Lối thoát nào cho chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

20:07 | 14/07/2018

1,637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ lạ là cho đến nay vẫn chưa thấy vai trò của WTO trong xung đột thương mại Mỹ- Trung. Lẽ ra cáo buộc của Mỹ phải được xem xét trước khi đơn phương áp thuế hàng nhập khẩu.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu từ ngày 22/3/2018, đến nay có thể nói xung đột thương mại giữa hai nước này đã chuyển thành chiến tranh thực sự, bởi đã có khối lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD bị đánh thuế vài chục phần trăm.

Chiến tranh thương mại là nơi mâu thuẫn kinh tế thể hiện rõ nhất, thứ vũ khí gây sát thương trong cuộc chiến này là thuế và chính sách bảo hộ. Sử dụng “con bài” thuế là động thái dễ nhận biết, còn bảo hộ rất khó đáp trả.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên sự hoang mang ở những nước đang phát triển, trong đó Việt Nam đang đối mặt với nhiều lo ngại, như làn sóng hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam “đi” Mỹ, sự cạnh tranh khốc liệt hơn...

Nhưng chiến tranh thương mại cũng đem lại cơ hội cho những nước không tham chiến. Một ví dụ đơn giản, khi hàng Trung Quốc khó vào Mỹ và ngược lại thì cơ hội mở ra cho hàng hóa các nước khác. Vấn đề là chúng ta tận dụng nó như thế nào?.

loi thoat nao cho chien tranh thuong mai my trung
Lối thoát nào cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại sẽ sắp xếp lại trật tự mậu dịch toàn cầu, làm “nguội” những cáo buộc lẫn nhau về gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến đến bao giờ? Câu trả lời là khi nào hai bên thấy đủ thiệt hại thì chiến tranh thương mại tự khắc chấm dứt, hay nói cách khác khi hai bên đạt được thỏa thuận nào đó.

Mỹ phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc để có hàng hóa giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, trong khi Trung Quốc phụ thuộc Mỹ các mặt hàng nông sản, công nghệ.

Kết thúc năm 2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 375 tỷ USD- con số cao chưa từng thấy, cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế là rất lớn.

Bởi vậy, chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại khủng khiếp đối với kinh tế, hình ảnh đầu tiên cho thấy Mỹ đổ 80.000 tấn đậu tương xuống biển vì không kịp cập cảng khi chính sách đáp trả của Trung Quốc có hiệu lực.

Nếu hai bên tiếp tục “chơi thả cửa”, ngoài đánh thuế nhập khẩu thì các tập đoàn đang làm ăn trên lãnh thổ của nhau có thể là mục tiêu. Tương tự như hồi năm ngoái, Trung Quốc tẩy chay tập đoàn Lotte của Hàn Quốc khiến tập đoàn này phải đóng cửa hàng chục cửa hàng tiện lợi của họ ở nước này.

Kịch bản xấu hơn là xảy ra cuộc khủng hoảng thừa như hồi 1929 – 1933, nhưng mang bản chất khác. Một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 470 tỷ USD, theo một phân tích của Bloomberg Economics.

Lý do để người đứng đầu Nhà Trắng quyết định “nã đạn” vào hàng Trung Quốc là để bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống gian lận thương mại khiến cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ lệch tâm...

Vì vậy, về lý thuyết, khi Trung Quốc cam kết không vi phạm và chịu phạt thì chiến tranh thương mại sẽ kết thúc. Nhưng điều đó không dễ xảy ra, nhất là khi Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực trái phiếu Chính phủ ông Trump.

Sẽ chẳng ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại, ngược lại có thể làm méo mó thị trường mậu dịch chung. Vì một khi cuộc chiến lên đỉnh điểm sẽ nảy sinh chủ nghĩa bảo hộ làm xuất hiện độc quyền.

Kỳ lạ là cho đến nay vẫn chưa thấy vai trò của WTO trong việc này. Lẽ ra những cáo buộc của Mỹ phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi đơn phương đánh thuế hàng nhập khẩu.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Chiến tranh thương mại với Mỹ - thách thức lớn nhất của ông Tập
Điều chỉnh tỷ giá: Cần tính khả năng Mỹ “nhắm thẳng tới Việt Nam”
Mỹ bị cảnh báo thua Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
Việt Nam cần làm gì để "né" cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?