Lộ đường dây buôn bán trẻ sơ sinh

06:00 | 09/04/2014

1,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nạn bắt cóc, buôn bán trẻ sơ sinh xảy ra trong thời gian gần đây tại một số bệnh viện ở TP HCM tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Năng lượng Mới số 311

Mẹ mìn ra tay

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2014, tại TP HCM đã xảy ra 2 vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện gây xôn xao dư luận. Đó là vụ Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, trú quận 7, TP HCM) thực hiện vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện quận 7 vào ngày 9/1/2004 và vụ Huỳnh Thị Ngọc Thủy (37 tuổi, ngụ quận 3, tạm trú Nhà Bè, TP HCM) bắt cóc trẻ tại Bệnh viện Hùng Vương vào ngày 17/3/2014. Điều làm nhiều người nghi ngờ là khi bị bắt giữ, cả Trâm và Thủy đều nại ra lý do bắt cóc trẻ sơ sinh nhằm thay thế cái thai bị sẩy trước đó để qua mặt gia đình chồng.

Riêng Lê Thị Bích Trâm, sau quá trình thẩm vấn của Công an quận 7 thì đối tượng này đã thú nhận là một chân rết trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia do Ngô Thị Lan (39 tuổi, trú quận 1, TP HCM) và Tưởng Đình Thương (35 tuổi, quê Hải Phòng) cầm đầu (Công an TP HCM đã triệt phá vào giữa đầu tháng 3/2014). Theo điều tra, Lan thường tìm kiếm, dụ dỗ những người mới sinh con. Trong thời gian dài, Lan đã bán hơn chục bé sơ sinh cho cho đối tượng Nguyễn Thanh Hằng (28 tuổi, ngụ Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM) để hưởng chênh lệch. Hằng mang trẻ sơ sinh ra Quảng Ninh rồi giao lại cho đầu nậu để bán sang Trung Quốc. Mỗi vụ trót lọt, Lan kiếm lời hàng chục triệu đồng.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh do Ngô Thị Lan, Tưởng Đình Thương cầm đầu

Sau khi Hằng bị Công an Quảng Ninh bắt giữ vào tháng 8/2013 tại khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) khi đang đưa 2 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc thì Ngô Thị Lan quay sang hợp tác với Tưởng Đình Thương. Để có nguồn trẻ sơ sinh, Lan móc nối với các đối tượng chạy xe ôm, sống lang thang quanh các bệnh viện như Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân Dân Gia Định và các bệnh viện tuyến quận… ở TP HCM để tìm kiếm, gạ gẫm các bà mẹ nghèo khó, sinh con ngoài ý muốn, không có điều kiện nuôi con và thậm chí không biết cha của đứa bé là ai để chào bán cho các gia đình có nhu cầu với giá từ 7-12 triệu đồng mỗi trẻ (Lan và Thương có thể kiếm lời gấp hai đến ba lần từ số tiền này).

Ngô Thị Lan hướng dẫn những người này tiếp cận các gia đình sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ đơn thân… để dụ dỗ mua trẻ mới sinh. Mỗi lần môi giới thành công, những người này được hưởng vài triệu đồng. Về phía Tưởng Đình Thương từ giữa năm 2013 đến nay đã môi giới bán lại 20 trẻ sơ sinh cho nhiều đối tượng khác nhau và phần lớn chúng đưa các cháu bé sang Trung Quốc để bán lại. Thương còn cho người phát tờ rơi, dán quảng cáo ở các bến xe, bệnh viện… để kiếm nguồn trẻ sơ sinh. Khi có người muốn bán trẻ, hắn báo cho Lan hoặc tìm khách hàng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Một vấn đề đặt ra trong vụ việc này là vì sao hoạt động phi pháp của Ngô Thị Lan, Tưởng Đình Thương diễn ra trong thời gian dài lại không bị cơ quan chức năng phát hiện? Nhiều ý kiến cho rằng, các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh thường có sự thỏa thuận từ trước với các bà mẹ muốn bán con của mình. Chính vì có sự thỏa thuận mua bán đó nên hành vi mua bán luôn diễn ra một cách âm thầm và nạn nhân chỉ là những trẻ sơ sinh. Thuận mua vừa bán nên tất nhiên không có ai đứng ra tố cáo hành vi vi phạm của bọn chúng. Điều này lý giải vì sao chuyện mua bán trẻ sơ sinh diễn ra khá nhiều trong thời gian dài, thậm chí còn hoành hành ở quanh các bệnh viện, khu công nghiệp, nhà trọ công nhân... Chính vì thế việc phát hiện, điều tra các đường dây buôn bán trẻ sơ sinh còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, qua hai vụ bắt cóc trẻ sơ sinh một cách trắng trợn tại bệnh viện rồi đem bán cho thấy tình hình trật tự an ninh đáng báo động ở các bệnh viện phụ sản như hiện nay. Theo Giáo sư Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương: Trong vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ nhầm lẫn bắt cóc trẻ sơ sinh gây chấn động xã hội, những hành vi này có dấu hiệu buôn bán trẻ em. Việc quản lý trẻ sơ sinh chưa được quan tâm đặc biệt, quy trình xuất viện chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến không phải người nhà, không có giấy tờ vẫn có thể đưa trẻ ra khỏi bệnh viện. Đây là cơ hội để kẻ gian lợi dụng bắt cóc trẻ sơ sinh đem bán.

Cần xử lý mạnh tay

Các chuyên gia về tội phạm thì cho rằng, tội phạm mua bán người, trong đó có trẻ sơ sinh ở Việt Nam hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, những vụ việc bị phát hiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bọn tội phạm này có tổ chức ngày càng chặt chẽ, mang tính chất xuyên quốc gia và quốc tế. Đối tượng phạm tội hầu hết là người trong nước câu kết với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài hình thành những đường dây khép kín, hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, đa dạng và độ ẩn cao. Bọn tội phạm buôn bán trẻ sơ sinh thường tìm đến các cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, nhà hộ sinh để móc nối buôn bán trẻ em có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi, sau khi sinh cho, bán con...). Bên cạnh đó ở vùng quê vẫn có tình trạng cha mẹ nghèo quá, do nợ nần phải bán con vừa ra đời để trả nợ, trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán trẻ sơ sinh.

Công an đang ghi lời khai của Lê Thị Bích Trâm - đối tượng gây ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Quận 7 vào tháng 1/2004

Nạn buôn bán trẻ sơ sinh gia tăng được lý giải là để cung cấp cho dịch vụ nhận nuôi con bất hợp pháp. Ngoài ra, cần phải kể đến nhu cầu từ những người mua trên thị trường buôn bán trẻ sơ sinh trong và ngoài nước đã tạo ra lực cầu khá lớn. Có những vụ buôn bán cả trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ. Chúng nuôi người mẹ đang mang thai đến khi sinh con thì đưa đứa trẻ đi luôn… Hoặc có những vụ tội phạm trong nước kết hợp với tội phạm người nước ngoài đã hành động rất man rợ, chúng giết người và cướp trẻ sơ sinh đem sang Trung Quốc bán gây bức xúc trong dư luận. Vài năm trước đây đã từng xôn xao tình trạng mua bán trẻ em sơ sinh vốn từng xảy ra nhiều tại các “điểm đen” ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Quảng Ninh…

Trung Quốc vẫn được cho là một trong những điểm đen tiêu thụ trẻ sơ sinh từ Việt Nam. Vào tháng 5-2013, tại thành phố Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Công an Trung Quốc đã bàn giao 10 đứa trẻ sơ sinh bị buôn bán cho phía Việt Nam. Các cháu bé sơ sinh được thu gom, bắt cóc tại Việt Nam bị các đối tượng tổ chức đưa qua biên giới, bán tại một số địa phương như Đông Hưng, Sán Đầu, Yết Dương, Quảng Đông (Trung Quốc). Các đối tượng khai nhận, trong vòng 1 năm đường dây này đã đưa được khoảng 20 cháu bé từ Việt Nam bán sang Trung Quốc. Các cháu này đều là trẻ sơ sinh được thu gom ở khu vực các tỉnh phía nam của Việt Nam, đưa bằng xe ôtô hoặc tàu hỏa ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, chúng bố trí người và chọn thời điểm thích hợp để đưa các vượt biên trái phép bằng đường thủy qua sông Ka Long sang Đông Hưng (Trung Quốc). Sau đó, chúng tiếp tục chuyển các trẻ sơ sinh này vào sâu trong nội địa Trung Quốc để bán.

Các đối tượng và một số mắt xích của chúng chuyên thu gom trẻ sơ sinh ở khu vực Bến xe miền Đông (TP HCM) rồi giao số trẻ này cho các mắt xích khác trong đường dây mang sang Trung Quốc. Đường dây tội phạm này hoạt động rất chuyên nghiệp. Mỗi đối tượng được phân công đảm nhiệm một khâu theo từng chặng như: Thu gom nạn nhân, vận chuyển trẻ từ TP HCM ra Hà Nội riêng, rồi đối tượng đưa trẻ từ Hà Nội đi Móng Cái riêng, đến khâu đưa nạn nhân sang Trung Quốc lại do đối tượng khác đảm nhiệm. Bọn chúng chỉ biết nhau bằng mật danh, chứ không hề biết tên thật và thông tin cá nhân của nhau, khâu nào biết khâu ấy. Vì thế gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng công an phá án.

Qua khảo sát của Bộ Công an thì thời gian qua nổi lên các tuyến và địa bàn trọng điểm buôn bán người (trong đó có buôn bán trẻ em, trẻ sơ sinh) như: Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tuyến Việt Nam - Campuchia; tuyến biên giới Việt - Lào; tuyến hàng không đi: Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Ma Cao, Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Australia và các nước châu Phi khác…; tuyến đường biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng sang Trung Quốc hoặc từ biển Tây Nam đi Campuchia. Ngoài ra còn có hơn 130 địa bàn trọng điểm về buôn bán người ở trong nước. Đối tượng buôn bán người chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, đã có tiền án tiền sự về tội buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh vốn đang gây bức xúc dư luận, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác với bọn tội phạm buôn bán trẻ sơ sinh, buôn bán người, ngăn chặn những đối tượng có nguy cơ cao không bị buôn bán. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác điều tra cơ bản về tội phạm buôn bán trẻ sơ sinh và nạn buôn bán người, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm để tổ chức hoạt động phòng ngừa và đấu tranh. Ngoài ra, về phía công an cần đẩy mạnh điều tra truy tố xét xử thật mạnh tay đối với bọn tội phạm buôn bán trẻ em, trong đó cần coi trọng từ khâu tiếp nhận xử lý tố giác tội phạm đến sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp trong hoạt động điều tra truy tố xét xử…

Thế Vinh