Mỹ khiêu khích Trung Quốc chạy đua vũ trang

10:22 | 23/08/2019

1,040 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi khai tử Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ bắn thử tên lửa tầm trung mới -một động thái có nguy cơ khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang chiến lược mới, nhưng lần này phần nhiều là với Trung Quốc.
my khieu khich trung quoc chay dua vu trang
Mỹ thử tên lửa tầm trung từ bệ phóng Mark 41 ngày 18/8

Ngày 19/8, Mỹ thông báo thử nghiệm thành công tên lửa quy ước tầm trung. Được phóng từ đảo San Nicolas, bang California, từ hệ thống ống phóng Mark 41, tên lửa thử nghiệm đã đánh trúng mục tiêu cách xa 500 km trên biển Thái Bình Dương. Một viên chức Mỹ cho biết thêm “đây là tên lửa được chế tạo từ tên lửa hành trình Tomahawk”.

Ngày 2/8, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF với Nga. Hiệp ước INF cấm sử dụng tên lửa đặt trên mặt đất có tầm bay từ 500 đến 5.500 km, giảm khả năng hai nước có thế tấn công nhau bằng vũ khí hạt nhân bằng một cảnh cáo nhanh. Nếu còn tham gia hiệp ước này, Mỹ sẽ bị cấm thử tên lửa như trên.

Việc Mỹ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vốn bị cấm trước đây được cho là phát súng đầu tiên cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến cả thế giới lo ngại. Ngay lập tức Nga lên án vụ thử tên lửa trên của Mỹ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 19/8 cho biết, Moscow lấy làm tiếc về các vụ thử nghiệm của Mỹ đối với các tên lửa hành trình bị cấm theo Hiệp ước INF. Theo ông Ryabkov, động thái của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị để phá vỡ thỏa thuận. "Động thái này thật đáng tiếc. Mỹ rõ ràng đã lao vào một cuộc chạy đua làm leo thang căng thẳng quân sự. Chúng tôi sẽ không phản ứng trước những hành động khiêu khích. Chúng tôi sẽ không để mình bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém", ông Ryabkov tuyên bố. Nghị sĩ Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga, cũng cho rằng vụ thử nghiệm của Mỹ là "sự nhạo báng trắng trợn với cộng đồng quốc tế".

Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto ngày 21/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Chúng tôi thất vọng với những gì chúng tôi đang chứng kiến. Việc thử các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất là vi phạm Hiệp ước INF, đồng thời làm trầm trọng thêm tình hình an ninh nói chung và an ninh của châu Âu nói riêng. Mỹ thử tên lửa quá nhanh, không lâu sau khi họ tuyên bố rời khỏi INF. Vì thế, chúng tôi có lý do để tin rằng quá trình biến một tên lửa phóng từ trên biển thành tên lửa phóng từ mặt đất đã bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ tìm lý do để rút khỏi INF”, ông Putin nhận định. Tổng thống Nga cho rằng vụ thử tên lửa của Mỹ càng khiến sự bất ổn về an ninh toàn cầu “leo thang”. Ông cũng cảnh báo các nước châu Âu rằng, Mỹ có thể không thông báo cho các đồng minh về phần mềm mà nước này sử dụng trong các tên lửa. “Tôi lo ngại rằng tên lửa Mỹ do thử nghiệm gần đây có thể được phóng từ các địa điểm ở Romani và sớm có kế hoạch triển khai ở Ba Lan. Việc này chỉ cần một sự thay đổi trong phần mềm”, ông Putin cho biết. Theo nhà lãnh đạo Nga, động thái của Mỹ gây ra “mối nguy hiểm” rõ ràng cho Nga. Để đối phó với thách thức này, Moscow sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả, bao gồm triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, ông Putin tái khẳng định Nga không phải là nước đầu tiên triển khai tên lửa gần châu Âu hay bất kỳ nơi nào khác, trừ khi Mỹ làm điều đó trước.

Trước động thái của Mỹ, Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo. "Hành động của Mỹ đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực lẫn thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ngày 20/8. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đã tới lúc Washington "nên từ bỏ não trạng Chiến tranh Lạnh và làm nhiều hơn những thứ khác vì hòa bình, ổn định của thế giới lẫn khu vực". Các phương tiện truyền thông Nga ngày 22/8 dẫn lời Phó Đại diện thường trực nước này tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Dmitry Polyansky, cho biết Nga và Trung Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành cuộc họp khẩn liên quan đến những tuyên bố của Mỹ về kế hoạch thử và triển khai các tên lửa tầm trung.

Giới quan sát nhận định rằng Trung Quốc có lý do để tố Mỹ kích động chạy đua vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper, trong chuyến thăm một loạt nước châu Á hồi đầu tháng 8/2019 đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ sớm đưa tên lửa tầm trung tới khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, sau đó còn tiết lộ những tên lửa tầm trung của Mỹ có thể sẽ được triển khai tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, những nước nằm gần Trung Quốc hơn sau khi Úc lên tiếng từ chối. Trung Quốc cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả nếu tên lửa Mỹ xuất hiện tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Theo chuyên gia chiến lược người Pháp, tướng Dominique Trinquand, nguyên chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại LHQ, đúng là Mỹ đang cố tình phát động một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng đối tượng của Mỹ không phải là Nga mà chính là Trung Quốc. “Người ta bàn luận rất nhiều về đe dọa của Nga nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu cảnh báo. Lên án Nga không tôn trọng INF chỉ là cái cớ. Tổng thống Donald Trump muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một đại cường quân sự đang lên”, ông Trinquand nhận xét khi chỉ ra rằng hai lý do được Washington chính thức đưa ra để phá bỏ INF là Nga không tôn trọng hiệp ước này và Trung Quốc đứng ngoài, thì tại sao Mỹ lại tự trói tay.

Theo tướng Dominique Trinquand, kho tên lửa của Trung Quốc tương đối ít nhưng nếu Mỹ như đã thông báo, trong một năm nữa, sẽ bố trí tên lửa trong vùng Thái Bình Dương trực tiếp đe dọa Hoa lục, thì Bắc Kinh sẽ phải chạy đua vũ trang.

Từ khi vào Nhà Trắng cách nay gần ba năm, Tổng thống Donald Trump thường xuyên có thái độ “sáng nắng chiều mưa”, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ bị bạc đãi nhưng trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc bị xem là mục tiêu số một chứ không phải là Nga. Ông Trump ngày 20/8 tuyên bố để Nga gia nhập nhóm G7 các nước công nghiệp hóa tiên tiến là chuyện hợp lý. Đây là lần thứ hai ông Trump đề xuất mời Nga trở lại G7 sau khi tư cách thành viên của Moscow (do vụ sáp nhập Crimea) bị Tổng thống Obama và giới lãnh đạo châu Âu “đình chỉ” vào năm 2014.

Trung Quốc và Mỹ đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại gần như toàn diện. “Bằng mọi cách, ông Trump phải bảo vệ thế áp đảo của Mỹ từ kinh tế, công nghệ cao cấp cho đến quân sự đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với mục tiêu qua mặt nước Mỹ vào năm 2049, theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Trinquand nhận định. Thời gian qua, ông Trump cũng đã gia tăng ngân sách quốc phòng, thành lập binh chủng không gian, chế tạo vũ khí mới vừa làm hài lòng phe quân đội, vừa tạo thêm công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế nhưng cũng để bảo vệ thế thượng phong quân sự. Gần đây chính quyền Washington còn quyết định giúp Đài Loan tăng cường vũ trang, đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền. Kế hoạch bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á - Thái Bình Dương và củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Úc và các tiểu quốc đảo cũng đã được Mỹ đưa ra. Tất cả cùng mục đích là nhắm vào Trung Quốc.

my khieu khich trung quoc chay dua vu trangMỹ chỉ trích Trung Quốc đưa nhóm tàu trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
my khieu khich trung quoc chay dua vu trangCú "phản đòn" thịt heo của Trung Quốc dành cho Mỹ
my khieu khich trung quoc chay dua vu trangBộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Thử tên lửa là thông điệp gửi Trung Quốc

H.Phan

AFP