Làm gì để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo?

07:00 | 25/03/2022

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam cần chiến lược dài hạn để thu hút nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, xanh hóa dự án đầu tư. Đó là ghi nhận của phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới tại phiên thảo luận về phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 mới đây.
Làm gì để thu hút đầu tư  vào năng lượng tái tạo?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Việt Nam là địa điểm đầu tư lý tưởng, an toàn

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 là cơ hội quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về tăng cường trao đổi thương mại và thu hút vốn đầu tư, xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng hài hòa và bền vững.

Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, bảo đảm các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Làm gì để thu hút đầu tư  vào năng lượng tái tạo?
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon... Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn.

Trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác để hướng tới phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững, cùng nhau định hình những chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới; ưu tiên xây dựng cơ chế để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử và đội ngũ doanh nghiệp công nghiệp đủ mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời chú trọng phát triển một số ngành mang tính đột phá như công nghệ xanh, ôtô sử dụng năng lượng mới, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm...

Làm gì để thu hút đầu tư  vào năng lượng tái tạo?

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng:Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo

Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh. Trong tương lai, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm, mức tiêu thụ điện năng cũng tăng theo với dự báo tăng trưởng điện năng khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên sự “đàn hồi” giữa tăng trưởng điện năng và tăng trưởng GDP vẫn còn khoảng 1,3-1,4 lần trong vòng khoảng 10 năm tới.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển điện năng nhanh, trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng sơ cấp của Việt Nam có phần hạn chế, thời gian qua, Việt Nam đã phải nhập khẩu than để phát điện và dự kiến tới đây phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) để sản xuất phát điện. Bên cạnh đó, khả năng chi trả của các doanh nghiệp và người dân không cao để có thể chấp nhận những thay đổi lớn về cơ cấu nguồn điện, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo.

Làm gì để thu hút đầu tư  vào năng lượng tái tạo?

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, điều đó cũng đặt ra những nhiệm vụ cao hơn, khó hơn về bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời bảo đảm kết của Chính phủ về phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã giúp Bộ Công Thương trong việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, nhất là sau COP26, theo hướng cắt giảm các dự án điện than, tăng cường thêm các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, xây dựng các hệ thống truyền tải vận hành ổn định, cân bằng, giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, hoàn thiện hệ thống truyền tải. Dự kiến, nguồn lực cần có để thực hiện chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện khoảng 13-14 tỉ USD, do đó, rất mong muốn có sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm chia sẻ nguồn lực, công nghệ.

Ông Ken Haig - Giám đốc chính sách năng lượng châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS: Cần có chiến lược mang tính chất dài hạn, đặc biệt về hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin. Đây là cơ hội đối với Việt Nam để có được những lợi ích từ công nghệ lưu trữ, xanh hóa dự án đầu tư.
Ông Kris Karafa - Giám đốc điều hành Gen X Energy: Là đối tác đầu tư với tỉnh Bình Thuận trong nhiều dự án năng lượng tái tạo, Gen X Energy sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Với nguồn lực sẵn có, Gen X Energy có thể thực hiện đầu tư nhanh chóng và hiệu quả. Gen X Energy rất quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Việt Nam và sẵn sàng nguồn lực để đầu tư dự án sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, hài hòa lợi ích quốc gia - cộng đồng - nhà đầu tư - môi trường...

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc