Lấy dân làm gốc!

14:40 | 01/11/2023

369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) là đơn vị quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường dây và trạm biến áp. Đối với những khu vực “đất rộng, người thưa”, khi triển khai đầu tư xây dựng một dự án đường dây hoặc trạm biến áp, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) khó khăn một thì với khu vực “đất chật, người đông”như khu vực miền Trung thì khó khăn mười.

Vì vậy CPMB xác định công tác BTGPMB là khâu quan trọng, là điều kiện tiên quyết, quyết định tiến độ dự án. Phòng Đền bù được thành lập để thực hiện chức năng nhiệm vụ và tham mưu cho Ban Giám đốc các công việc liên quan đến công tác BTGPMB.

Với địa hình ở miền Trung, các dự án đường dây đều phải đi theo hướng ra Bắc hoặc vào Nam, hoặc cả vào Nam cả ra Bắc, nên với dải đất hẹp quá này, nếu tránh nhà gặp núi, tránh núi phải kéo dây qua nhà. Vì vậy, công tác BTGPMB vốn khó khăn phức tạp, lại càng khó khăn hơn. Nói đến đây, không thể không nhớ đến hình ảnh các anh Lãnh đạo và CBCNV Phòng Đền bù của AMT/CPMB lặn lội đến từng chủ rừng, từng khoảng cột, từng huyện, từng tỉnh; gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng chủ hộ, nơi có đường dây đi qua, mặc khi đó là mưa rơi hay nắng gắt. Những người làm công tác BTGPMB của CPMB thì không có quyền lựa chọn thời tiết để đi thực địa, bởi đó là đặc trưng của khí hậu miền Trung và Tây nguyên, chỉ có hai mùa là mùa mưa và mùa khô.

Lấy dân làm gốc!
Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cùng cán bộ của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và cán bộ CPMB xuống hiện trường tuyên truyền bàn giao mặt bằng cho dự án đường dây 500kV mạch 3 (đoạn Quảng Trạch - Dốc Sỏi), tháng 10/2021.

Phải phối hợp với địa phương để xác minh cây rừng cần chặt hạ, xác định đúng diện tích rừng cần chuyển đổi theo quy định pháp luật, công việc của cán bộ là công tác đền bù thực sự phải là “con ong chăm chỉ”, bởi, có những đường dây, khi thời gian đóng điện chỉ còn được tính bằng từng phút đồng hồ; những cây cao trong rừng có khả năng ngã đổ, gây mất an toàn quản lý vận hành, lại thấy hình ảnh các anh lại tất bật, người người, xe xe lên đường, không kể ngày đêm, mưa nắng, đến từng khoảng cột để phối hợp xử lý, người mệt lả vì chưa kịp bữa cơm chiều, nhưng vui khi đường dây mang điện đúng tiến độ.

Tuyến đường dây đi qua dải đất hẹp, tránh rừng thì phải xuống dân. Những hộ dân sống nơi rừng sâu, sáng mở mắt là thấy núi, thấy rừng, có khi cả cuộc đời, họ chưa rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, những hộ dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vùng đất có giá đền bù rất thấp, nằm ở vùng ven khu vực nông thôn, đây thực sự là điểm khó trong công tác BTGPMB, họ có rất ít thông tin, việc ghi nhận thông tin được truyền đạt cũng hạn chế, cái họ cần nhất là đền bù thoả đáng, mà để thoả đáng trong một số trường hợp là vô cùng, vòng xoáy ấy cứ quẩn đi, quẩn lại, đôi khi họ cũng không xác định được chính xác họ cần gì và bồi thường bao nhiêu là hợp lý, mà công trình thì phải có tiến độ, trong khi công trình lưới điện truyền tải nào hầu như cũng cấp bách và trọng điểm. Đây mới là vấn đề nan giải.

Tôi lại thấy bóng dáng các anh ở những “điểm nóng” nhất, trong thời điểm đã chốt đóng điện. Vẫn bóng dáng quen thuộc ra vào từng ngôi nhà, từng chòi lá như những con thoi dệt vải, các anh vận động từng hộ dân, giải thích với những từ ngữ dân dã nhất, dễ tiếp thu, dễ hiểu và đi vào lòng người, chia sẻ nỗi niềm với họ, gắn nỗi lo của từng hộ trong nỗi lo của mình, làm sao để đạt sự hài hoà nhất.

Có những ngày, các anh đi cùng chính quyền địa phương vận động từng hộ dân từ khi mặt trời chưa ló cho đến khi tắt hẳn, đường về chỉ còn lại những vì sao đêm lấp lánh hay vầng trăng non lấp ló sau luỹ tre làng, lúc này hàng quán đã đóng cửa, người lao công bắt đầu công việc quét dọn. Bữa tối lại là gói mỳ tôm.

Thời gian trôi đưa, công trình nối tiếp công trình, hết ra Bắc lại vào Nam, kinh nghiệm được đúc kết qua từng công việc, vun đắp, xây dựng một tập thể có tính chuyên nghiệp cao nhất, các anh lại trăn trở để làm sao cho việc triển khai mọi dự án có tính đồng nhất, một quy trình tổ chức thực hiện bồi thường ra đời, với những mẫu mã được điều chỉnh cho gần với thực tế hơn. Tất cả được cập nhật vào ISO để triển khai thực hiện. Các khoá tập huấn định kỳ cho cán bộ chuyên môn, để người mới dễ dàng áp dụng và người đã quen gia tăng hiệu quả công việc, tránh sai sót trong công tác quản lý.

Lấy dân làm gốc!
Đoàn Thanh niên EVNNPT và CPMB tuyên truyền công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kết hợp an sinh xã hội dự án truyền tải qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tháng 12/2020.

Thật sự mà nói, chẳng có trường lớp nào đào tạo làm bồi thường giải phóng mặt bằng, họ cũng chẳng có chứng nhận hay chứng chỉ hành nghề, cán bộ làm đền bù tại các địa phương hay các Ban QLDA là những mảnh ghép của nhiều ngành nghề, chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, họ phải giải quyết một công việc mang tính xã hội rất rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của từng gia đình, từng cá nhân, va chạm vào nhu cầu tối thiểu là nơi ở, chỗ ăn, kế sinh nhai của từng hộ gia đình.

Tại cơ quan, họ chỉ là một cán bộ như bao cán bộ các phòng chuyên môn khác, nhưng đứng trước chính quyền địa phương, trước các hộ bị ảnh hưởng, họ lại phải giải quyết, xử lý “thượng vàng hạ cám”, nào là về an toàn điện, tiến độ xây dựng, an toàn môi trường sau xây dựng, giá cả đền bù, phương thức cải tạo nhà, nguồn vốn của dự án…

Họ bị áp lực bởi nhiều phía, theo phân cấp, phân quyền thì địa phương tổ chức thực hiện đền bù, chủ đầu tư phối hợp, giám sát, kiểm tra, nhưng trên thực tế, họ làm tất cả, bao gồm cả việc “năn nỉ” địa phương tham gia, mới đáp ứng tiến độ chủ đầu tư yêu cầu. Như vậy, Lãnh đạo Ban và Lãnh đạo Phòng Đền bù với nhiều suy tư, hành trang cho họ là cái gì mới đáp ứng tất cả. Các buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp và thuyết trình hiệu quả đã được triển khai định kỳ nâng cao hiểu biết về pháp lý, thành thạo sử dụng máy tính, kỹ thuật và nghệ thuật triển khai, 5S, đặc biệt hơn cả là Văn hoá doanh nghiệp, tạo cho các cán bộ có phong cách làm việc chuyên nghiệp với các địa phương, ứng xử tốt đẹp và lành mạnh với đồng nghiệp.

Mỗi việc các anh làm là “mưa dầm thấm lâu”, vận dụng tốt phương châm trong công tác đó là “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc”, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công khai, minh bạch, chính xác, đầy đủ, kịp thời về thông tin của dự án, về thực hiện các chính sách của dự án, gắn với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Lấy dân làm gốc!
CPMB trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhường đất cho dự án điện.

Với một khoảng thời gian không ngắn cũng không dài từ khi thành lập EVNNPT đến nay, đã hình thành nên được nét riêng biệt cho “Cán bộ Đền bù - CPMB” trong mắt các địa phương, với một sự ngưỡng mộ nhất định. Đây là niềm kiêu hãnh không phải “một sớm, một chiều” có được, cũng không thể mua được bằng tiền, nó được tích luỹ và thường xuyên đào tạo, cập nhật qua nhiều năm. Thật vậy, “Cán bộ Đền bù - CPMB” bây giờ đã khác xa rất nhiều, họ đã hoàn hảo hơn cả về mặt tri thức, ý thức, xử sự lẫn giải quyết công việc, tự chủ trên mọi miền đất nước, họ không còn là các mảnh ghép rời rạc, mà đã trở thành những “mảnh ghép đa chiều”, tự nó điều chỉnh để “khớp nối” với bất kỳ mảnh nào khác trong giải quyết công việc.

Để đạt được điều này, các anh đã đóng góp một phần không nhỏ công sức, cùng chia sẻ nỗi buồn, niềm vui và niềm đam mê công việc, tạo ra được các quy định phục vụ tốt công việc, mang tính khả thi cao trên thực tế, tạo hành lang pháp lý an toàn cho các cán bộ yên tâm công hiến, từng bước xây dựng nên được văn hoá ứng xử, văn hoá doanh nghiệp, với phương châm “người với người sống để yêu nhau”.

Lấy dân làm gốc!
Ban QLDA các công trình điện miền Trung đã hoàn thành nhiều công trình.

Trải qua nhiều năm cống hiến cả tuổi trẻ, tạm gác lại công việc riêng của gia đình, những cán bộ làm công tc BTGPMB vẫn miệt mài công việc ở mọi miền đất nước, động viên nhau tích cực trong công việc giải phóng mặt bằng, để góp phần đạt mục tiêu đóng điện nhiều công trình đường dây và trạm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các anh Lãnh đạo Ban và CBNV phòng Đền bù vẫn có lòng đam mê như xưa, vẫn miệt mài công việc, vóc dáng vẫn vậy, cần mẫn, tận tụy trong công việc, chúng tôi rất dễ dàng nhận ra các anh từ xa khi đi trên tuyến, chỉ có khác ngày xưa, mái tóc nay đã nhuốm màu thời gian.

CPMB - 35 năm quyết tâm, tận tâm và trách nhiệm

CPMB - 35 năm quyết tâm, tận tâm và trách nhiệm

Có thể nói mỗi công trình lưới điện được hoàn thành là một dấu ấn của lòng quyết tâm, của tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm của các thế hệ CBCNV Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB). Giá trị tận tâm của những người làm công tác quản lý dự án lưới điện với nhiệm vụ mở đường để dòng điện được vươn xa đến mọi miền của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Tình - Phó Giám đốc CPMB