“Làng rắn độc” Chi Ngãi

07:00 | 27/02/2013

3,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhắc đến nghề nuôi rắn, hẳn nhiều người biết đến những ngôi làng nuôi rắn độc nổi tiếng cả nước như Phụng Thượng, Lệ Mật (Hà Nội), Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc), Tứ Xã (Phú Thọ)… Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách Hà Nội khoảng 100km có một ngôi làng làm cái “nghề nguy hiểm” ấy đến nay đã ngót nghét 20 năm. Đó là làng nuôi rắn ở làng Chi Ngãi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nhờ rắn nhiều gia đình thoát nghèo, đổi đời nhưng trong đó cũng có không ít hộ lâm vào cảnh điêu đứng.

Nghề nguy hiểm

Dù đã được nhiều lần ghé qua, được tận mắt thăm làng Chi Ngãi nhưng mỗi lần đến là lại thêm một ghi nhận mới về sự đổi thay ở ngôi làng chuyên nuôi rắn độc này. Trong tiết trời mưa phùn kèm với cái rét nhẹ của ngày đầu xuân năm mới Quý Tỵ, chúng tôi tìm về làng nghề được mệnh danh là “làng rắn độc”, cái tên gọi ấy khiến những ai mới đến đây lần đầu mà nghe người ta gọi tên thì chắc hẳn sẽ có cảm giác dờn dợn đến ghê sợ, có điều gì đó lạ lẫm khiến người ta tò mò muốn khám phá.

Tìm về Chi Ngãi chúng tôi may mắn được anh Nguyễn Quy Bắc, một trong những người có thâm niên trong nghề nuôi rắn mời về nhà. Rồi anh Bắc cho chúng tôi thưởng thức món thịt rắn đầu năm. Trong tích tắc bên mâm cơm rượu đã có đĩa thịt rắn xào xả ớt bày sẵn bốc mùi đến thơm lựng khiến những “bợm nhậu” hay những người khoái khẩu món rắn sẽ thật thích thú. Nâng chén rượu pha với tiết của con rắn vừa mới được làm thịt đãi khách, anh Bắc kể về những chuyện vui buồn của những người chuyên “trị” loài động vật có khả năng “giết người” chỉ trong nháy mắt.

Nghề nuôi rắn độc thu nhập cao nhưng rất nguy hiểm

Nhấp chén rượu, anh Bắc kể “sự tích” việc đưa loài rắn độc về làng. Thời đó, vào khoảng năm 1993, thời kỳ kinh tế khó khăn nên những người như anh Bắc rời quê hương đi tha phương lập nghiệp, nơi dừng chân là Trung Quốc. Trải qua nhiều nghề mưu sinh, thế rồi cái “duyên” đã kéo anh đến với con rắn mang trong mình thứ chất độc đến chết người ấy. Chính trong thời gian làm thuê ở phía bên kia biên giới, những người như anh Bắc đã tiếp cận loài rắn. Nhận thấy nghề nuôi rắn bỏ ra đầu tư ít mà lại sinh lời nhanh, nhiều nên anh quyết định mang loài rắn nuôi ý chí làm giàu từ chúng.

Cho đến bây giờ, anh Bắc vẫn chưa quên được cái ngày kinh hoàng nhưng may mắn thoát chết của mình. Anh Bắc kể, vào một buổi sáng khi anh đang chuẩn bị thức ăn cho rắn, thức ăn vừa được đưa lên cửa chuồng thì một con hổ mang chúa dài gần 2m bỗng bật dậy “mổ” một phát vào cổ khiến anh vật vã trong đau đớn. Nọc độc bắt đầu phát tán dần ra các vùng xung quanh, theo các mạch máu. Gia đình nhanh chóng đưa anh Bắc đi cấp cứu tại bệnh viện, và anh may mắn thoát chết nhưng phải mất hơn chục triệu đồng tiền thuốc.

“Nuôi rắn độc là nghề cho thu nhập cao, song đây là một nghề nguy hiểm và chịu rủi ro cao. Bởi người nuôi rắn dù có kinh nghiệm đến đâu cũng có thể gặp “nạn”, thậm chí có thể mất mạng nếu không may bị rắn cắn” - anh Bắc cho hay.

Theo kinh nghiệm lâu năm mà mình có được trong nghề nuôi rắn độc, anh Bắc liệt kê cho chúng tôi những loài rắn được nhận định là độc nhất hiện nay như rắn hổ mang, hổ mang chúa. Được biết rắn hổ mang chúa là loài rắn có nọc độc cực mạnh. Lượng nọc độc của một con rắn hổ mang chúa trưởng thành đủ để giết chết 500 con thỏ. Khi bầu nọc đầy là lúc rắn hung dữ nhất, nếu bị rắn cắn trong thời gian này tức là bị nhiễm nọc độc rất nặng. Anh Bắc cho biết thêm: “Từ khi phong trào nuôi rắn độc bùng phát, người người nuôi rắn, nhà nhà nuôi rắn đến nay riêng làng tôi đã có trên dưới 40 người bị rắn cắn. Tuy chưa xảy ra chết người nhưng di chứng và hậu quả của nó để lại thì đã rõ. Nhiều người phải cắt bỏ một bộ phận của cơ thể như ngón tay, ngón chân, nhiều người bị dị tật, ốm đau triền miên”.

Nhà anh Nguyễn Văn Nam người cùng làng với anh Bắc cũng là một trong những hộ nuôi rắn độc. Anh Nam vừa là người nuôi rắn lại “kiêm” luôn việc buôn bán rắn. Đến nay, anh Nam cũng đã gắn bó với nghề nuôi rắn hơn 15 năm. Dù bản thân anh rất am hiểu về các loại rắn hổ, rắn độc nhưng cũng không ít lần sợ xanh mắt với loài vật này.

Anh Nam cho biết: “Nhà tôi nuôi rắn nhiều lắm, gần đến 300 chuồng. Do vườn nhà chật quá nên tôi bàn với vợ tận dụng diện tích trong nhà đặt tạm hai lồng nuôi nhốt rắn bên đầu giường. Một hôm đang nằm ngủ, bất ngờ phát hiện dưới chân có vật gì trườn qua chân có cảm giác lành lạnh, nhìn xuống là con hổ mang chúa dài hơn 3m tuột khỏi lồng, vợ tôi hét toáng lên. Tôi nhanh tay dùng chắn tóm gọn. Sau trận ấy vợ tôi phải sang nhà hàng xóm lánh tạm để trấn an tinh thần”.

Không chỉ có những người đàn ông mới dám nuôi rắn độc, ở Chi Ngãi ngay đến cả những chị em phụ nữ chân yếu tay mềm cũng dám đưa loài động vật này về nuôi với mong muốn thoát nghèo, đổi thay cuộc sống. Chúng tôi tìm đến nhà chị Phùng Thị P nằm ở cuối thôn. Năm nay 35 tuổi, chị P không muốn chúng tôi nêu rõ tên tuổi. Có lẽ chị là người phụ nữ đầu tiên ở cái làng này dũng cảm đưa rắn độc về nhà nuôi. Chị tâm sự: “Mới đầu chưa có kinh nghiệm, sơ suất khi cho rắn ăn chẳng may bị rắn độc cắn vào đốt ngón tay, do chữa không đúng phương pháp nên phải cắt bỏ ngón tay trỏ”.

Theo tìm hiểu, ở Chi Ngãi rất ít hộ nuôi rắn mà không bị dính nọc độc, dù nặng hay nhẹ cũng đều đã từng bị rắn hổ cắn, ít thì cũng mất cả chục triệu tiền chữa trị, thuốc thang. Còn nhiều thì đến cả trăm triệu đồng. Trong làng Chi Ngãi hiện có nhiều người bị cụt ngón chân, ngón tay vì bị hoại tử do rắn cắn; có người sạt nghiệp vì bị rắn cắn. Nguy hiểm là vậy, nhưng bao năm nay người dân nơi đây vẫn kiên trì bám ghề, vì theo họ nhờ loài động vật có nọc độc chết người này mà nhiều nhà lại trở thành “triệu phú rắn độc”. Thấy vậy họ cũng “ham”, mong muốn vận may rồi sẽ đến với gia đình mình. Hàng chục hộ nuôi rắn độc ở Chi Ngãi hộ hiều thì nuôi tới vài trăm con, ít cũng phải vài chục con trong nhà, đồng nghĩa với việc ăn cùng, ngủ cùng và buồn, vui cùng rắn độc.

