Mở nhà hàng, quán cà phê trên cầu Long Biên?

19:40 | 10/12/2014

1,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm tìm kiếm giải pháp bảo tồn cầu Long Biên sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo tồn nguyên trạng cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 100 năm của thủ đô Hà Nội, ngày 10/12, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên tổ chức Hội thảo “Cầu Long Biên giải pháp nào để bảo tồn và phát triển”.

Tại hội thảo, Kiến trúc sư Nguyễn Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên cho hay: Cầu Long Biên như một phần ký ức của lịch sử thủ đô, là hình ảnh kiến trúc đô thị gắn liền với cuộc sống người dân khu phố cổ với nhiều kỷ niệm, sự kiện lịch sử không thể quên. Tuy nhiên, trải qua hơn 100 năm, cầu Long Biên đã và đang xuống cấp trầm trọng, cần được bảo tồn, duy tu.

Nói về việc bảo tồn cây cầu lịch sử này, bà Nguyễn Nga nhấn mạnh, phải đảm bảo nguyên dạng giá trị gốc của cầu Long Biên. Mục tiêu của việc bảo tồn, cải tạo nhằm khớp nối với khu dân cư hiện có và các dự án đang triển khai trong khu vực.

Cầu Long Biên.

Ngoài ra, bà Nguyễn Nga nhận xét, thực tế phát triển du lịch của Hà Nội trong những năm qua còn thiếu những điểm nhấn về lịch sử. Trong khi đó, cầu Long Biên chưa được khai thác và phát triển đúng tiềm năng về du lịch. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa cầu Long Biên trở thành một điểm du lịch độc đáo là điều tất yếu. 

Chúng ta cần nghiên cứu bảo tồn cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật trưng bày hình ảnh về làng nghề truyền thống. Cụ thể, khu vườn treo dạo chơi trên cao sẽ kéo dài toàn bộ hành lang cây cầu. Kiểu quy hoạch này cho phép người dân đi bộ an toàn, tạo một góc nhìn đặc biệt về thành phố. Cùng với đó là cải tạo hệ thống gầm cầu thành vườn nghệ thuật giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật.

Trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được bảo tồn nguyên trạng theo phương pháp đinh tán gỉ, để triển lãm hai đầu tàu hơi nước. Những toa xe cũ biến thành quán cà phê và nhà hàng được đặt trên một nền kính trong suốt để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ. Còn những nhịp cầu bị mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng lại với công nghệ đúc thép hiện đại và được phủ kính trong suốt để làm khu triển lãm, bảo tàng.

“Sẽ đúc mới 10 nhịp cầu bị phá trong chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản. Trên những đoạn cầu mất nhịp được tái hiện lại, với chiều dài là 800 mét nhân chiều rộng 5 mét thì sẽ có được khoảng không gian 4.000m2. Với khoảng không gian này, tầng một sẽ làm các phòng tranh, tầng hai làm bảo tàng ký ức lịch sử thế kỷ 20 với hình ảnh Việt Nam đã thay đổi cục diện thế giới qua 3 cuộc kháng chiến” - bà Nguyễn Nga nói.

Bảo tàng này được thực hiện bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, gió và hơi nước sông Hồng. Riêng khu vực bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành quảng trường, triển lãm quốc gia Nông - Lâm – Ngư nghiệp Việt Nam và công viên nghệ thuật.

Với đề xuất biến cây cầu có giá trị lịch sử này thành bảo tàng, nhà hàng, quán cà phê, nhiều người cho rằng, đây là ý tưởng táo bạo, sống động, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, nó cũng gặp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều người cho rằng: “Cầu Long Biên vắt ngang sông Hồng ghi nhận những dấu mốc đáng nhớ trong tiến trình lịch sử, trở thành một phần máu thịt của thủ đô Hà Nội. Xin đừng biến cầu Long Biên thành cái chợ!”.

Cầu Long Biên là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và thi công, khánh thành tháng 2/1902. Cầu được đặt tên là cầu Doumer (theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Cầu chính qua sông dài 1.682 mét và cầu dẫn dài 896 mét, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40 mét (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61 mét. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ.

Quang Dương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc