Làm báo thời công nghệ thông tin: Khó và dễ

19:00 | 20/06/2017

1,551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều nhà báo cho rằng, làm báo thời kỷ nguyên số khó hơn nhưng cũng dễ dàng hơn. Sự phát triển của Internet và các phương tiện kết nối, mạng xã hội như facebook, zalo, viber, twitter… đã tác động mạnh mẽ đến các loại hình báo chí, thay đổi và tạo ra một thế hệ những người làm báo nhanh hơn, nhạy bén hơn và có kỹ năng khai thác thông tin đa dạng hơn.   

Nhà báo Thanh Hằng (Báo Công an nhân dân): Nhà báo luôn phải tự sửa mình

lam bao thoi cong nghe thong tin kho va de

Làm báo trong thời đại công nghệ ngày nay khác xa với chục năm trước, dù đầy thách thức nhưng cũng nhiều thú vị.

Dường như các nhà báo đều có facebook. Đó không chỉ là chỗ để giải trí, giãi bày tình cảm, đưa những hình ảnh về cuộc sống riêng tư như nhiều người, mà với không ít nhà báo, đó còn là một kênh thông tin rất tuyệt vời. Mạng xã hội giúp người làm báo dù ở một chỗ vẫn có nhiều thông tin, nên việc nắm bắt các vấn đề nóng, được xã hội quan tâm cũng nhanh hơn, đồng thời có thể kiểm chứng, xử lý thông tin chính xác, phản ánh kịp thời, không bỏ lọt các sự kiện cần quan tâm.

Cùng với sự phát triển của các loại điện thoại thông minh và Internet phủ khắp hang cùng ngõ hẻm, mỗi người dân đều có thể là một “nhà báo” trong việc truyền tải thông tin đến cộng đồng. Và đó chính là đội ngũ cộng tác viên rộng rãi của người làm báo nếu biết hạn chế những điểm yếu và sử dụng điểm mạnh của họ.

Trên thực tế, tôi cũng đã nhiều lần sử dụng các nguồn thông tin từ mạng xã hội, từ báo điện tử để triển khai thành đề tài báo chí sau khi đã kiểm chứng nhiều nguồn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc xử lý tin, bài, ảnh để đưa đến công chúng thông tin nhanh hơn, cho phép nhà báo có thể vừa dự sự kiện vừa phản ánh gần như song song, để thông tin đến với bạn đọc nhanh nhất có thể.

lam bao thoi cong nghe thong tin kho va de

Nhiều khi, với những thông tin dùng cho báo chính thống không hết hoặc không phù hợp, nhiều người làm báo, trong đó có tôi, đã sử dụng cho “báo cá nhân” là mạng xã hội. Với sự chọn lọc kỹ càng và chính xác, mang tính xây dựng, những bài viết đôi khi rất ngắn trên mạng xã hội góp phần mang đến cho bạn đọc một lượng thông tin rất đáng kể và cần thiết, làm tròn thêm những cái nhìn về một vấn đề, góp phần để công chúng có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về nhiều vấn đề quan trọng. Điều đáng nói là trong rất nhiều trường hợp, những thông tin trên facebook của những người làm báo được đón nhận và tin cậy hơn báo chính thống, bởi sự thú vị và tính chân thật.

Tuy nhiên, làm báo thời kỷ nguyên số này không hoàn toàn là thuận lợi. Bởi với sự thuận tiện của mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể đăng tin, hình ảnh, thậm chí livestream bất cứ lúc nào, nên nguồn tin cũng rất “hổ lốn”. Điều này đòi hỏi nhà báo phải có cả trình độ lẫn bản lĩnh để thẩm định thông tin, lọc ra vấn đề gì đáng quan tâm, đủ độ tin cậy rồi kiểm tra, làm rõ và xác tín.

Mạng xã hội và một vài tờ báo điện tử thường bị áp lực cạnh tranh về thời gian nên việc kiểm chứng chưa được coi trọng. Những sai sót do vội vã của họ lại chính là những bài học thực tế để mình có thể soi lại mình và rút kinh nghiệm. Đặc biệt, làm báo trong thời mạng xã hội bùng nổ có tính tương tác rất lớn, mà cộng đồng mạng rất nhiều người giỏi, dân trí cũng ngày càng nâng cao, đòi hỏi người làm báo phải thận trọng hơn rất nhiều trong từng câu, từng từ, từng sự việc. Nếu dễ dãi là bị “bóc mẽ”, “ném đá” ngay, không thương tiếc. Vì thế, đây là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để người làm báo luôn phải tự sửa mình, để làm tốt vai trò thông tin cho bạn đọc.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu (Báo An ninh thế giới): Những người cầm bút luôn có sự thích nghi rất tốt

lam bao thoi cong nghe thong tin kho va de

Dẫu muốn dẫu không cũng phải thừa nhận rằng thông tin hiện tại trên mạng xã hội đang chi phối nhiều mặt trong đời sống. Sự ảnh hưởng theo chiều hướng đi xuống của báo in, thậm chí là báo điện tử trước cơn lốc thông tin này không phải là điều quá mới để bàn cãi hay tranh luận. Trước đây, báo điện tử được xem như là con át chủ bài của nhiều tòa soạn báo in vốn đã có thương hiệu, thì nay cái sự khó khăn ấy đã được nới rộng ra thêm. Đã có nhiều tòa soạn bất lực trong việc vực dậy cả báo in và thất thủ luôn cả công cuộc phát triển báo điện tử.

Có quá nhiều vụ việc được mạng xã hội loan tin trước và báo giới mướt mồ hôi chạy theo. Điển hình có thể kể đến những vụ việc gần đây như vụ bạo hành trẻ em Campuchia, những vụ có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em, những vụ việc tiêu cực ở địa phương, những quy trình bổ nhiệm toàn người thân, cả gia tộc làm lãnh đạo…

Thế nhưng, điều nguy hại nhất chính là thông tin trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng chính xác, nếu không muốn nói rằng đa phần chỉ là thông tin chính xác một cách tương đối hoặc chính xác một nửa hoặc đơn giản là bịa đặt. Những tin đồn dạng nhiễm virus chết người, đoàn xe của lãnh đạo cao cấp khuấy động vùng quê, băng nhóm giang hồ xả súng, đối tượng bắt cóc trẻ em, bắt cóc lấy nội tạng… vốn dĩ đang tràn lan trên mạng xã hội.

Một đặc tính của rất nhiều người tham gia mạng xã hội là rất dễ tin vào thông tin mà không có bất cứ sự phản kháng nào về mặt tư duy. Bên cạnh đó, không phải ai cũng đủ bình tĩnh lẫn khả năng để xác tín một thông tin trên mạng xã hội là đúng hay sai, là chính xác hay bịa đặt.

Thế cho nên, đây là giai đoạn có rất nhiều cơ hội để truyền thông chính thống khẳng định lại vai trò của mình. Vì chỉ có nhà báo mới có đủ các mối quan hệ, kinh nghiệm, nghiệp vụ để lọc tin, xác tín thông tin chuẩn. Chưa kể đến là thông tin trên báo giới vốn được mặc định là thông tin hiệu đính, loại thông tin chính xác được bảo hộ bởi niềm tin suốt nhiều năm qua đối với bạn đọc.

Nhà báo Trần Ngọc Lam Giang (Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt): Làm báo đừng quên facebook

lam bao thoi cong nghe thong tin kho va de

Tôi có biết một số nhà báo có quan điểm “muốn làm nhà báo giỏi đừng dùng facebook”, tuy nhiên tôi lại suy nghĩ khác. Với sự phát triển mạnh mẽ và những lợi thế của facebook như tương tác nhanh, mỗi chủ tài khoản facebook chả khác gì một “tổng biên tập” tờ báo của cá nhân mình trên mạng xã hội.

Xét về việc gây hiệu ứng rộng rãi thì facebook thực sự là một “đối trọng” với báo chí chính thống, nếu nhìn theo khía cạnh không mấy lạc quan. Thế nhưng nhìn theo cách khác, làm báo, đặc biệt là báo điện tử, báo hình... facebook thực sự là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc phổ biến tác phẩm của mình tới bạn đọc. Những bài viết được chia sẻ trong các group giúp tăng lượng view đáng kể. Thế nhưng, tôi cũng thấy có một thực tế buồn là thông tin chưa được kiểm chứng trên facebook gây cảm xúc mạnh cho người đọc chạm vào những sắc thái sợ hãi, phẫn nộ, vui mừng... trong đó có không ít thông tin không chính xác lại được người dùng facebook chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Điều lo lắng là đã có những phóng viên cóp nguyên thông tin trên facebook về (có thể là facebook không chính danh) và “chế biến” thành bài báo, mà chưa kịp kiểm chứng vì nhiều lý do (trong đó có lý do áp lực tiến độ, view...) khiến thông tin sai khác với bản chất của vấn đề. Và cũng có không ít người dùng facebook, thậm chí là những người có trình độ hẳn hoi, nhưng lại không phân biệt được đâu là trang điện tử chính thống với các trang giả mạo, trang blog cá nhân giả mạo đặt server tại nước ngoài, được lập ra với dụng ý xấu, đưa link về facebook dẫn nguồn, người này like, người kia chia sẻ tạo nên tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng mặt. Ranh giới giữa thật - ảo trên facebook ngày càng mờ đi, nếu làm báo, bạn càng cần phải là người có trách nhiệm trước mỗi nút like, hay share trên mạng xã hội.

Nhà báo Hà Tùng Long (Báo Điện tử Dân trí): Sàng lọc và tiếp cận mạng xã hội

lam bao thoi cong nghe thong tin kho va de

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra những mặt tích cực cũng như tiêu cực đối với những người làm báo. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Chính sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin hình thành nên một dạng “báo chí đa phương tiện”. Người ta đã không còn đọc báo theo cách truyền thống như hàng chục năm trước, mà giờ đã có thể đọc bằng mắt, nghe bằng tai, thậm chí còn tiếp cận thông tin thời sự bằng âm nhạc… Đặc biệt, sự ra đời của laptop, iPad, smart phone… khiến cho báo chí phổ cập và đi vào đời sống như một thứ không thể thiếu. Thời kỷ nguyên số, một đứa trẻ ngay khi biết nhận diện mặt chữ đã có thể đọc báo, một người già còn minh mẫn vẫn có thể đọc báo. Cũng vì thế mà yêu cầu về mặt hình thức, nội dung, độ nhanh nhạy, độ chính xác, độ thẩm mỹ… của báo chí cũng đòi hỏi phải ngày càng tăng lên.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã “đẻ” ra hàng loạt mạng xã hội như: facebook, instargram, twitter, wechat… Đây là thứ không thể thiếu trong thời đại kỷ nguyên số của thế kỷ XXI. Theo số liệu thống kê tháng 2-2017, mạng xã hội facebook đã thu hút 1,86 tỉ thành viên, trong đó có tới 1,2 tỉ người dùng tích cực mỗi ngày. Có nghĩa, cứ 7 người trên trái đất thì có gần 2 người sử dụng facebook hằng tháng. Trong khi đó, các dịch vụ khác như Instagram đã đạt hơn 600 triệu người dùng, WhatsApp thu hút 1,2 tỉ thành viên với hơn 50 tỉ tin nhắn gửi đi mỗi ngày. Ngoài ra, còn có 400 triệu người dùng dịch vụ gọi điện (video và thoại) qua facebook hằng tháng. Sự ra đời của mạng xã hội đã góp phần tạo nên sự tương tác mạnh mẽ trong đời sống xã hội nhưng cũng mang đến không ít thách thức đối với báo chí.

Nhiều người nhận định, mạng xã hội chính là mạng lưới thông tin ban đầu rộng rãi, nhanh nhạy, dễ dàng và đa dạng nhất giúp người làm báo có được những thông tin nguồn. Từ mạng xã hội, nhiều người làm báo đã có thể tiếp cận nguồn tin dễ dàng hơn. Đặc biệt, việc phát hiện những vấn đề tiêu cực… cũng trở nên thuận lợi hơn. Đối với các tờ báo điện tử, mạng xã hội chính là phương tiện giúp họ tăng trưởng lượng truy cập, tạo ra những tương tác và hiệu ứng xã hội vô cùng hiệu quả. Ở Việt Nam thời gian qua, nhờ mạng xã hội mà “sức nặng” và giá trị của nhiều bài báo đã được lan truyền, tạo hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực trên mạng ảo lẫn ngoài đời sống. Tuy nhiên, sự thách thức ngày càng gắt gao khi báo chí phải chạy đua với tốc lực lan truyền thông tin của mạng xã hội. Người làm báo không đơn thuần ngồi chờ mạng xã hội “hở” thông tin ra để lấy làm “nguyên liệu” mà phải sử dụng nghiệp vụ báo chí một cách chuyên nghiệp nhất nhằm biến thông tin ban đầu thành tác phẩm báo chí.

Đặc biệt, một khi thông tin mạng xã hội còn mang đặc điểm “thiếu chính xác” thì nhà báo cũng phải “trầy vi, tróc vảy” để xác thực độ tin cậy lẫn chính xác của thông tin. Điều nguy hiểm hơn, khiến nhiều người làm báo hiện nay lo ngại đó chính là xu hướng sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin thay vì đọc báo. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều tờ báo phải dịch chuyển phương thức hoạt động lẫn cải tiến nội dung và hình thức một cách chóng mặt.

Tất nhiên, đã làm báo, đã sống trong thời đại công nghệ số thì bản thân nhà báo buộc phải thích ứng với những mặt trái và mặt phải của sự phát triển công nghệ thông tin đưa lại. Không có cách nào khác ngoài việc tận dụng tối đa những thuận lợi mà công nghệ thông tin, mạng xã hội đem lại, để vận dụng trong quá trình tác nghiệp. Nhưng cũng nhìn thấy những nguy cơ để hạn chế tối đa sự cẩu thả, dễ dãi, mất kiểm soát… khi biến công nghệ thông tin, mạng xã hội thành công cụ tác nghiệp của mình.

Sự phát triển của Internet đã tác động mạnh mẽ đến các loại hình báo chí, thay đổi và tạo ra thế hệ những người làm báo có kỹ năng khai thác thông tin đa dạng.

Huyền Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc