Làng bánh "bảy lửa" đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết

10:49 | 13/01/2023

235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cận Tết Nguyên đán, các cơ sở làm bánh khô mè tại thôn Quang Châu (TP Đà Nẵng) lại tất bật đỏ lửa để làm ra những chiếc bánh đặc sản, phục vụ nhu cầu cúng tổ tiên của người dân.
Mỗi ngày đổ cả nghìn bát đường, mang vị Tết ngọt đi muôn nơiMỗi ngày đổ cả nghìn bát đường, mang vị Tết ngọt đi muôn nơi
Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủCận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ
Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 1

Đến làng bánh khô mè Quang Châu ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) những ngày cận Tết, vừa tới đầu làng, chúng tôi đã nghe rõ mùi thơm ngọt của đường, hạt mè rang.

Không khí của làng đang "nóng" lên bởi mọi người, mọi nhà đang hối hả chuẩn bị những mẻ bánh khô mè đặc sản phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà người dân địa phương có thêm việc làm với thu nhập ổn định.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 2

Theo những người cao tuổi nơi đây, bánh khô mè Quang Châu có từ thế kỉ 19, là sản phẩm không thể thiếu để cúng tổ tiên trong những ngày rằm, đầu tháng, các dịp lễ hội và đặc biệt là ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Những người thợ làm bánh cho hay, trước đây loại bánh này được làm từ những hạt lúa, nếp rang giã ra, trộn với đường, sau đó xúc ăn bằng lá mít, nếu ăn vội vàng hoặc vừa ăn vừa nói chuyện sẽ dễ bị sặc. Ngày nay, người thợ đã cải tiến bằng cách rây bột tương tự bánh in.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 3
Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 4

Bà Nguyễn Thị Nghĩ (63 tuổi, hơn 40 năm trong nghề làm bánh khô mè) cho hay để có được những chiếc bánh khô mè thơm ngon, giòn tan phải trải qua nhiều công đoạn và bí quyết riêng của người làm nghề.

Đầu tiên, người thợ phải rây bột vào khuôn với những ô vuông, bên dưới khuôn lót lớp vải thô. Sau đó, định hình mặt bánh bằng một que tre nhỏ.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 5

Bánh khi đã được định hình được chưng cách thủy trên lò đã đun sôi khoảng năm phút.

"Điều đặc biệt là bánh khô mè chỉ làm duy nhất từ loại gạo ngon do chính nông dân trong làng làm ra và được làm hoàn toàn thủ công. Mỗi chiếc bánh chứa đựng trong đó sự cần mẫn đêm ngày, tâm huyết của người thợ", bà Nghĩ bộc bạch.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 6

Khi bánh được hấp chín, người thợ sẽ tận dụng than của lò nấu để nướng bánh. Trong quá trình nướng, lửa được điều chỉnh linh hoạt để giữ cho bánh luôn giòn. Từ các công đoạn nấu, nướng bánh phải trải qua 7 lần lửa trên bếp than hồng nên bánh khô mè còn được gọi là bánh "bảy lửa".

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 7

Đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên mặt, bà Trần Thị Thủy (60 tuổi) thổ lộ, để được mẻ bánh phải ngồi cả ngày bên lò lửa nóng hừng hực làm da mặt bà đã xạm đen.

"Tối về thì mỏi cả tay chân, người không còn một tý sức lực. Nhưng Tết mà, phải làm nhiều để còn sắm cây mai, cái áo mới cho gia đình chứ", bà Thủy thổ lộ.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 8
Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 9

Bánh sau khi được nướng sẽ chuyển sang giai đoạn hai của quy trình là thắng nước đường trên lò than nóng, rang mè, bọc lớp áo nước đường cho bánh rồi mang đi tẩm mè chung quanh để lát bánh có độ dẻo, cứng giòn vừa phải và bùi ngậy thơm ngon. Công đoạn này được xem là tạo "linh hồn" cho chiếc bánh khô mè vì đường và mè sẽ góp phần tạo nên hương vị đúng "gu" xứ Đà thành.

"Đường được hòa với nước theo tỷ lệ riêng, sau đó thắng cho tới, khi nào đường kéo sợi vàng óng là đạt, thêm chút gừng để dậy mùi thơm. Nếu nước đường nấu đạt thì bánh sẽ mềm dẻo, để được lâu, ngược lại bánh sẽ bị khô cứng và dễ vỡ vụn", bà Nghĩ cho hay.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 10

Trung bình một năm, cơ sở bà Nghĩ xuất bán được gần 4.000 hộp bánh khô mè các loại. Riêng cận tết thì sản lượng tăng gấp 3 lần ngày thường, bán được 100.000-150.000 chiếc bánh, khoảng hơn 3.000 hộp.

Bánh được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bánh còn theo chân những người con xa xứ xuất ngoại, trở thành món quà Tết đậm tình, ý nghĩa.

Hiện nay, bánh khô mè loại nhỏ có giá 40.000 đồng/hộp, loại lớn có giá 70.000 đồng/hộp. Đối với du khách mua bánh về làm quà sẽ dùng loại được bọc bằng giấy với giá 60.000 đồng/gói.

Làng bánh bảy lửa đặc sản Đà Nẵng làm ngày đêm vẫn không đủ bán Tết - 11

Để kịp cung ứng bánh khô mè dịp Tết, cơ sở của bà Nghĩ đã huy động gần 10 nhân công làm việc suốt ngày đêm. Mỗi người sẽ được trả công 400.000 đồng/ngày. Với chị em phụ nữ trong làng thì đây là công việc giúp họ có nguồn thu nhập khá để sắm Tết đủ đầy hơn.

Theo Dân trí