Mức độ tiêu thụ rượu bia của người Việt: Gia tăng chóng mặt

08:00 | 17/06/2018

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trung bình 1 người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm (tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia), cao hơn con số trung bình 6,6 lít của thế giới. Mức độ sử dụng rượu, bia của Việt Nam đã tăng 30 bậc theo bảng xếp hạng của WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia.

Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết: Năm 2005, trung bình 1 người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 3,8 lít cồn nguyên chất mỗi năm. 5 năm sau, con số này tăng lên 6,6 lít. Đến năm 2017, mỗi người Việt trên 15 tuổi bình quân uống tới 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm.

gia tang chong mat
Bệnh nhân ung thư liên quan đến bia, rượu ngày càng nhiều

Một lít cồn nguyên chất tương đương 2,5 lít rượu hoặc 20 lít bia. Như vậy một người Việt uống 8,5 lít cồn, tức khoảng 21 lít rượu hoặc 170 lít bia. Tuy nhiên, không phải người trên 15 tuổi nào cũng uống bia, rượu. Do đó, theo các chuyên gia, mức cồn trung bình trên người uống bia, rượu thực tế cao hơn con số 8,5 lít và tác hại cũng tăng lên đáng ngại.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, ở Việt Nam người uống rượu, bia chủ yếu là nam giới, nữ giới sử dụng rất ít. Đặc biệt, có đến hơn một nửa nam giới uống nhiều bia, rượu ở mức nguy hại (trung bình 6 cốc bia hơi cho một lần ngồi uống) không chỉ hại về sức khỏe mà còn ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội. Một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy, trong số các vụ bạo lực thì hơn 60% là người trẻ tuổi có sử dụng rượu, bia.

Hiện Việt Nam xếp thứ 3 châu Á cùng với Thái Lan về mức tiêu thụ rượu, bia, sau Hàn Quốc, Lào và cao hơn nhiều Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... Để thoát khỏi tình trạng đó, Việt Nam đang soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó có đề xuất các biện pháp giảm tác hại, giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia... Dự kiến tháng 8-2018, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội, nhưng hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cho rằng dự luật này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, nhờ các quy định đối với các mặt hàng rượu, bia mà nhiều vấn đề liên quan được giải quyết. Cụ thể, có tới 168 nước quy định nồng độ cồn với lái xe mà tai nạn liên quan tới rượu, bia đã giảm. 165 nước hiện có chính sách điều chỉnh giá bán, trong đó 90% áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Việc tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu, bia. Năm 2015, đã có 77 nước thực hiện tăng thuế TTĐB với rượu, bia. Ở Thái Lan, thuế suất thuế TTĐB với rượu, bia là 100%. Trên 50% số nước có quy định giờ bán rượu, bia. Ở Thụy Điển, Nhà nước độc quyền tại 431 điểm bán rượu, bia và chỉ mở cửa từ 10h đến 18h. Ở Phần Lan, Nhà nước độc quyền tại hơn 300 điểm bán rượu, bia. Nhiều nước còn quy định cụ thể về mật độ điểm bán rượu, bia. Nhiều nước ở châu Âu áp dụng chính sách cấm quảng cáo rượu, bia theo khung giờ, hay chương trình dành cho trẻ em… Những vi phạm trong quảng cáo rượu, bia bị xử phạt nặng, chẳng hạn như Pháp xử phạt 10.000 euro nếu quảng cáo rượu, bia trên tạp chí hay trên pano. Do đó, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước để hạn chế tình trạng uống rượu, bia, bảo đảm sức khỏe cũng như bảo đảm an ninh trật tự, giao thông…

Đại diện của WHO nhấn mạnh, phòng ngừa tác hại của rượu, bia bằng cách kiểm soát giá, thuế, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; cấp phép các điểm bán và thời gian bán. Kiểm soát giá được coi là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát, giảm tiêu thụ rượu, bia.

Rượu, bia là đồ uống có khả năng gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu, bia mà tùy thuộc vào giới, tuổi, đặc điểm sinh học, mức độ, cách uống... Dù chỉ uống dưới 1 lon bia 330ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến 7 loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác.

Chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu, bia (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) lên tới hơn 25.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần dành điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính gần 1 tỉ USD năm 2010.

Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu, bia mà tùy thuộc vào giới, tuổi, đặc điểm sinh học, mức độ, cách uống... Dù chỉ uống dưới một lon bia 330 ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến 7 loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng.

Nguyễn Anh