Lãng phí gia tài nhạc giao hưởng

16:24 | 10/03/2022

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đến nay, nhạc giao hưởng vẫn xa lạ với số đông công chúng Việt Nam. Những bản nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Việt Nam được ít người biết đến, dù số lượng tác phẩm khá đồ sộ nhưng hoàn toàn “cất kho”...

“30 năm qua, tôi không được nghe các tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Việt Nam, ngay cả tìm kiếm trên mạng cũng không có”, đó là một thực trạng đáng buồn của nhạc giao hưởng Việt được TS âm nhạc Lê Y Linh chia sẻ trong một bài viết gần đây. Vậy nguyên nhân là gì?

Yếu tố đầu tiên, có lẽ cũng là quan trọng nhất, chính là kinh phí cho một bản giao hưởng. Đối với một ca khúc bình thường, nhạc sĩ chỉ cần tốn vài triệu đồng để hòa âm phối khí và cho ca sĩ thu âm, đã có thể cho ra mắt công chúng. Nhưng thu âm một bản giao hưởng rất đắt đỏ, dụng công vì cần dàn nhạc với hàng chục, hàng trăm người khổ luyện và kinh phí riêng cho các nhạc công thấp nhất cũng phải ngoài 200 triệu đồng.

Nhưng vấn đề đáng nói ở chỗ, nhạc sĩ thu âm rồi mà không được chọn để biểu diễn thì chỉ có... khóc, vì số tiền bỏ ra khá lớn. Hiện nay, các bản giao hưởng thường khó có điều kiện biểu diễn vì chương trình giao hưởng hàng năm không nhiều. Đã thế, các nhà hát chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc giao hưởng lại hiếm khi biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam vì họ cho rằng chất lượng không cao.

Lãng phí gia tài nhạc giao hưởng

Nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong một chương trình hòa nhạc. Ảnh: Thanh Tùng

Thực tế đó khiến các nhạc sĩ nản lòng, nhiều người đã “gác kiếm” hoặc chuyển sang viết nhạc hòa tấu thính phòng. Nhiều người lo lắng về nguy cơ “tuyệt chủng” các bản nhạc giao hưởng Việt Nam. Nhưng dù cơ hội biểu diễn hạn hẹp thì các thế hệ nhạc sĩ sáng tác nhạc giao hưởng vẫn tiếp nối từ hàng chục năm qua cho đến hôm nay. Các nhạc sĩ vẫn viết rồi... chờ cơ hội. Họ viết vì đam mê, vì tình yêu thật sự đối với thể loại âm nhạc sang trọng, đẳng cấp caonày.

Cũng có ý kiến cho rằng, thị hiếu của công chúng chủ yếu thiên về nhạc thị trường, nhu cầu thưởng thức đối với dòng nhạc giao hưởng quá ít. Điều này không phải lỗi của công chúng, mà vì giữa khán giả và nhạc giao hưởng Việt Nam còn một khoảng cách rất xa, chưa có chiếc cầu đủ dài rộng để kết nối.

Có thể nói, việc nhiều tác phẩm khí nhạc đồ sộ, giá trị mà thế hệ các nhạc sĩ như Hoàng Vân, Trọng Đài, Hoàng Lương, Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam... để lại phải “cất kho” đang là một sự “lãng phí gia tài âm nhạc” - theo TS Y Linh. Nhưng ai sẽ phát huy tốt hơn các tác phẩm này bằng cách biểu diễn, giới thiệu rộng rãi tới công chúng? Đó là một câu hỏi khó. Giới nhạc sĩ sáng tác nhạc giao hưởng cho rằng, đầu tư vào nhạc giao hưởng phải dựa vào... Nhà nước. Bởi đó là đầu tư lớn, tốn kém, nhưng quan trọng hơn, đó là đầu tư cho nền văn hóa tương lai.

Công diễn “Chuyện người lính” tại Hà Nội Công diễn “Chuyện người lính” tại Hà Nội
Ghen Cô Vy phiên bản giao hưởng Ghen Cô Vy phiên bản giao hưởng "độc - lạ", nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng dịch
Dàn nhạc giao hưởng London trình diễn Quốc ca Việt Nam bên Hồ Gươm Dàn nhạc giao hưởng London trình diễn Quốc ca Việt Nam bên Hồ Gươm
Sao Mai Phạm Thùy Dung: “Thính phòng là 'bản ngã' của tôi” Sao Mai Phạm Thùy Dung: “Thính phòng là 'bản ngã' của tôi”
Bất ngờ sắc màu Tây Bắc trong đêm hòa nhạc của Sun Symphony Orchestra Bất ngờ sắc màu Tây Bắc trong đêm hòa nhạc của Sun Symphony Orchestra

Trúc Vân