Một ngày tại mỏ than anh hùng

07:09 | 11/05/2013

1,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là đơn vị thành viên chủ lực khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu là đơn vị anh hùng... Người ta còn biết đến Cọc Sáu bởi những moong than sâu, những cỗ máy hiện đại vào bậc nhất trong ngành, với những gầu xúc hàng chục mét khối, những xe vận tải đất đá cỡ lớn 50-90 tấn đang ngày đêm hối hả khai thác vàng đen, làm giàu cho Tổ quốc…

Đổi mới tư duy

Đến Cẩm Phả vào những ngày nắng đầu tháng 5 chúng tôi ôm ấp khá nhiều dự định vì cũng là dịp người lao động ngành than đang gắng sức thi đua lao động sản xuất bước vào quý II. Dưới cái nắng chói chang nơi đất trời vùng Đông Bắc, chúng tôi đứng trên lòng chảo khổng lồ của một trong những mỏ khai thác lộ thiên lớn nhất thế giới ở độ cao +360m, đến lòng moong sâu đến -142m (so với mực nước biển). Đến đâu chúng tôi cũng thấy những người thợ miệt mài lao động, khuôn mặt rạng rỡ vì họ đang cùng nhau quyết tâm nỗ lực ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh theo kế hoạch đề ra trong năm.

Là mỏ lộ thiên, nhưng điều kiện khai thác ở Cọc Sáu cũng gặp không ít khó khăn. Mỏ phải tổ chức bóc xúc đất đá ở độ cao 360m, để mở rộng khai trường, ổn định bờ mỏ, rồi đến san lấp, hoàn nguyên môi trường. Hằng năm, công ty CP Than Cọc Sáu còn phải xử lý lượng nước moong bơm thoát khỏi mỏ rất lớn, lưu lượng thay đổi theo mùa, lưu lượng mùa mưa khoảng 35.000m3/ngày đêm, mùa khô khoảng 6.000m3/ngày đêm. Để giải quyết điều đó, trạm xử lý nước thải mỏ than Cọc Sáu đã bơm thoát từ mỏ đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường nhằm góp phần cải thiện và phục hồi môi trường, cảnh quan trong khu vực. 

Toàn cảnh khai trường mỏ than Cọc Sáu

Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu là một trong 3 đơn vị khai thác lộ thiên lớn nhất của vùng than Cẩm Phả, với sản lượng than khai thác gần 3,5 triệu tấn/năm. Những năm gần đây, mỏ phải tổ chức lấy than ở độ sâu -100m trở xuống, bình quân mỗi năm xuống sâu thêm 10-15m. Lên khai trường sản xuất của công ty, chúng tôi mới thấy, để lấy được tấn than ở lòng moong đưa đi tiêu thụ, chẳng đơn giản chút nào, đâu dễ như nhiều người nghĩ “chỉ việc… xúc than lên để bán”.

Theo nhiều chuyên gia, trên thế giới, những mỏ lộ thiên như Cọc Sáu không còn nhiều, vì đáy lòng chảo này vẫn còn tiềm năng khai thác, do vậy những người công nhân ở Cọc Sáu vẫn thường truyền tai nhau câu “khẩu hiệu” khẳng định cho quyết tâm: “Còn than, còn xuống…”. Và xuống sâu đương nhiên khối lượng công việc sẽ càng nhiều, công ty đối mặt với nhiều thách thức. Trước kia, có nhiều phương án và nhiều người rất ái ngại cho rằng, chỉ khai thác xuống sâu tới mức -120m rồi mới tính tiếp. Bằng sự phát huy sức mạnh nội lực, lao động sáng tạo, kết hợp với sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Vinacomin, cán bộ, công nhân Công ty Than Cọc Sáu đã khai thác tới độ sâu -135m. Thành công ấy là một minh chứng cho tư duy: “Còn than, Cọc Sáu còn xuống sâu. Còn than, Tổng Công ty Than Việt Nam còn khai thác”. Điều đó khiến chúng tôi rất khâm phục.

Phát huy truyền thống

Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu nguyên là Xí nghiệp than Cọc Sáu được thành lập ngày 1/8/1960. Trong chặng đường hơn 50 năm lịch sử, các thế hệ công nhân viên chức (CNVC) của Công ty Than Cọc Sáu đã có những dấu son huy hoàng, họ đã bốc xúc trên 400 triệu m3 đất đá; khai thác gần 78 triệu tấn than. Trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, họ đã làm 380 trận địa, mở được gần 20.000m đường giao thông hào để phục vụ sản xuất và chiến đấu; tổ chức chiến đấu 109 trận và đã bắn rơi 1 máy bay A4D của Mỹ.

Với những thành tích vượt bậc của mình trong suốt chiều dài nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, CNVC của Công ty Than Cọc Sáu đã vinh dự được đón nhận Cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ (1968); được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu tập thể Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1996); Anh Hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (2002); Huân chương Độc lập hạng Ba (1991); hạng Nhất (2006); Huân chương Chiến công (Hạng Nhì 1967, hạng Ba 1990, 1996).  Cọc Sáu có 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 81 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 2.888 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước; 6 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ vùng mỏ; 5 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ngoài ra, Cọc Sáu còn có nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Chính phủ, các bộ, ban, ngành thuộc Trung ương và địa phương...

Từ đầu năm 2007, Cọc Sáu chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần, chính thức mang tên Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu, trực thuộc Vinacomin. Lực lượng lao động có 3.850 người. Lao động kỹ thuật lành nghề có 2.510, trong đó có trên 500 người có trình độ đại học, cao đẳng. Lao động nữ vẫn có đến 1.000 người, phục vụ trong các khâu gián tiếp thiết yếu. Cơ chế thành viên doanh nghiệp Nhà nước, nay là doanh nghiệp cổ phần, Cọc Sáu có những thuận lợi để đầu tư phát triển. Hàng loạt thiết bị cơ giới hiện đại được đầu tư từ năm 2008 đến nay trị giá hàng trăm tỉ đồng đã góp phần không nhỏ vào thành công của công ty.

Đạt được kết quả trên, những năm gần đây công ty đã tập trung vào đổi mới công tác quản lý, điều hành, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác. Đặc biệt trong việc phát động các phong trào đến người lao động. Theo lãnh đạo Công đoàn Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu, do làm tốt công tác động viên khuyến khích người lao động sáng tạo trong sản xuất nên trong những năm qua, CNVC công ty đã có nhiều sáng kiến được áp dụng làm lợi hàng tỉ đồng. Nhất là trong bối cảnh khó khăn của ngành than - khoáng sản nói chung, than Cọc Sáu nói riêng như hiện nay, việc thi đua, phát huy sáng kiến đã tạo những động lực quan trọng để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các sáng kiến tiêu biểu của công ty đa số tập trung giải quyết các vấn đề về cung độ và điều kiện vận tải trên tầng sao cho đảm bảo năng suất, an toàn và hiệu quả.

Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, CNVC và người lao động công ty đã có 2.081 sáng kiến được áp dụng trong sản xuất và các hoạt động chung của công ty làm lợi hơn 55 tỉ đồng. Các sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực như sửa chữa máy móc, thiết bị, mở rộng bờ moong, bãi thải, làm đường, quản lý nhà xưởng, an toàn bảo hộ lao động v.v... Qua các phong trào do công đoàn công ty phát động, đã có 26 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng Lao động Sáng tạo, 20 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Mạnh Kiên