Mục tiêu khai thác của OPEC+ và tín hiệu nhu cầu từ Trung Quốc

09:51 | 11/03/2024

2,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khảo sát mới nhất của Platts bởi S&P Global Commodity Insights cho thấy, tổng sản lượng dầu thô của OPEC+ trong tháng 2 ít thay đổi so với tháng 1 và vẫn cao hơn hạn ngạch sản lượng chung mà OPEC và các đồng minh đã cam kết.
Mục tiêu khai thác của OPEC+ và tín hiệu nhu cầu từ Trung Quốc

Theo kết quả cuộc khảo sát, tổng sản lượng dầu của OPEC+ không thay đổi trong tháng 2 so với tháng 1 ở mức khoảng 41,21 triệu thùng mỗi ngày - cao hơn khoảng 175.000 thùng/ngày so với hạn ngạch chung.

Các thành viên OPEC+ đã quyết định tự nguyện cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày khỏi sản lượng của nhóm trong quý này, mặc dù phần lớn trong số đó là việc cắt giảm sản lượng đã có hiệu lực, bao gồm việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê-út.

Cuối tuần trước, các thành viên của liên minh OPEC+ đã cam kết sẽ duy trì việc cắt giảm nguồn cung cho đến cuối Quý II.

Ả Rập Xê-út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Kazakhstan, Algeria, Oman và Nga hiện đang cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô tương ứng của họ trong nửa đầu năm 2024 với mức cắt giảm tự nguyện bổ sung, bên cạnh các mức cắt giảm tự nguyện mà OPEC+ đã công bố trước đó vào tháng 4 năm 2023 và sau đó kéo dài đến hết năm 2024.

Ước tính sản lượng trong tháng 2 đã chỉ ra rằng, một số thành viên của liên minh, đặc biệt là Iraq và Kazakhstan - tiếp tục khai thác vượt mức hạn ngạch tương ứng.

Vào giữa tháng 2, cả Iraq và Kazakhstan đều cam kết tuân thủ mức cắt giảm mà họ đã công bố.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani cho biết vào tháng trước rằng nhà khai thác lớn thứ hai của OPEC, Iraq, cam kết tự nguyện cắt giảm trong thỏa thuận OPEC+ và sẽ khai thác không quá 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Về phần mình, thành viên ngoài OPEC là Kazakhstan tuyên bố sẽ bù đắp trong những tháng tới vì không tuân thủ việc cắt giảm trong tháng 1.

"Kazakhstan luôn ủng hộ các sáng kiến ​​của các nước thành viên OPEC+", Bộ Năng lượng nước này cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 2 vừa qua.

Trước đó, mặc dù liên minh OPEC+ tiếp tục kéo dài việc giảm sản lượng khai thác cho đến hết Quý II/2024, giá xăng dầu vẫn chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ yếu hơn kỳ vọng.

Chính phủ Trung Quốc đã tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc không tung ra các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn thì nước này khó đạt được mục tiêu tăng trưởng cao như trên.

Tuy nhiên, ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành Saudi Aramco vừa khẳng định nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc nói riêng, toàn cầu nói chung năm nay sẽ ở mức tích cực. Trong đó, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt trung bình 104 triệu thùng/ngày, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Saudi Aramco hiện là Tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất thế giới, trực thuộc Chính phủ Saudi Arabia.

Ông Amin Nasser cũng nhấn mạnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc đang ở mức tốt và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Saudi Aramco hiện đang đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực lọc hóa dầu - hóa chất.

Miễn là nhu cầu vẫn mạnh mẽ và đang tăng lên, thị trường dầu sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt mà nhà lãnh đạo OPEC cần để bổ sung cho ngân sách đầu tư của mình và có thể tăng sản lượng. Trên thực tế, điều này có thể tăng tốc vào đầu năm tới, theo Giám đốc điều hành Occidental. Đặc biệt nếu dự báo về việc tốc độ tăng trưởng sản lượng ở Mỹ giảm mạnh trở thành sự thật.

Bình An

OP/REU