Lại thêm một kẻ không biết mình là ai nơi công cộng
Như Dân trí đã đưa tin, cuối ngày 5/9, Công an thành phố Bắc Ninh đã xác định người đàn ông sử dụng một vật giống khẩu súng, chĩa vào một người lái xe trên một con đường ở Bắc Ninh, đe dọa "bắn vỡ sọ" anh này khi đi đường chính là ông Nguyễn Văn Sướng, Giám đốc Công ty TNHH bảo vệ Hàm Long có trụ sở tại thành phố Bắc Ninh.
Trước đó, một bản video clip do người đi đường ghi lại sự việc trên, xảy ra từ buổi trưa hôm đó đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến người dân bức xúc và dành nhiều lời chê bai, bình luận về hành vi xấu nói trên.
Dù bước đầu cơ quan công an xác định đó không phải súng quân dụng mà chỉ là một khẩu súng bắn đạn cao su, một dạng công cụ hỗ trợ nhưng chắc chắn, hành vi của ông Sướng sẽ bị xử phạt nặng. Nếu được coi là hành động "gây rối trật tự công cộng" thì ông này còn có thể phải chịu hình phạt nặng hơn của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Mặc dù không có nói một câu khá phổ biến xưa nay "mày biết tao là ai không?", nhưng việc ông giám đốc công ty trên có hành vi đe dọa đến sức khỏe của người khác chỉ vì người này không chịu nhường đường cho mình cho thấy ông này đã tự cho mình một thứ quyền nào đó, ép buộc người khác phải tuân theo ý muốn của mình -một thứ mà ông ta không có. Và thực chất là không ai có quyền làm thế khi tham gia giao thông, bởi đó là một thói quen rất xấu, kém văn hóa không thể chấp nhận được.
Trước ông Sướng, cũng đã có khá nhiều vụ việc tương tự. Như tháng 10 năm trước chúng ta đã từng được biết vụ một người đàn ông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vì tranh giành rút tiền ở cây ATM mà lao vào đấm đá gây thương tích cho một phụ nữ, liên tục nói: "Mày biết tao là ai không".
Trước đó nữa là vụ ông Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại và dịch vụ Đất Lành đã có hành vi sàm sỡ một phụ nữ và một tiếp viên trên chuyến bay và khi bị yêu cầu xuống máy bay thì luôn mồm nói: "Mày biết tao là ai không?. Mày có tin tao gọi sếp to xử lý chúng mày không?"....
Rồi các một loạt các vụ khác như vụ một nữ đại úy công an có hành vi chửi bới, lăng nhục cán bộ cảng vụ sân bay Tân Sơn Nhất; vụ thượng úy công an ném xúc xích, tát nhân viên ở trạm dừng nghỉ Hải Đăng năm 2019.... Tất cả đều đã được báo chí, mạng xã hội liên tục phản ánh và những người đó đều bị xử phạt sau đó, theo nhiều hình thức khác nhau.
Tất cả những câu chuyện này cho thấy, không chỉ có một số cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước tự cho mình quyền đứng trên người khác ở nơi công cộng khi không được vừa ý mà cũng có nhiều người ở lĩnh vực khác: Có người là lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, có người cũng chỉ là người làm công bình thường ở doanh nghiệp nhưng điểm chung của những người này là họ đã thể hiện những hành vi của những người rất thiếu giáo dục, rất thiếu văn hóa ở nơi công cộng.
Đáng tiếc ở ta, các mức phạt với các hành vi nói trên xưa nay vẫn chỉ dừng ở mức phạt vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng (như ông giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành bị phạt 10 triệu đồng). Với cán bộ, công chức nhà nước thì phạt nặng hơn như một số cán bộ, chiến sĩ công an thì thường bị giáng cấp, cho ra khỏi ngành... Nhưng chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự dù tính chất của hành vi "gây rối trật tự công cộng" của một số người-một hành vi đã được quy định với các mức xử lý hình sự cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành trong các vụ việc nói trên là đã rõ.
Theo Dân trí
-
Thủ tướng: Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn
-
Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Thi hành kỷ luật lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang
-
Thi hành kỷ luật 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM