Mỹ: "Kế hoạch Marshall" về năng lượng sạch

09:00 | 26/08/2024

1,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một cố vấn kinh tế hàng đầu cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Kamala Harris đã kêu gọi Mỹ thiết lập một chương trình liên bang mới để cho các quốc gia nước ngoài vay hàng tỷ đô la mua lại các công nghệ năng lượng xanh do Mỹ sản xuất.
Mỹ:
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Mỹ, Brian Deese phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. (Ảnh: AP)

Trong một bài luận đăng tải vào thứ Ba trên Foreign Affairs, nhà kinh tế Brian Deese - người từng dẫn dắt Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Joe Biden - đã kêu gọi "Kế hoạch Marshall về năng lượng sạch". Kế hoạch này lấy cảm hứng và đặt tên theo chương trình của chính phủ Mỹ đã tài trợ cho việc tái thiết châu Âu sau chiến tranh và mở ra các thị trường mới cho ngành sản xuất đang bùng nổ của Mỹ.

Ông Deese viết: “Giống như sau Thế chiến II, Mỹ có thể vừa hào phóng vừa ủng hộ lợi ích quốc gia của mình. Mỹ có thể thúc đẩy lợi ích của mình bằng cách mở rộng quy mô các ngành công nghiệp để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, đồng thời gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh địa chính trị mới này. Và Mỹ có thể cung cấp cho các quốc gia đang phát triển năng lượng để mở rộng và đổi mới nền kinh tế nhưng vẫn giảm khí thải hiệu quả”.

Chỉ một tháng sau khi ông Biden rút khỏi cuộc đua, chiến dịch Harris đã tập trung vào việc tăng cường xây dựng các dự án nhà ở và kiểm soát giá thực phẩm. Bài luận của ông Deese mang lại cái nhìn về cách chính quyền Harris có thể mở rộng luật khí hậu của ông Biden, thúc đẩy việc xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời, pin, và xe điện.

Điểm cốt lõi trong đề xuất của ông Deese là ý tưởng về một cơ quan tài trợ mới có tên là Cơ quan Tài chính Năng lượng Sạch.

Ông Deese viết: “Kế hoạch Marshall có mục tiêu rõ ràng là hỗ trợ nhu cầu của châu Âu đối với các sản phẩm và công nghệ năng lượng sạch của Mỹ cần thiết để tái thiết châu Âu và đưa ngành công nghiệp đổi mới của Mỹ lên hàng đầu”.

Theo ông, các tổ chức tài chính liên bang hiện tại dành cho các giao dịch ở nước ngoài bị ràng buộc bởi các quy tắc rườm rà cản trở đầu tư của Mỹ có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Ông Deese nhấn mạnh, Tập đoàn Tài chính Phát triển Mỹ (DFC) chỉ hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tập đoàn này không đầu tư vào ngành chế biến lithium của Chile vì quốc gia Nam Mỹ này được coi là có thu nhập cao. Nhưng các công ty sản xuất coban ở Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia có thu nhập thấp, thì thường không thể đáp ứng các tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt của DFC.

Ngược lại, năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 200 triệu USD cho một nhà máy lithium ở Chile và bắt tay vào mở rộng các dự án khai thác coban ở Congo. Cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách tăng thị phần trong thị trường kim loại quan trọng để chế tạo pin và các công nghệ xanh khác.

Mặc dù Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ đã tài trợ cho các dự án năng lượng sạch lớn nhưng lại không được đề cập trong bài luận dài khoảng 5.100 từ của Deese. Các quy định và quyền hạn hiện tại của ngân hàng này sẽ kết thúc vào cuối năm 2026, việc tái thẩm quyền có thể gặp khó khăn tại Quốc hội.

Ông Deese gợi ý rằng, Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng có thể đưa ra mô hình cho Cơ quan Tài chính Năng lượng Sạch. Dưới thời giám đốc hiện tại Jigar Shah, đơn vị cho vay trong nước của Bộ Năng lượng đã phê duyệt 11 khoản đầu tư với tổng giá trị 18 tỷ USD trong 2 năm qua, nhanh chóng mở rộng hoạt động để phân bổ tiền từ các luật khí hậu của ông Biden.

Ông cũng nhấn mạnh năng lượng địa nhiệt như một liên kết từ Kế hoạch Marshall ban đầu, khi Italy sử dụng tài trợ của Mỹ để phát triển ngành năng lượng địa nhiệt sau Thế chiến II.

Đến năm 1950, Italy đã tăng gấp đôi công suất địa nhiệt nhờ vào công nghệ của Mỹ.

Ông Deese đề xuất Mỹ nên xuất khẩu thiết bị địa nhiệt sang Đông Nam Á và châu Phi, và tài trợ cho các nhà máy hạt nhân mới.

Ông Deese cho rằng Cơ quan Tài chính Năng lượng Sạch nên tiếp cận linh hoạt để thu hút đầu tư tư nhân, thay vì chủ yếu dựa vào viện trợ.

Chương trình cũng sẽ yêu cầu Washington cân bằng sân chơi toàn cầu thông qua việc sử dụng các công cụ thương mại như thuế quan một cách chủ động nhưng thận trọng.

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã hứa sẽ áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đến mức có thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu trong vòng 4 năm. Ông Deese cho rằng, thay vì vậy Mỹ có thể hợp tác với các đồng minh để chống lại thương mại không công bằng của Trung Quốc và cân nhắc các chính sách thuế carbon tương tự như của EU để hỗ trợ các thoả thuận năng lượng sạch.

Ông Deese kết luận rằng, trong bối cảnh hiện tại, khi Mỹ đang có sức mạnh kinh tế mạnh mẽ nhưng đối mặt với cạnh tranh gia tăng, sự phân mảnh toàn cầu và khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, Mỹ có cơ hội để thực hiện những hành động có lợi cho cả thế giới và chính mình. Ông khuyến khích Mỹ thực hiện các bước đi quan trọng không chỉ vì lý do đạo đức, mà còn vì lý do chiến lược, nhằm cải thiện tình hình toàn cầu, đồng thời củng cố vị thế và lợi ích của chính mình.

Khai thác dầu khí toàn cầu tăng vọt bất chấp chuyển đổi năng lượng sạchKhai thác dầu khí toàn cầu tăng vọt bất chấp chuyển đổi năng lượng sạch
Siêu trung tâm năng lượng đầu tiên của Vương quốc AnhSiêu trung tâm năng lượng đầu tiên của Vương quốc Anh
Trung Quốc: Bùng nổ năng lượng sạch vào năm 2023Trung Quốc: Bùng nổ năng lượng sạch vào năm 2023
Chevron đầu tư 1 tỷ USD vào trung tâm công nghệ mới ở Ấn ĐộChevron đầu tư 1 tỷ USD vào trung tâm công nghệ mới ở Ấn Độ

Nh.Thạch

AFP