LNG có làm thay đổi cán cân Nga – Mỹ trong bản đồ địa chính trị năng lượng thế giới

15:26 | 10/02/2022

854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Căng thẳng quan hệ LB Nga với phương Tây xung quanh Ukraine tiếp tục gia tăng, sau khi đã viện trợ gần 200 tấn khí tài với tổng giá trị 200 triệu USD và phát lệnh sơ tán một phần phái đoàn ngoại giao từ thủ đô Kiev, Tổng thống Mỹ J. Biden đang xem xét các phương án đưa quân đội (lính đánh bộ, không quân và hải quân) đóng tại các nước Baltic và đông Âu, số lượng ban đầu 8.500 quân với khả năng tăng lên 50.000 nếu tình hình diễn biến xấu.
LNG có làm thay đổi cán cân Nga – Mỹ trong bản đồ địa chính trị năng lượng thế giới

NATO tuyên bố mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu, các thành viên liên minh bắt đầu di chuyển tàu chiến và không quân, bao gồm 1 tàu khu trục nhỏ đến biển Baltic và 4 máy bay F-16 tuần tra không phận Litva (Đan Mạch), Tây Ban Nha điều tàu chiến tham gia lực lượng hải quân liên minh và không quân đến Bulgaria, Pháp sẵn sàng cử lực lượng dưới quyền chỉ huy NATO đến Romania.

Song song, Mỹ và EU đã sẵn sàng gói biện pháp trừng phạt kinh tế LB Nga cứng rắn nhất từ trước đến nay, bao gồm hạn chế xuất khẩu năng lượng và vũ khí. Mỹ chuẩn bị sẵn phương án huy động nguồn cung khí đốt, dầu thô thay thế. Thị trường chứng khoán LB Nga liên tục giảm trên -5%/ngày, tỷ giá đồng rúp so với USD từ đầu năm 2022 đã giảm trên 7% xuống 79 rúp/1 USD. Nhằm giảm đà mất giá đồng nội tệ, từ trưa ngày 24/01 ngân hàng TW LB Nga (CBR) quyết định tạm dừng mua ngoại tệ trên thị trường nội địa theo quy tắc ngân sách (từ nguồn thu bán dầu Urals trên 43 USD/thùng).

Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa LB Nga và phương Tây leo thang, sự phụ thuộc trên 50% vào khí đốt Gazprom đang biến Đức trở thành lá chắn các biện pháp trừng phạt cứng rắn trực tiếp vào kinh tế LB Nga. Số liệu năm 2020 cho thấy, khí đốt chiếm tới 31% nguồn năng lượng phục vụ sản xuất công nghiệp Đức, tiếp đến là điện – 21%, dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ - 16%, than – 16%. Hơn nữa, Đức hiện chưa có bất cứ trạm tiếp nhận LNG nào, một terminal duy nhất đang trong quá trình xây dựng, toàn bộ khí đốt nhập khẩu đi qua hệ thống đường ống (khí Gazprom qua Ba Lan, Ukraine và trực tiếp qua Nord Stream, phần còn lại khoảng hơn 40% nhu cầu 100 tỷ m3/năm là khí từ Na Uy và Netherlands). Gazprom còn sở hữu một số kho chứa khí ngầm lớn trên toàn lãnh thổ nước Đức – quốc gia đóng góp dự trữ lớn nhất hệ thống kho chứa ngầm châu Âu (UGS).

Trong trung hạn, thay thế nguồn cung khí đốt đường ống LB Nga không khả thi, bản thân Qatar chỉ sản xuất tổng cộng 100 tỷ m3/năm, và chủ yếu xuất sang thị trường châu Á theo hợp đồng dài hạn, những lô LNG spot sẽ hướng tới khu vực có giá tốt hơn. Song song với chiến lược tiên phong trong lĩnh vực môi trường - cắt giảm phát thải CO2, bao gồm loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân (cuối năm 2022) và điện than (2030-2038), Đức trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Gazprom, không chỉ để sưởi ấm mùa lạnh, mà còn phục vụ phát điện. Ngoài ra, do giá khí tăng đột, trở nên đắt đỏ và tỷ suất hoạt động các nguồn điện NLTT giảm (yếu tố thời tiết), Đức buộc phải tăng nhập khẩu than, bao gồm từ LB Nga.

Trong 3 thập kỷ vừa qua, LB Nga đã nỗ lực đầu tư nhiều tỷ USD xây mới hệ thống đường ống xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đi vòng Ukraine (Blue Stream/Turk Stream phía nam, Yamal-Europe, Nord Stream 1-2 phía bắc), cho phép cắt giảm 70% khối lượng trung chuyển qua quốc gia này từ 141 tỷ m3 xuống còn 41 tỷ m3. Sau khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động, con số này hoàn toàn có thể giảm về 0, điều này lý giải vì sao giới cầm quyền Ukraine kịch liệt phản đối dự án. Nhà điều hành Nord Stream 2 AG vừa hoàn tất thành lập công ty con Gas for Europe GmbH phục vụ quá trình chứng nhận cấp phép hoạt động.

Như vậy, với vai trò đầu tàu kinh tế và chính trị EU, đồng thời là thành viên NATO và đồng minh thân cận Mỹ - Đức đang trở thành rào cản chính trong đường lối trừng phạt cứng rắn LB Nga.

Viễn Đông