguyên tắc công bình: cấm ưu tiên cho đối tác này hơn một đối tác khác và cấm hạn chế khối lượng hàng trao đổi. Rõ ràng là cuộc đọ sức hiện nay sẽ tiếp tục vì mỗi bên chỉ trông cậy vào sức mạnh hơn là dựa vào các nguyên tắc hay luật lệ.

Qua cuộc đấu đá Mỹ-Trung, nhà ngoại giao Pháp Michel Duclos cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lãnh vực quan hệ quốc tế chỉ gây xáo trộn lung tung, từ hồ sơ Triều Tiên cho đến Trung Đông. Trong hồ sơ thương mại, cũng thế, còn phải chờ xem ông Donald Trump có bị Trung Quốc lường gạt trong “cú lừa lịch sử” hay không?

Tuy nhiên, theo Le Monde, điểm đáng khen của chủ nhân Nhà Trắng là nếu ông duy trì được hướng đi, kiên trì bắt Bắc Kinh ký một hiệp định đầy tham vọng, thì đó là một cú sốc làm đảo ngược tình huống. Dù sao đi nữa, theo ông Michel Duclos, Trung Quốc phải ý thức rằng họ không bao giờ thống trị thế giới nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ phải biết là tôn trọng các nguyên tắc quốc tế là có lợi cho chính họ. Điều đáng lo cho thế giới là Bắc Kinh một lúc nào đó áp đặt luật chơi theo kiểu riêng của họ và bắt quốc tế tuân theo.

Do vậy, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp cho rằng, vì quyền lợi sống còn, châu Âu và Mỹ phải hợp sức đương đầu với Trung Quốc theo tương quan lực lượng mạnh được yếu thua: cản đường, hạn chế lối hành xử đáng trách của Trung Quốc như đánh cắp tác quyền, tài trợ công ty quốc doanh, cạnh tranh bất chính… Hồ sơ 5G sẽ là cuộc trắc nghiệm hay hơn ai hết.

my trung ngung chien roi sao nuaCuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến Đức “trọng thương”
my trung ngung chien roi sao nuaMột ngày “điên rồ” của thị trường chứng khoán đối với tin tức thương mại Mỹ-Trung

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc