Mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của EVN
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Bùi Văn Sơn. |
PV: Trước tiên xin ông cho biết những đổi thay trong phát triển kinh tế-xã hội của Phong Thổ trước và sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ?
Ông Bùi Văn Sơn: Phong Thổ là một trong những huyện vùng cao biên giới của Lai Châu với diện tích hơn 1.030km2. Huyện có 28 xã thị trấn thì có đến 13 xã biên giới, 15 xã đặc biệt khó khăn. Kinh tế nói chung là chậm phát triển.
Từ khi có Nghị quyết 30a, cuộc sống, cơ sở hạ tầng của huyện, của nhân dân đã thay đổi nhiều, cải thiện rõ rệt. Ví như hệ thống điện, nếu như trước 30a thì chỉ có một số xã có điện thì sau 30a, 100% số xã của huyện đã được đầu tư lưới điện đến trung tâm xã. Và đến hết năm 2015, 90% số hộ dân của Phong Thổ sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Về công tác xóa đói giảm nghèo, mỗi năm, huyện Phong Thổ giảm được 5-6%. Trong đó, nhờ Nghị quyết 30a nên quá trình xóa đói giảm nghèo đã nhanh hơn, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vì vậy, nhân dân cũng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, nhà nước và từ đó tự mình vươn lên thoát nghèo. Cho đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ trên 58% xuống còn 26%.
PV: Phong Thổ vẫn còn 26% hộ nghèo. Vậy huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo như thế nào?
Ông Bùi Văn Sơn: Trong 5 năm tới, huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 30a và theo Nghị quyết 19 của Đảng bộ huyện, tới năm 2020, Phong Thổ sẽ giảm nghèo xuống dưới 10%. Thu nhập của người dân sẽ tăng từ 12 triệu đồng/người/năm như hiện nay lên 24 – 28 triệu đồng/người/năm.
Thi công kéo lưới điện ở huyện Phong Thổ. |
PV: Nghị quyết 30a gồm rất nhiều hạng mục, chương trình, vậy theo ông, hạng mục nào tạo điều kiện cho Phong Thổ phát triển kinh tế-xã hội tốt nhất và huyện có mong muốn gì trong thời gian tới?
Ông Bùi Văn Sơn: Trong Nghị quyết 30a thì có hệ thống điện, đường, trường, trạm. Những hạng mục này, với huyện nghèo thì cái gì cũng quan trọng. Nhưng qua 5 năm thực hiện chương trình 30a, một số hạng mục đã được đầu tư, ví như đường điện đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống trường học, lớp học còn khó khăn, cần tiếp tục được đầu tư thông qua các chương trình, trong đó có hỗ trợ từ các chương trình của EVN như nhà ở bán trú dân nuôi, trường cho học sinh mẫu giáo…
Thứ nữa là đầu tư về giao thông, với Phong Thổ thì đường giao thông đến các thôn, bản hiện dài trên 300km và hàng năm, ngân sách của huyện, của tỉnh đầu tư còn hạn chế. Do đó, huyện Phong Thổ rất mong EVN sẽ đầu tư, hỗ trợ giao thông thôn, bản.
Trong vấn đề sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhân dân đã tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhưng tỉ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn ở mức cao. Chính vì vậy, để đảm bảo thực hiện được theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện là xây dựng những cánh đồng thâm canh, tăng vụ, đưa những loại giống mới, năng suất cao và cố gắng làm sao xây dựng được một số cánh đồng sản xuất hàng hóa lớn… Phong Thổ cũng mong nhận được sự đầu tư của nhà nước và của các ngành.
PV: Vậy thế mạnh của Phong Thổ là gì và để cụ thể hóa thế mạnh này, Phong Thổ cần những sự hỗ trợ nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Sơn: Hoạt động sản xuất ở Phong Thổ trước năm 2006 còn manh mún, không có hàng hóa lớn. Nhưng từ 2006 đến nay, thực hiện chương trình của tỉnh như chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển cây cao su… Phong Thổ đã trồng được trên 1.000ha cao su và đến nay bắt đầu đi vào thu hoạch. Phong Thổ cũng đang hình thành một số cánh đồng mẫu lớn.
Đặc biệt, trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, Phong Thổ đã phát triển cây chuối và cho thu nhập khá cao, từ 100 – 200 triệu đồng/ha/năm. Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng trên địa bàn huyện.
Về phát triển sản xuất, Phong Thổ cũng bước đầu đưa các giống cây có giá trị kinh tế vào sản xuất, và ngay trong năm 2015 sẽ trồng thử nghiệm khoảng 20ha cây mắc-ca.
Trong Nghị quyết 30a, EVN được Chính phủ giao hỗ trợ 3 huyện của Lai Châu, trong đó có huyện Phong Thổ. Huyện Phong Thổ so với 2 huyện còn lại thì có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt hơn như tôi đã nói là huyện biên giới với gần 100km đường biên giới với Trung Quốc, 13 xã biên giới và 15 xã đặc biệt khó khăn, 97% là đồng bào dân tộc… nên việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, Phong Thổ rất cần sự đầu tư của nhà nước cũng như của các Bộ, ban ngành, trong đó có EVN… để có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới
-
Thực hiện Nghị quyết 30a: "EVN rất vui mừng vì đã góp phần giúp bà con miền núi thoát nghèo"
-
EVN đã thực hiện gần 1.000 tỷ hỗ trợ 3 huyện nghèo của Lai Châu
-
Lai Châu: Khánh thành trường PTDT bán trú tiểu học Mù Sang theo Chương trình 30a
-
EVN hỗ trợ 3 huyện nghèo tỉnh Lai Châu: Cơ quan quản lý nhà nước và địa phương nói gì?
-
“Khoác áo mới” cho huyện nghèo (kỳ 2)
-
TS Hà Đăng Sơn: Với giá điện hiện nay, khó thu hút đầu tư phát triển nguồn điện
-
Điện lực Cà Mau đưa vào vận hành hệ thống giám sát ngăn ngừa sự cố máy biến áp online
-
Vì sao EVN liên tục lỗ lớn?
-
Ninh Bình: Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trạm biến áp 220kV Tam Điệp và đấu nối
-
Năm 2023, EVN thua lỗ hơn 21.800 tỷ đồng