Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 4 Luật, 1 Pháp lệnh

17:07 | 05/07/2013

467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 4 luật là Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật phòng, chống thiên tai; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo.

Thay mặt Ban soạn thảo Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, tập thể nhà khoa học, nghiên cứu hết sức phấn khởi với Luật lần này. Một trong 6 điểm mới nổi bật chính là sự “đặt hàng” của xã hội, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đối với các nhà khoa học.

“Để tránh tình trạng đề án, đề tài, dự án... sau khi bảo vệ, hoàn thành rơi vào cảnh cất sâu trong ngăn kéo, các thành phần trong xã hội sẽ đặt hàng và tổ chức, đơn vị khoa học công nghệ sẽ tiến hành cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ theo đơn đặt hàng đó. Gồm 11 chương, 81 điều, Luật Khoa học và Công nghệ có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động khoa học, công nghệ; chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ... phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI). Một trong những điểm mới của Luật là quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài...”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ tại buổi họp báo. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.

Trong khi đó, Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/10/2013 đã quy định hết sức chặt chẽ về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố. 

Theo quy định của Luật, Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nghiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thuyết minh về Luật Khoa học và Công nghệ 

Liên quan đến Luật phòng, chống thiên tai, toàn bộ 6 chương, 47 điều của Luật quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và nguồn lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai (nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm, nguồn tài chính...). Luật quy định hoạt động phòng, chống thiên tai theo chu trình gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Luật cũng quy định hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai. Đây là quy định nhằm xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 8 chương, 47 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014. Luật quy định việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật.

Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như người dân, đó là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Pháp lệnh lần này sửa đổi, bổ sung 22 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 1 điều; sửa đổi 2 chương so với pháp lệnh Ngoại hối. Về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỉ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối, Pháp lệnh bỏ thành viên tham gia thị trường ngoại tệ là "bàn đổi ngoại tệ" vì đây chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng ủy nhiệm thực hiện giao dịch với khách hàng. 

Để phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh quy định Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá hối đoái, quyết định chế độ tỉ giá, cơ chế điều hành tỉ giá. Ngân hàng Nhà nước quản lý vàng thuộc Dự trữ ngoại hối Nhà nước, quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật. Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.

T.L 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc