Mỹ nới lỏng một số lệnh trừng phạt Venezuela, không bao gồm PDVSA
Ảnh: OP |
OFAC đã cấp giấy phép mới cho phép một số giao dịch nhất định liên quan đến xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu khí hóa lỏng (LPG) sang Venezuela cho đến ngày 8/7/2025. Tuy nhiên, các giao dịch với Công ty dầu khí tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước Venezuela PDVSA vẫn bị cấm theo các lệnh trừng phạt trước đây.
Giấy phép chung cho phép các giao dịch liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ở Venezuela nhưng đã hết hạn vào ngày 18/4. Mỹ cho rằng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các đại diện của ông đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nêu trong lộ trình bầu cử, đã ký với phe đối lập ở Venezuela tại Barbados vào tháng 10 năm ngoái.
Bên cạnh đó, căng thẳng tiếp tục nóng lên giữa Venezuela và các nước láng giềng. Mối quan hệ giữa Argentina và Venezuela đã trở nên tồi tệ hơn sau những tranh cãi giữa hai quốc gia Nam Mỹ. Hồi tháng 3 vừa qua, Argentina cáo buộc Venezuela cắt điện tại đại sứ quán nước này ở Caracas, sau khi các nhà ngoại giao nước này gặp gỡ các lãnh đạo phe đối lập Venezuela, do lo ngại về "tình hình thể chế ngày càng xấu đi cũng như các hành vi quấy rối và đàn áp nhắm vào các nhân vật chính trị ở Venezuela".
Trong một tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Argentina Javier Milei đưa ra, Argentina than phiền rằng điện của đại sứ quán đã bị tắt trong một "hành động cố ý gây nguy hiểm cho an ninh của các nhân viên ngoại giao Argentina và công dân Venezuela đang được bảo vệ".
Căng thẳng giữa Buenos Aires và Caracas đã "âm ỉ" sau khi Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro chỉ trích chiến thắng của phe cực hữu mà đứng đầu là ông Milei vào tháng 11 năm ngoái. Tình hình lên đến đỉnh điểm vài tuần trước sau khi Argentina tuyên bố các hành động ngoại giao chống lại Venezuela, sau lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Maduro đối với các máy bay được Argentina cấp phép tiếp cận không phận Venezuela.
Được biết, sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm mạnh từ 3,2 triệu thùng/ngày trong năm 2000 xuống còn 735.000 thùng/ngày vào tháng 9/2023, chủ yếu do các lệnh trừng phạt và bảo trì kém; ngược lại, sản lượng dầu thô của Argentina ngày càng tăng khi ông Milei cam kết cải tổ hệ thống.
Bình An
OP
-
Rosneft và Reliance đạt được thỏa thuận dầu lớn nhất từ trước đến nay
-
Vì sao Shell và Equinor hợp nhất tài sản tại Anh?
-
Mỹ: Bán quyền khai thác dầu mỏ ở Bắc Cực gây nhiều tranh cãi
-
Bất ổn chính trị ở Pháp có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề năng lượng của Châu Âu
-
Bản tin Năng lượng xanh: Đan Mạch không nắm bắt được thay đổi của thị trường khiến cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi thất bại