Một năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Lợi ích lớn nhất không phải là những con số

21:00 | 31/03/2020

363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019, mở ra nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội như thế nào? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về vấn đề này.

PV: Là một nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, xin ông cho biết CPTPP có những tác động như thế nào tới doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam?

loi ich lon nhat khong phai la nhung con so
Lợi ích lớn nhất không phải là những con số

Ông Nguyễn Ánh Dương: Tôi cho rằng, đến thời điểm này có lẽ quá sớm để nhìn nhận đầy đủ những tác động của CPTPP mang lại cho chúng ta. Vì trên thực tế, điều mà chúng ta kỳ vọng từ CPTPP là tác động dài hạn được gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, sau hơn một năm thực hiện CPTPP, chúng ta có thể thấy những tác động bước đầu.

Thứ nhất, xuất khẩu tăng trưởng tương đối tích cực, kể cả ở những thị trường trong CPTPP, đặc biệt những thị trường mới chúng ta chưa từng có hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Mexico... Con số xuất siêu sang những thị trường đó cũng là điểm đáng lưu ý. Từ đó, tôi cho rằng, so với trước đây, khi CPTPP chưa có hiệu lực, sự năng động và nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam đã khả quan hơn rất nhiều.

Thứ hai, trên bình diện tổng thể những tác động của CPTPP đối với xuất khẩu, chúng ta có những đóng góp vào nguồn hàng tiêu dùng trong nước để người tiêu dùng được tiếp cận những mặt hàng chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện đáng kể. Mặc dù, về con số thì đầu tư từ các nước CPTPP vào Việt Nam chưa tăng, nhưng đầu tư từ những nước ngoài CPTPP vào Việt Nam để tận dụng cơ hội từ CPTPP có xu hướng tăng. Với những tiêu chuẩn của thị trường CPTPP phải đáp ứng khi đầu tư, chất lượng đầu tư đã được nâng cao, cải thiện đáng kể.

loi ich lon nhat khong phai la nhung con so
Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường CPTPP chưa được như mong muốn

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích mà Việt Nam thu được lớn nhất khi CPTPP có hiệu lực không hẳn là những con số kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài... Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Ánh Dương: Đúng vậy, với những nỗ lực của Việt Nam trong việc phổ biến thông tin, tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, ít chi phí hơn, rõ ràng lợi ích không phải chỉ thể hiện ở những con số mà chính từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển và năng động hơn hẳn.

Xuất khẩu tăng trưởng tương đối tích cực, kể cả ở những thị trường trong CPTPP, đặc biệt những thị trường mới chúng ta chưa từng có hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Mexico... So với trước đây, khi CPTPP chưa có hiệu lực, sự năng động và nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam đã khả quan hơn rất nhiều.

Thực ra, 1 năm chưa phản ánh hết tác động của CPTPP. Lợi ích lớn nhất của CPTPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam là thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, khát khao vươn lên của doanh nghiệp, đồng thời tác động mạnh mẽ vào việc thay đổi, cải cách thể chế của Việt Nam phù hợp với yêu cầu của thương mại toàn cầu, định hướng phát triển bền vững.

Để tận dụng được tất cả những cơ hội từ CPTPP, chúng ta phải thực sự hiểu chúng ta muốn gì trong dài hạn, hiểu về những yêu cầu phát triển nội tại, để trên cơ sở đó, hình dung mảnh ghép CPTPP (hay cả mảnh ghép Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)) và các cơ chế, luật chơi phù hợp với bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam như thế nào. Nếu như chúng ta không hiểu rõ, chúng ta vẫn chỉ nhìn các hiệp định thương mại tự do ở góc độ thực hiện cam kết một cách đầy đủ, đúng thời hạn, thì có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam khó thu được nhiều lợi ích. Đó là chưa kể đến điều được kỳ vọng là tác động của CPTPP vào cải cách thể chế. Các tác động đó khó có thể có được một cách tích cực nếu như các cơ quan quản lý Nhà nước không tích cực chủ động cải cách thể chế.

Chỉ với tinh thần chủ động, vì lợi ích dài hạn của Việt Nam, chúng ta mới đi được những bước đi đúng đắn, thích hợp.

PV: Cụ thể những bước đi ấy là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ánh Dương: Bước cụ thể đầu tiên là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp, nhưng nhận thức của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn một số lĩnh vực chưa gắn kết với nhau. Chính phủ, các chuyên gia, phải giúp doanh nghiệp hiểu rõ về CPTPP.

Nếu nhìn nhận CPTPP hay EVFTA gắn với bình diện tổng thể phát triển kinh tế của Việt Nam thì các chính sách phải làm thế nào để phát triển các ngành sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lớn lên, phát triển hài hòa với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước đi thứ hai là tổ chức thực hiện những yêu cầu, cam kết không chỉ trong CPTPP mà cả EVFTA. Chẳng hạn, muốn tận dụng ưu đãi phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ. Yêu cầu xuất xứ sẽ không thể đáp ứng được nếu không chủ động về nguồn hàng, không có quan hệ với các đối tác, không xây dựng được hệ thống thông tin giải trình để bảo đảm những thông tin đưa ra được đối tác ghi nhận và công nhận.

Bước cuối cùng là chính sách tổng thể của Việt Nam. Nếu nhìn nhận CPTPP hay EVFTA hoặc các hiệp định thương mại tự do khác gắn với bình diện tổng thể phát triển kinh tế của Việt Nam thì các chính sách phải làm thế nào để phát triển các ngành sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lớn lên, phát triển hài hòa với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cần họ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam cùng lớn lên, cùng chia sẻ và cùng hưởng lợi.

loi ich lon nhat khong phai la nhung con so
Lợi ích lớn nhất không phải là những con số

Tôi cho rằng, khi doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong mối quan hệ hài hòa với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chính những hình ảnh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Đó cũng là lợi ích của cả hai bên. Để làm được điều đó, cần vai trò điều tiết của Nhà nước, không phải điều tiết một cách hành chính, nguyên tắc mà mềm mỏng, thân thiện với thị trường để cân bằng thông tin, cân bằng chính sách ứng xử giữa các nhóm doanh nghiệp để vừa tạo được động lực vừa tránh sự ỷ lại với chính sách.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành: 3 vấn đề cần đặc biệt quan tâm

loi ich lon nhat khong phai la nhung con so

VFTA và CPTPP mang lại những lợi ích mà chúng ta rất kỳ vọng.

Thứ nhất là thương mại, đặc biệt là xuất khẩu. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Nhưng không chỉ là thương mại, chỉ xuất khẩu, mà rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng sẽ được hưởng lợi từ CPTPP.

Thứ hai, nếu Việt Nam nỗ lực cải cách thì sẽ trở nên hấp dẫn trong thu hút đầu tư nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Ngày nay, bên cạnh số lượng, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng đầu tư nước ngoài, quan tâm đến công nghệ, độ lan tỏa với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội. Đây là một điểm nhấn rất quan trọng trong thu hút đầu tư.

Thứ ba, các FTA nói chung, CPTPP chính là chất xúc tác thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. CPTPP là hiệp định thương mại tự do chất lượng rất cao, có rất nhiều đòi hỏi về thay đổi chính sách, pháp luật...

Cuối cùng, CPTPP là văn bản mang tính pháp lý cao nên sẽ gắn liền với câu chuyện minh bạch, gắn liền với câu chuyện xử lý tranh chấp. Như vậy, đòi hỏi chúng ta phải bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, rõ ràng hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn khi tham gia cuộc chơi.

Để tận dụng tốt cơ hội CPTPP mang lại, tôi nghĩ Chính phủ cần đặc biệt quan tâm 3 vấn đề:

Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp với các cam kết trong CPTPP, bởi đây là cơ sở hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.

Hai là, trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không chỉ là thực thi đúng cam kết, mà còn phải vượt lên cả trong suy nghĩ để đáp ứng xu thế mới, đưa Việt Nam chuyển động nhanh, phát triển bền vững.

Ba là, với cải cách thể chế, các chủ trương, chính sách của Chính phủ phải thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có nhiều chi phí giao dịch rất phức tạp. Vì vậy, cần ứng xử thế nào để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp là một điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt lớn dần lên.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới 3 điều quan trọng nhất: Tận dụng được cơ hội dựa trên những lợi thế cùng với thực thi đầy đủ cam kết; phải tuân thủ rất nhiều quy định và chi phí tuân thủ rất cao; phải nắm bắt được công nghệ, lan tỏa kỹ năng... trong sản xuất, kinh doanh.

Đó là những vấn đề liên quan đến sự chuẩn bị, tận dụng cơ hội từ CPTPP hiện thực hóa được những cơ hội ấy, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế đất nước.

P.V

Chưa nhiều doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ CPTPP

heo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong năm 2019, năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP đạt 34,4 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2018. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, tăng 1%.

Mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam tới CPTPP có tăng, nhưng cần phải điều chỉnh và xử lý một số vấn đề quan trọng để tận dụng tốt hơn ưu đãi của CPTPP.

Đơn cử, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về thuế quan và cắt giảm thuế quan chưa thực sự đầy đủ và có hệ thống, nhất là các nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) và các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Các doanh nghiệp còn thiếu thông tin về mạng lưới các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Trong khi đó, năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và cải tiến công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động trong doanh nghiệp, trình độ đội ngũ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng sản phẩm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ CPTPP là không nhỏ, dễ thấy nhất là mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý...

Đổi lại, doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện khả năng cạnh tranh, khả năng tận dụng cơ hội và hài hòa thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. CPTPP sẽ tác động tích cực hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu Chính phủ củng cố hơn nữa sự đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, qua 1 năm thực hiện CPTPP, đã có những chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, tạo nền tảng để tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thời gian tới. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách thể chế ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với quốc tế.

Hơn nữa, một vấn đề cũng phải nói đến là CPTPP chưa tạo chuyển biến lớn về cơ cấu và quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước, do sức hút của thị trường Mỹ còn quá lớn, trong khi sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận các thị trường trong sân chơi CPTPP chưa nhiều.

Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, số doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA chỉ đạt khoảng 39% trong các năm 2018-2019. Với CPTPP có hiệu lực từ năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ CPTPP chưa cao. Số doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi CPTPP chủ yếu thuộc các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như thủy sản, dệt may, da giày... Dư địa để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi trong CPTPP còn rất lớn, nhưng không thể tách rời với việc khai thác, tận dụng các cơ hội của những FTA khác.

Nguyễn Bách