Muốn tăng giá sữa, phải giải trình nguyên nhân
Ông Nguyễn Anh Tuấn.
Như đã biết, giá sữa và việc quản lý giá sữa hiện nay đang là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là tính minh bạch trong việc kê khai giá của các công ty sữa. Và để chấm dứt tình trạng này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 227a/CQLG-NLTS yêu cầu các công ty sữa phải tiến hành đăng ký giá trước khi tiến hành điều chỉnh tăng giá.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Giá cho biết, từ tháng 12/2013 đến nay mới có 2/6 công ty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính, mức đăng ký điều chỉnh tăng là từ 5-10%. Trong đó, có 1 công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9%, nhưng chưa được điều chỉnh vì không giải trình được nguyên nhân tăng.
Với doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), ông Tuấn cho biết: Công ty này đã có văn bản số 2013002/FIN ngày 05/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, mức tăng phổ biến 5-7%. Nguyên nhân tăng giá của Công ty là do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 1/8/2013, mức tăng từ 12,6-12,8%. Vì vậy công ty điều chỉnh giá bán ra thị trường tăng phổ biến từ 5-7%.
Trong 16 sản phẩm Công ty thực hiện điều chỉnh tăng có 3 sản phẩm được điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2013 với mức tăng là 10%. Có 13 sản phẩm ổn định giá từ giữa năm 2012 đến nay mới điều chỉnh giá.
So với yếu tố đầu vào qua kiểm tra, theo dõi thì với tỷ lệ tăng giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan thực tế tăng 12,6-12,8% thì mức giá bán tăng tương ứng khoảng 5-10%. Do đó, mức điều chỉnh phù hợp với biến động của đầu vào.
Riêng về vấn đề tăng giá sữa vào mỗi dịp đầu năm, ông Tuấn cho biết: Cục Quản lý Giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, cũng đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa.
"Căn cứ vào các quy định hiện hành về quản lý giá (Luật giá, văn bản hướng dẫn Luật Giá) Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), các Sở Tài chính địa phương đã thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ kê khai giá khi các doanh nghiệp sữa gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh giá bán, đề nghị các công ty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá, trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Thanh Ngọc
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng