“Lời giải” 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII

11:15 | 10/09/2023

97 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn cần tới 135 tỷ USD đến năm 2030 để đầu tư các nguồn điện bằng phương án xã hội hoá.

Điều này đòi hỏi xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường, cơ chế tài chính hợp lý, khuyến khích đầu tư vào các dự án điện.

“Lời giải” 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho các dự án thuộc Quy hoạch điện VIII.

- Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VIII đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bộ, thưa ông?

Quy hoạch điện VIII đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, với số tiền lên đến gần 135 tỷ USD từ nay cho đến hết năm 2030. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không sử dụng vốn đầu tư công, thực chất là dùng ngân sách nhà nước thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải đưa ra được phương án chi tiết về xã hội hoá cho số vốn này.

Cụ thể, hình thức hợp tác công tư như BOT, BT như thế nào? Phương thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đây ra sao? Các vấn đề này cần được tính toán chi tiết. Với nhu cầu nguồn lực lớn như vậy, nhưng giá lại không cho điều chỉnh thì khi xã hội hoá tư nhân tham gia không thấy lợi nhuận thì khó có khả năng thực thi.

Do đó, đây là bài toán khó. Trách nhiệm phát triển ngành điện trước tiên thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần có sự phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra phương án huy động vốn.

Trách nhiệm lập phương án huy động vốn là do Bộ Tài chính, nhưng Bộ Công Thương cũng phải có phương án của mình, cùng có ý thức phối hợp, không thể “khoán trắng” cho Bộ Tài chính.

Để huy động từ các thành phần kinh tế khác như tư nhân, nước ngoài… nhưng lại chưa có cơ chế chính sách hợp lý về giá thì rất khó có khả năng huy động được nguồn vốn, từ đó dẫn đến khó thực thi Quy hoạch điện VIII. Bởi giá điện do nhà nước quy định, nên khó khăn nhất khi kêu gọi đầu tư vào ngành này vẫn là vấn đề giá.

- Theo phương án tài chính, với số vốn cần đầu tư cho các nguồn điện lên tới gần 135 tỷ USD nhưng lại không dùng nguồn lực từ đầu tư công liệu có quá tham vọng, thưa ông?

Vấn đề này căn cứ vào nguồn thu-chi ngân sác của nhà nước. Trong khi, nguồn lực của nhà nước có hạn và phải phục vụ cho các mục tiêu quan trọng khác. Nhưng với tư duy và quan điểm không chi một phần nguồn lực đầu tư công cho dự án này thì khó có khả năng thực thi.

“Lời giải” 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII
Khối lượng lưới điện truyền tải xây mới và cải tạo theo QHĐ VIII (Đơn vị: MVA/km)

Bởi, muốn xã hội hoá thì phải có chính sách cụ thể. Đây là một bài toán khó và với cách đặt “đề bài” không dễ tìm ra được “lời giải” cho nên Bộ Công Thương mới phải đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VIII.

Thẳng thắn nhìn nhận, đây là một bài toán “đánh đố”, nguồn vốn đầu tư lớn nhưng không dùng nguồn lực từ đầu tư công, trong khi giá thì bị giới hạn, điểm nghẽn giá không được xử lý thấu đáo. Do đó, Bộ Công Thương mới “nhờ” Bộ Tài chính “tháo gỡ” cơ chế, chính sách để huy động 135 tỷ USD.

- Như vậy, việc phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xây dựng cơ chế giá ra sao vẫn là một thách thức trong đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VIII, thưa ông?

Vấn đề ở đây là các bộ phải thực hiện theo đúng chức năng của mình và cần có sự phối hợp với nhau, không thể để mỗi bộ hoạt động “đơn thương độc mã”. Thực tế, quá trình xây dựng và phát triển ngành điện Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm chính, vì đây là chức năng quản lý ngành.

Trong phát triển ngành điện thì có liên quan đến vấn đề vốn và nguồn vốn. Về vốn và nguồn vốn thì Bộ Công Thương cũng phải xây dựng các phương án. Để xã hội hoá, thu hút nguồn vốn thì phải có cơ chế chính sách cụ thể, chi tiết. Trong khi, xây dựng cơ chế chính sách về tài chính như thế nào, thu hồi vốn ra sao lại do Bộ Tài chính quy định vì mỗi bộ có một chức năng riêng.

Nếu Bộ Tài chính có chủ trương cho sử dụng nguồn lực từ đầu tư công thì “bài toán” sẽ đơn giản hơn rất nhiều cho Bộ Công Thương. Nhưng trong phương án không cho phép sử dụng vốn đầu tư công, thì câu chuyện cũng không đơn giản.

Vì thời gian vừa qua đã cho thấy, vướng mắc lớn nhất đối với ngành điện là thu hút vốn đầu tư từ nguồn xã hội hoá, trong đó điểm nghẽn ở đây là giá điện do nhà nước quản lý rất “chặt”.

- Vậy, ông có đề xuất, kiến nghị như thế nào về vấn đề này?

Thứ nhất, Bộ Tài chính cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá, như huy động nguồn vốn như thế nào? Hình thức hợp tác công tư ra sao?

Thứ hai, đây là một đề án lớn, do đó Bộ Tài chính phải nghiên cứu đưa ra họp bàn, thảo luận và phải có đề án cụ thể, như phát hành trái phiếu như thế nào? Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, như nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ra sao? Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bằng chính sách lãi suất như thế nào? Cơ chế chính sách tài chính, tín dụng đến đâu?

Thứ ba, Bộ Tài chính phải phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động vốn đầu tư nước ngoài như thế nào?

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII

Hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII

Chính sách giá điện phù hợp, theo cơ chế thị trường để các bên tham gia cùng có lợi và cùng đóng góp cho đất nước là bài toán cần có lời giải lúc này.