Minh bạch khai khoáng - tín hiệu tích cực

10:14 | 13/12/2013

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều bất cập trong việc quản trị tài nguyên ở nước ta như khai thác tài nguyên vô tội vạ, không minh bạch về thu chi, ô nhiễm môi trường, không bình đẳng trong phân chia lợi nhuận… đã dẫn tới hiệu quả kinh tế còn thấp, tỷ lệ thất thoát tài nguyên cao và ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc Bộ Công Thương được Chính phủ giao cho chủ trì nghiên cứu về Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) đang hé mở những tín hiệu tích cực.

EITI lợi ích nhỡn tiền

EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Sáng kiến này có phương pháp luận chặt chẽ nhưng linh hoạt nhằm theo dõi và đối chiếu các khoản thanh toán của công ty và nguồn thu chính phủ ở cấp quốc gia. Quá trình thực hiện EITI được giám sát bởi các thành viên từ chính phủ, các công ty và xã hội dân sự trong nước. Ủy ban EITI và Ban Thư ký quốc tế giám sát phương pháp EITI quốc tế.

Liên minh EITI được thiết lập vào tháng 10/2002 tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johanesburg, Nam Phi. Năm 2005, trong phiên họp toàn thể EITI lần thứ hai tại London, Tập đoàn Tư vấn Quốc tế (IAG) đã đề xuất phương hướng hoạt động và cơ chế quản lý EITI. Theo đó, EITI hỗ trợ cải thiện công tác quản lý tại những quốc gia giàu tài nguyên thông qua quá trình giám sát và công bố khoản tiền mà các công ty phải trả, cũng như nguồn thu mà chính phủ nước đó có được từ khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Phương pháp mà EITI vận dụng mang tính thiết thực và mềm dẻo, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các quốc gia. Những phương pháp này sẽ được đăng ký bản quyền bảo hộ.

"Vàng tặc" hoạt động công khai tại Hà Tĩnh

Sáng kiến này cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều công ty khai khoáng, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế như G8, G20, EU và Ngân hàng Phát triển châu Phi. Liên Hiệp Quốc cũng đã chính thức công nhận EITI vào ngày 11/9/2008 và cho biết sẽ ủng hộ sáng kiến này.

Đối với các nước thành viên, EITI hứa hẹn cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các tập đoàn tài chính. EITI cũng hỗ trợ trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và quản lý tài chính trong khai thác khoáng sản. Đồng thời, giúp quốc gia đó củng cố sự ổn định về kinh tế và chính trị, góp phần ngăn chặn các cuộc xung đột trong ngành dầu khí và khai khoáng.

Đối với các công ty và nhà đầu tư, EITI góp phần giảm nhẹ những rủi ro do yếu tố chính trị. Sự bất ổn về chính trị do sự quản lý yếu kém là một mối đe dọa đối với các nhà đầu tư trong khi ngành công nghiệp khai khoáng có đặc điểm đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự ổn định lâu dài. Khi có EITI, các công ty và nhà đầu tư sẽ được đảm bảo hoạt động trong một môi trường kinh doanh ổn định hơn.

Ngoài ra, EITI cũng đóng vai trò cung cấp thông tin cho cộng đồng về tình trạng thu chi và sự quản lý của chính phủ trong sử dụng tài nguyên quốc gia, giúp người dân đánh giá tính hợp lý của những hoạt động này.

Việt Nam sẽ sớm tham gia

Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng về khoáng sản, dầu khí. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 40 vạn lao động, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, cho đến nay, ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta vẫn còn khoảng cách lớn giữa luật pháp và thực tế. Cùng với đó, việc quản trị tài nguyên còn nhiều bất cập nêu trên khiến chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát và là quốc gia thấp nhất trong nhóm các nước yếu kém. Theo ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển (CODE), việc chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản của Việt Nam còn thấp, một phần là do năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên ngành còn yếu kém. Ngoài ra, việc công khai nguồn thu chưa được minh bạch trong khi rủi ro tham nhũng có thể diễn ra trong bất kỳ giai đoạn nào. Từ những thực tế nêu trên, việc tham gia sáng kiến minh bạch

Mới đây nhất, tại cuộc đối thoại trực tuyến “Khai thác tài nguyên khoáng sản: Minh bạch và hiệu quả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao cho chủ trì nghiên cứu về EITI và Bộ đã báo cáo Chính phủ về khả năng tham gia EITI là khá tích cực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu xúc tiến, quan tâm và tìm hiểu về EITI như một trong những giải pháp giải quyết các vấn đề nan giải trong quản trị khoáng sản. Hiện EITI cũng đang có chính sách mở rộng thành viên. EITI sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách, xây dựng lòng tin, sử dụng nguồn tài nguyên tốt hơn, tăng nguồn thu cho chính phủ và chính quyền địa phương, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát tài nguyên, làm cho Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng so với các quốc gia giàu tài nguyên khác. Bởi chắc chắn đây là một điểm được các nhà đầu tư đánh giá cao, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư sẵn sàng bước vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình do phải được sự đồng thuận của nhiều bên liên quan. Đặc biệt, cơ chế, chính sách cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tính đến tháng 8/2013, đã có 39 quốc gia trên thế giới thực thi và tham gia EITI, trong đó 23 quốc gia là thành viên chính thức và 16 quốc gia là ứng cử viên. Do đó, nếu Việt Nam tham gia EITI thì trước mắt cơ chế chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng phải có những điều chỉnh cho phù hợp.

Mạnh Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps