Mỹ liệu có trừng phạt Ả Rập Xê-út sau quyết định mạnh tay của OPEC+

19:22 | 11/10/2022

1,867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - OPEC+ vẫn quyết định cắt giảm mạnh sản lượng trong phiên họp mới đây, bất chấp những lời kêu gọi lặp đi lặp lại từ Mỹ về việc liên minh này không nên làm như vậy.
Mỹ liệu có trừng phạt Ả Rập Xê-út sau quyết định mạnh tay của OPEC+

Nhà Trắng đã nói rõ rằng, việc cắt giảm sản lượng dầu thô và hệ quả là giá dầu tăng sẽ dẫn đến ba kết quả mà họ cho là đặc biệt nguy hiểm đối với thế giới ở thời điểm hiện tại.

Đầu tiên, nó sẽ tạo thêm động lực cho sự gia tăng giá năng lượng dẫn đến lạm phát toàn cầu đã thúc đẩy lãi suất tăng trên toàn thế giới đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, nó sẽ thúc đẩy đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước của Nga, với tư cách là nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt lớn..

Và thứ ba, nó khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tiếp tục sụt giảm khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, khiến Chính phủ của ông ít có khả năng đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh do Nga và Trung Quốc dẫn đầu mà thế giới sẽ phải đối mặt.

Không bận tâm đến những lời kêu gọi này từ Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Ả Rập Xê-út, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 2 triệu thùng mỗi ngày. Kỳ vọng của thị trường là có thể cắt giảm khoảng một triệu thùng/ngày, với khả năng rất xa là một triệu rưỡi thùng/ngày, nếu OPEC quyết định phớt lờ mọi lập luận của các đồng minh phương Tây về việc cắt giảm.

Tuy nhiên, mức cắt giảm mới nhất là mức giảm sản lượng dầu thô lớn nhất kể từ mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2020, được thực hiện để giải cứu giá dầu khỏi mối đe dọa gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được dự kiến ​​sẽ kéo dài trong 14 tháng, cho đến tháng 12 năm 2023.

Tác động ngay lập tức lên giá dầu thô của đợt cắt giảm là không quá nghiêm trọng như một số người lo ngại, nhưng nó thực sự có thể rất nghiêm trọng, vì nó trùng khớp với hai yếu tố thị trường khác mà Ả Rập Xê-út biết rõ. Đầu tiên là chương trình dài hạn giải phóng một triệu thùng dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR) dự kiến ​​sẽ kết thúc trong tháng này. Điều thứ hai là lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 5/12, trong khi nhóm G7 gồm các quốc gia công nghiệp phát triển lớn cũng đang xem xét cơ chế áp trần giá đối với dầu khí Nga.

Ngoài việc biết rõ áp lực tăng lên do việc cắt giảm nguồn cung dầu thô khổng lồ trong lịch sử lần này sẽ gây ra, Ả Rập Xê-út cũng hoàn toàn nhận thức được các tác động chính trị của việc cắt giảm đối với Mỹ, đối với châu Âu và Nga.

Một nguồn tin cấp cao của EU nói rằng: "Việc cắt giảm sản lượng dầu thô hiện nay có thể là thảm họa đối với một số chính sách năng lượng được đề xuất của EU liên quan đến các lệnh trừng phạt dầu khí của Nga, nhưng những điều này đã bị bỏ qua".

"Các nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ Ả Rập Xê-út, bao gồm cả Thái tử Mohammed bin Salman, cũng biết chính xác những cắt giảm này và giá năng lượng tiếp tục cao có ý nghĩa như thế nào đối với Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra", nguồn tin giấu tên kể trên nói thêm.

Chính quyền Biden sẽ tham khảo ý kiến ​​Quốc hội về các biện pháp có thể giúp đáp trả sự kiểm soát của OPEC đối với giá dầu, và điều này sẽ bao gồm cả việc khôi phục dự luật NOPEC, nhằm trao cho Bộ tư pháp Mỹ quyền khởi kiện chống độc quyền và cho phép các tòa án Mỹ xét xử những vụ việc như vậy.

Dự luật NOPEC đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào tháng 5, và một ủy ban của Hạ viện thông qua vào năm ngoái. Lãnh đạo Đa số Thượng viện và Đảng viên Đảng Dân chủ, Chuck Schumer tuyên bố ngay sau thông báo cắt giảm sản lượng dầu thô mới nhất rằng: "Những gì Ả Rập Xê-út đã làm để giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine. Chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ lập pháp để đối phó tốt nhất với hành động này, bao gồm cả dự luật NOPEC".

Bình An