Mất “tiền tấn” làm đẹp cho con vì chủ quan với răng sữa

13:20 | 07/03/2017

433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều phụ huynh chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ, để con bị sâu răng sữa vì cho rằng răng sữa chỉ là tạm thời mà không biết rằng nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xương hàm và răng trưởng thành, làm xấu khuôn mặt con khi lớn.

Răng sữa thường hình thành khi trẻ từ khoảng tháng thứ 5 đến tháng thứ 8 và hoàn thiện khi trẻ 2 hay 3 tuổi tùy theo từng bé với 20 chiếc, kích thước nhỏ hơn nhiều so với răng trưởng thành. Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Phòng khám Smile Station), trái với chủ quan của nhiều bậc phụ huynh, răng sữa giống như nền móng của một ngôi nhà, ngoài việc hướng cho răng trưởng thành mọc đúng vị trí còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm cũng như quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Vì cho rằng răng sữa chỉ là răng tạm thời nên nhiều phụ huynh chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trong giai đoạn răng sữa, thậm chí cả khi trẻ đã bị sâu răng. Đó là nguyên nhân khiến răng trưởng thành của trẻ bị xô lệch, nặng hơn có thể làm lệch xương hàm, gây hô, móm. Nếu không can thiệp chỉnh nha sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Trẻ càng lớn, hệ xương đã phát triển càng khó can thiệp chỉnh nha. Chi phí vì thế cũng tốn kém hơn, nhiều phụ huynh phải chi vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng chi phí không đáng có, trong khi hoàn toàn có thể tránh được nếu để ý hơn trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ khi còn ở giai đoạn răng sữa.

mat tien tan lam dep cho con vi chu quan voi rang sua
Bác sĩ tư vấn cho bé cách chăm sóc răng miệng

Nguyên nhân gây sâu răng sữa

Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, trẻ ăn uống quá nhiều chất có đường, là một trong những nguyên nhân chính tạo ra môi trường a-xít gây sâu răng ở trẻ. Đường có khá nhiều trong các loại thức uống cho trẻ, trong sữa công thức, thậm chí cả sữa mẹ và nước trái cây hay đồ ăn nhẹ với đường.

Thời gian lưu trữ đường trong miệng cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển sâu răng sữa ở trẻ nhỏ. Khi ngủ hoặc ra ngoài với một bình đầy sữa. Răng bé sẽ ngậm trong sữa một thời gian dài. Điều này sẽ làm răng nhanh hỏng hơn. Sữa mẹ là một loại dinh dưỡng tốt cho răng của trẻ sơ sinh. Nó có xu hướng làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn để phân giải thành a-xít. Tuy nhiên, khi sữa mẹ được sử dụng xen kẽ với các loại đồ uống có đường khác, tỷ lệ sâu răng sẽ cao hơn rất nhiều.

Kể cả khi trẻ 6 tuổi, là thời điểm răng hỗn hợp, nghĩa là răng trưởng thành mọc xen kẽ với răng sữa nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và vẫn còn rất yếu. Kích cỡ không đều giữa răng trưởng thành và răng sữa nên việc chải răng cũng khó làm sạch các mảng bám, nhất là khi kỹ năng chải răng của trẻ cũng chưa tốt.

Giúp trẻ tránh sâu răng như thế nào?

Nếu phụ huynh không quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng cho trẻ trong giai đoạn này, như đã nói có thể gây sâu răng và những hệ lụy nghiêm trọng. Do trẻ còn quá nhỏ khiến việc điều trị nha khoa rất khó khăn dưới hình thức gây mê tổng quát, một biện pháp có thể có rủi ro. Nếu răng sữa bị hỏng do sâu răng nghiêm trọng, răng trưởng thành có thể mọc một cách bất thường, làm cho bé khó khăn trong việc ăn uống và giao tiếp. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ bị sâu răng sữa có nguy cơ bị sâu răng trưởng thành cao hơn những bé có răng sữa khỏe mạnh.

Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ trong giai đoạn này rất quan trọng trong việc hướng dẫn cho trẻ cách ăn uống lành mạnh, tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho con ngay từ bé cũng như hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, cho đến khi 10 tuổi, trẻ vẫn cần được cha mẹ giám sát khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa thích hợp. Trong trường hợp phát hiện trẻ đã bị sâu răng, tốt nhất nên đến ngay các cơ sở nha khoa có uy tín để được các bác sỹ tư vấn và điều trị kịp thời, đúng kỹ thuật, đảm bảo cho trẻ một hàm răng chắc khỏe và thẩm mỹ.

P.V