Nhờ rắn xây biệt thự

Có lẽ bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến Chi Ngãi cũng phải ngỡ ngàng, bởi một làng quê thuần nông nhưng từ đầu làng đến cuối làng là những căn biệt thự trị giá tiền tỉ đua nhau mọc lên san sát. Để hiểu rõ hơn về làng “đổi rắn độc lấy biệt thự”, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tiễu, Trưởng thôn Chi Ngãi. Mặc dù đã quá trưa nhưng vị trưởng thôn này vẫn cặm cụi, cần mẫn dọn dẹp hầm rắn, thấy khách lạ ông mới nghỉ tay. Gạt mồ hôi trên trán, ông Tiễu bảo: “Nghề nuôi rắn độc ở đây có từ năm 1994, thời kỳ đó mới chỉ vài hộ nuôi, khi đó anh Nguyễn Quy Bắc, Nguyễn Quy Khang… là một trong những người đầu tiên đem nghề về làng. Sau vài năm nuôi, mấy hộ này đều xây được nhà cao cửa rộng, thấy vậy các hộ khác cũng xây hầm để nuôi”.

Ngôi nhà khang tang ở Chi Ngãi được xây bằng tiền bán... rắn

Nhắc đến nghề nuôi rắn ở cái làng này, ông Tiễu không thể quên được thời kỳ 2001-2005, theo ông đây là thời kỳ “hoàng kim của rắn độc”, từ một vài hộ nuôi, ít năm sau số hộ đăng ký tăng lên gấp 3 lần. Toàn thôn có khoảng 380 hộ thì có hơn 200 hộ nuôi rắn. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ hơn 3%. Trong vòng chưa đầy 5 năm bộ mặt của Chi Ngãi đã thay da đổi thịt.

Anh Nguyễn Quy Khang, nuôi rắn từ năm 1994, khi đó anh mới chỉ nuôi 300 con. Thấy thu nhập từ việc nuôi rắn mang lại lợi nhuận kinh tế cao, anh Khang bàn bạc với gia đình để đầu tư mở rộng thêm chuồng trại. Lấy ngắn nuôi dài, dần dần anh tích cóp được một ít vốn để đầu tư vào con rắn. Đến nay gia đình anh có trên 1.500 hầm nuôi rắn với gần 2 nghìn con rắn thịt. Theo anh Khang, mỗi con rắn hổ trâu, rắn hổ chúa hay rắn hổ mang nuôi khoảng 1,5 năm thì cho trọng lượng khoảng 2,5-3kg là xuất chuồng được.

Tính ra 1kg rắn hổ mang được bán với giá khoảng 1,2 triệu đồng, 1 quả trứng giá 100 nghìn đồng. Sau khi trừ đi chi phí, mỗi con rắn thu lãi 500-600 nghìn đồng. Mỗi vụ rắn, anh Khang cầm chắc trong tay gần tỉ bạc. Cũng như anh Khang, gia đình ông Nguyễn Quy Nghiên cùng làng nuôi hơn 1.000 con rắn thịt và 700 con rắn giống, mỗi năm thu 2.000 quả trứng, tỷ lệ trứng nở tới 95%. Do giá bán rắn giống cao, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình ông Nghiên đã thu gần 500-700 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác.

Điển hình trong làng có hộ anh Vũ Mạnh Tuấn, hộ anh Tuấn thuộc vào diện “chậm tư duy”. Nghề nuôi rắn đem lại thu nhập cao và phát triển gần 20 năm nay nhưng khoảng 5 năm trở lại đây gia đình anh Tuấn mới dám đưa rắn về nuôi. Trước đây gia đình anh Tuấn chỉ trông vào mấy sào ruộng lúa 2 vụ, mấy sào trồng rau vụ đông, nhà đông con cái học hành nên kinh tế gia đình vất vả. Nhờ mạnh dạn làm “liều” nuôi rắn, kinh tế gia đình anh Tuấn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá. Ba đứa con đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên Hà Nội của anh Tuấn cũng chỉ trông chờ vào mấy con rắn.

Xuân Quý Tỵ, vợ chồng anh Tuấn cất được ngôi nhà mới 3 tầng khang trang, bề thế, trong nhà những vật dụng sinh hoạt cá nhân đắt tiền như tivi, xe máy, bàn ghế cũng được gia đình anh “tậu” về đón tết. Anh Tuấn nói như khoe với chúng tôi: “Nếu không có mấy con rắn chắc mấy đứa con bỏ học từ lâu rồi, nhà cửa ọp ẹp không được xây mới. Tôi cố bám nghề nuôi rắn này cho đến khi không thể nữa”.

Rời nhà anh Khang, anh Bắc, ông Nghiên… đi dọc đường làng Chi Ngãi là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, nhà nào cũng có gara để ôtô con, hoặc xe tải phục vụ chuyên chở rắn. Những đại gia nổi lên giữa vùng đất đồi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này là đều do con rắn độc mang lại. Xung quanh mỗi ngôi nhà ấy, đều có… hàng trăm, hàng nghìn con rắn độc bò lổm ngổm, hoặc nằm im trong chuồng, dưới hầm nuôi chờ thời cơ để giúp người nuôi “phất” lên.

Canh bạc năm rắn

Bước sang năm Quý Tỵ, ở làng nuôi rắn Chi Ngãi người dân thường nói vui với nhau là “canh bạc năm Quý Tỵ”. Trong những ngày rong ruổi ở làng nuôi rắn độc Chi Ngãi chúng tôi thực sự vui mừng vì nhờ con rắn mà cuộc sống người dân thực sự đổi thay. Tuy nhiên, khi ngồi bên mâm rượu rắn, chúng tôi được nghe những “đại gia rắn độc” trải lòng về nỗi lo của mình. 

Trưởng thôn Chi Ngãi Nguyễn Văn Tiễu lo lắng về đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Theo lời “đại gia rắn độc” Nguyễn Văn Bắc, từ ngày thị trường mở cửa, 99% sản phẩm rắn hổ đều do thương lái Trung Quốc sang thu mua. Trước đây, thông thường giao hàng tận cửa khẩu giá giao động 800-1,2 triệu đồng/kg hổ trâu và 600-800/kg hổ mang. Nhưng từ cuối năm 2011-2012, người nuôi rắn gặp nhiều khó khăn. Anh Bắc lý giải, chu kỳ nuôi rắn thịt phải mất đến hơn 1 năm rắn mới đạt trọng lượng từ 2kg trở lên nếu bán thấp hơn giá trên thì sẽ lỗ. Trong khi giá thức ăn cho rắn (cóc, gà con…) liên tục tăng do nguồn cung khan hiếm. Bên cạnh đó để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống, thức ăn cho rắn… thì cũng phải mất khá nhiều tiền. Đã vậy kinh tế năm 2012 đình trệ, ngân hàng thắt chặt hoặc cho vay nhưng với lãi suất cao khiến cho người nuôi lẫn người buôn lâm vào khó khăn.

Cũng chung nhận định, anh Nguyễn Quy Đài có 18 năm trong nghề nuôi, 15 năm trong nghề thu mua, anh tâm sự: “Những năm trước thấy lợi nhuận cao bà con thi nhau phá chuồng lợn làm chuồng nuôi rắn, được giá thì không nói nhưng nhìn vào thực tại giá rắn xuống mức quá thấp chúng tôi thực sự ăn không ngon ngủ không yên”.

Sự lo lắng càng trở nên nghiêm trọng khi dịp cuối năm thương lái Trung Quốc liên tục ép thu mua với giá thấp. Trưởng thôn Nguyễn Văn Tiễu cũng bày tỏ lo lắng, thấy giá xuống tôi cũng khuyến cáo bà con không nên đầu tư mở rộng chuồng trại. Nhưng bà con không nghe”.

Ông Tiễu lý giải, do năm này là năm con rắn, chủ rắn nuôi hy vọng sẽ bán được rắn với giá cao. Nhưng theo thực tế nhìn nhận thì suy nghĩ này không được khoa học cho lắm vì tâm lý thói quen người Việt Nam, rắn chưa phải là món khoái khẩu. Mùa rắn năm nay người nuôi rắn ở Chi Ngãi nói riêng và những địa phương khác nói chung thì nuôi rắn một lần nữa “đánh bạc” với năm rắn vì phần lớn thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái nước ngoài. Những người nuôi rắn xem đó như một ván bài, họ “đánh cược” với thời thế, rủi may.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương, ông  Lê Khả Như cho biết: Việc nuôi rắn ở Chi Ngãi được thực hiện khá chặt chẽ; khi mua bán, vận chuyển rắn đi tiêu thụ đều phải có giấy phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Để tạo thuận lợi cho người dân, Chi cục Kiểm lâm cũng đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thủ tục cấp giấy phép nuôi vận chuyển, tiêu thụ rắn nên tạo "đầu ra" thuận lợi hơn cho người nuôi.

Hà Long

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps