Lợi và hại của ánh nắng mặt trời

07:00 | 22/06/2014

6,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ánh nắng mặt trời mà bạn tiếp xúc hàng ngày không hẳn đã có hại như nhiều người vẫn nghĩ, nó cũng có nhiều lợi ích mà bạn không ngờ tới.

Khỏe xương: Một lợi ích vô cùng to lớn của ánh nắng mặt trời là giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi và vận chuyển canxi.

Một nghiên cứu ở Anh đã cho thấy, những người cao tuổi bị gãy xương khớp háng, có tới hơn 40% bị thiếu hụt vitamin D trong cơ thể. Lối sống và làm việc trong văn phòng nhiều, thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đã được coi là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ người bị loãng xương trước tuổi.

Các vận động viên thể thao thời Hy Lạp cổ đã biết phơi nắng để tăng sức khoẻ của cơ bắp. Các bà mẹ tắm nắng đều đặn trong quá trình mang thai còn giúp thai nhi phát triển tốt, tăng chất lượng của sữa và phòng được các chứng bệnh hay gặp như mệt mỏi, đau lưng, nôn mửa, chán ăn, hoảng loạn và dễ bị xúc động mạnh.

Tăng cường cho hệ miễn dịch: Với cơ thể, một số nghiên cứu đã cho thấy tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm tăng số lượng các bạch cầu, các kháng thể miễn dịch và đặc biệt là khả năng vận chuyển, tiếp chuyển ôxy của hồng cầu để giúp cơ thể tiêu diệt các siêu vi trùng và các vi khuẩn yếm khí.

Các bệnh như cảm cúm, viêm phổi và lao phổi thường xuất hiện, chuyển biến xấu hơn và gây tử vong nhiều hơn ở những mùa thiếu ánh sáng mặt trời, cả ở những vùng ấm áp. Tắm nắng đã được sử dụng như một phương pháp hữu hiệu để điều trị các dạng lao: hạch, phổi, xương và các vết thương bị nhiễm trùng từ đầu thế kỷ 19 ở châu Âu.

Tốt cho sức khỏe tim mạch: Ánh nắng mặt trời còn như bài thể dục hữu hiệu cho trái tim. Những người sống trường thọ ở một số vùng thuộc Trung Á thường sinh hoạt ở ngoài trời hằng ngày, có nghĩa là họ đã được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn. Ánh sáng mặt trời đã được chứng minh là làm tăng lưu thông máu, đặc biệt ở các tĩnh mạch, giảm cholesterol và nhu cầu tiêu thụ ôxy ở cơ tim, giúp điều hoà huyết áp.

Làm khỏe da: Ánh sáng mặt trời cũng đã được xác nhận là giúp da khỏe mạnh và phòng cũng như giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm (viêm da), vảy nến và trứng cá.

Phòng ung thư: Một số trong chúng ta còn nhiễm bệnh “kỳ thị ánh nắng”, không hề biết rằng ung thư hắc tố ở da thường xuất hiện ở những vùng bị che nắng chứ không phải ở phần da tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Thậm chí, tỉ lệ mắc bệnh cũng như tử vong do các loại ung thư da ở các nước châu Âu thiếu ánh nắng còn cao hơn so với vùng xích đạo nơi nắng chiếu quanh năm.

Làm tinh thần vui tươi, sảng khoái: Ánh nắng đã tác dụng gián tiếp một cách tích cực đến mọi bộ phận trong cơ thể: “Làm tăng chuyển hoá, giảm chứng béo phì, giúp thận làm việc khoẻ mạnh, tăng chức năng thải độc cho gan, giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn và đặc biệt làm chúng ta cảm thấy vui vẻ, bớt u sầu và trầm cảm hơn. Nhiều người ở các vùng thiếu ánh nắng mặt trời đã mắc phải hội chứng “U sầu mùa đông” và phải dùng đến thuốc trầm cảm.

Tiếp xúc với ánh nắng theo chu kỳ ngắn và tốt nhất là vào buổi sáng sớm đã được khẳng định là an toàn và hiệu nghiệm từ bao đời nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần phơi mặt ra ánh sáng mỗi ngày từ 10 - 20 phút có thể đã là đủ cho mỗi chúng ta. C

Nhưng chúng ta không được lạm dụng. Nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều, chúng ta có thể bị cảm nắng, hỏng mắt, bỏng da, cứng và khô da, làm da sần sùi, sạm da và cả tăng khả năng bị ung thư da.

Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào da. Thủ phạm chính là tia cực tím làm da bị tổn thương. Những người thỉnh thoảng tiếp xúc với ánh nắng gắt trong khoảng thời gian ngắn dễ có nguy cơ bị ung thư tế bào hắc tố hơn so với người làm việc thường xuyên dưới nắng mặt trời nhiều giờ mỗi ngày.

Đẩy nhanh quá trình lão hóa da: Phơi nắng nhiều và kéo dài sẽ gây ra tình trạng tổn thương da tương tự như sự lão hóa da. Da trở nên mỏng và kém đàn hồi, dẫn đến tình trạng nếp nhăn, tàn nhang xuất hiện ngày càng nhiều.

Gây tổn thương cho đôi mắt: Tia nắng mặt trời có cường độ rất cao. Nếu nhìn trực tiếp vào "quả cầu lửa" ấy sẽ rất hại cho võng mạc và thị lực của người quan sát.

Tăng sự sinh sản tế bào sừng: Tia UVB trong ánh nắng mặt trời làm gia tăng sự sản sinh tế bào sừng của da khiến lớp thượng bì, nhất là lớp sừng, dày lên.

Hiện tượng tầng sừng này rất bất lợi, đặc biệt là với người bị mụn trứng cá. Nó làm tăng sự ứ đọng chất bã, cồi mụn, làm xuất hiện những sang thương viêm chỉ trong vài tuần sau khi phơi nắng.

Gây một số bệnh ngoài da: Ánh nắng có thể làm khởi phát hay nặng thêm một số bệnh về da do nhạy cảm với ánh sáng như herpes môi, trứng cá đỏ, sạm da...

Linh Chi (sưu tầm)