Làng đào Phú Thượng "thấp thỏm" chờ Tết

06:24 | 21/01/2013

2,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa sẽ đến Tết nhưng nông dân trồng đào làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Thời tiết thuận lợi đào Tết năm nay rất khởi sắc, chỉ lo khách mua không còn nhộn nhịp so với mọi năm.

Thời tiết thuận, đào khởi sắc

Chỉ cách đây hơn 1 tháng, nhiều vườn đào ở khu vực phường Nhật Tân, Phú Thượng, quận Tây Hồ vẫn bao phủ một màu xám xịt nằm khoác một lớp áo trắng xóa của ni lông tránh rét. Không ai dám nhận định thị trường đào Tết năm nay có thể thuận lợi, do lo ngại mưa rét kéo dài khiến cho một lượng đào nơi đây bị hỏng. Để bù lỗ, lượng đào đẹp phục vụ thị trường sẽ khan hiếm dẫn đến tình trạng người trồng đảo phải đẩy giá cao.

Để tìm hiểu điều này, chúng tôi đã có mặt tại làng đào Phú Thượng. Nhìn những nhánh đào đầy nụ đã được trút lá, được tỉ mỉ chăm sóc bởi các các chủ vườn chúng tôi cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần.

Ông Công Xuân Tiến, một chủ vườn có kinh nghiệm 40 năm trồng đào cho biết, việc tuốt hết lá đào nhằm để nuôi nụ phải làm trước khi thu hoạch chừng 2 tháng (trung tuần tháng 11 âm lịch) sẽ giúp tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

"Năm nay thời tiết rét chúng tôi tuốt lá sớm từ ngày 22 âm. Theo kinh nghiệm, sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng, thì phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào để hãm cho đào không ra hoa sớm. Nếu trời rét kéo dài, cũng phải đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn", ông cho biết.

Dạo quanh vườn đào khoảng 1 mẫu của ông Tiến, chúng tôi nhận thấy phần lớn những cây đào trong vườn đã mọc chi chít nụ, nhiều cây đã trổ bông khoe sắc. Ông Tiến bật mí: Thông thường vào thời điểm này, các chủ đào dùng các biện pháp để tạo dáng và thực hiện những biện pháp "hãm" hoặc "kích" để có một dáng cây, thế cây đẹp và ra hoa đúng vào những ngày tết. Tuy nhiên có rất nhiều khả năng năm nay người trồng đào không cần phải áp dụng quá nhiều các biện pháp "hãm" hoặc "kích", bởi thời tiết rất thuận lợi cho việc cây đào trổ hoa đúng dịp tết. Nói xong, ông Tiến chỉ cho tôi cách xem những “mắt” đào đầy hứa hẹn, sẵn sàng ra hoa đón Tết trong ít ngày tới.

Ông Công Văn Tung, cũng là một người trồng đào có thâm niên, vui vẻ nói thêm: Cũng may mắn thời tiết giáp Tết gặp thuận lợi, như tháng trước mưa rét kéo dài chúng tôi rất lo lắng. Cả làng trồng đào chắc chắn trúng vụ, tuy nhiên lo nhất là chuyện vắng khách.

"Do có thông tin đào năm nay khan hiếm thì sẽ đắt hơn mọi năm, khiến lượng khách đặt hàng thời điểm này chưa cao không sôi động như mọi năm", ông Tung nói.

Nhưng vẫn thấp thỏm ngóng khách...

Đào khoe sắc sớm trong vườn gia đình ông Công Xuân Tiến

Vườn đào của gia đình ông Tiến có hơn 100 gốc đào từ 5-15 tuổi. Vườn đào này, gia đình ông chủ yếu cho các công ty, cơ quan chơi dịp tết từ ngày 23 tháng Chạp đến khoảng 15 tháng Giêng. Giá thuê đào mọi năm dao dộng từ 5-15 triệu đồng/cây. Nếu trừ tất cả chi phí, mỗi năm, gia đình ông cũng thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng/vụ đào. Để có được thành quả đó không hề đơn giản chút nào. Nghề trồng đào là nghề có thể gắn với ba chữ: gian nan, công phu và rủi ro, ngoài công sức chăm sóc, kỹ thuật lâu năm còn phụ thuộc rất "ý trời", yếu tố thời tiết là rất quan trọng.

Nghe chuyện ông kể, chỉ công việc “tuốt lá” cho đào cũng rất tốn kém. Mỗi công “tuốt lá” là 200.000 đồng/người/ngày, cộng nuôi ăn. Đối với đào cho thuê, việc đánh từ bãi trồng về chậu cây cũng cần đến 5 người khỏe mạnh. Khi vận chuyển đến người thuê đào cũng mất chừng ấy nhân công. Như năm ngoài, riêng tiền thuê vận chuyển cho khách ông Tiến phải đầu tư hơn 70 triệu đồng. Chỉ lấy ví dụ như một cành đào đẹp, giá bán nhanh gọn tại chỗ là 1 triệu đồng còn nếu vận chuyện chí ít cũng mất đi 400 nghìn tiền công thuê xe, vậy là chấp nhận mất đi già nửa giá trị cây đào.

Vườn đào của ông Tiến "ngóng" khách từng ngày

Theo những người trồng đào ở đây, loại đào cành mang lại lợi nhuận tốt hơn cả, vừa dễ bán lại không bị phí vận chuyển do khách tự mang về. Còn loại đào cây, gốc cổ thụ thì công chăm sóc, vận chuyển rất tốn kém, vì vậy nhiều chủ đào đành phải chấp nhận thua thiệt bán tống bán tháo đào gốc lâu năm cho các tay buôn với cái giá chua xót.

Cũng chưa biết đào có khách mua như năm ngoái hay không, bên cạnh một băn khoăn nữa là do biến động kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cơ quan thua lỗ chính điều đó càng làm người trồng đào lo lắng ."Chỉ mong có người đến thuê, mua là tốt lắm rồi. Giá đào không thể cao hơn mọi năm, thậm chí chúng tôi còn giảm giá chịu lỗ, vừa để giữ khách vừa giữ cái thương hiệu của mình không bị mai một.", ông Tiến khẳng định

Chuyện “đào cười, người trồng khóc” giờ đây đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Dù thế nào, họ vẫn là những người cố gắng bám đất, giữ nghề truyền thống của làng để mang đến mỗi nếp nhà cái hồn của Tết cổ truyền.

Hy vọng, Tết năm nay các chủ vườn đào như ông Tiến sẽ đông khách!

Mạnh Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc