Ký ức thiêng liêng của người cán bộ bảo vệ Bác Hồ năm xưa

08:26 | 19/05/2020

603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Những tháng năm cùng đồng đội bảo vệ Bác Hồ cũng là chừng ấy thời gian với nhiều kỷ niệm thiêng liêng về Người. Đó là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình”- đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), ngày 18/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).    
ky uc thieng lieng cua nguoi can bo bao ve bac ho nam xuaNgười cựu chiến binh 15 năm miệt mài sưu tầm ảnh Bác Hồ
ky uc thieng lieng cua nguoi can bo bao ve bac ho nam xuaCâu chuyện xúc động về bức tượng Bác Hồ của những chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo
ky uc thieng lieng cua nguoi can bo bao ve bac ho nam xuaTrưng bày tư liệu quý “Luôn có Bác trong tim”

Những kỉ niệm khó quên

Ông Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1947 tại tỉnh Ninh Bình. Năm 1965, ông được vào phục vụ trong ngành Công an, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tại Đội 1, Cục 22 (Bộ Công an) - đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, Bác Tôn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

ky uc thieng lieng cua nguoi can bo bao ve bac ho nam xua
Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ, bày tỏ sự xúc động trong những năm tháng bảo vệ Bác với những kỷ niệm thiêng liêng về Người

Ông Nguyễn Văn Đoàn kể lại: Nhớ lại buổi đầu được nhận nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội được đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) và đồng chí Hoàng Hữu Kháng (Cục trưởng Cục 22 - Bộ Công an) ân cần căn dặn nhiều điều và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của các đồng chí là rất đặc biệt, trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, rất vinh dự, nhưng cũng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm cao”. Chúng tôi luôn tâm niệm: Phải làm thật tốt, không được có sai sót, dù là nhỏ và nhất là không để Bác phiền lòng.

Nỗ lực thành thục công việc chuyên môn, chiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn được Bác hài lòng và cho phép sớm hôm gần gũi, làm nhiệm vụ phục vụ bảo vệ Người. Và từ đó, ông đồng hành cùng Bác trong nhiều chuyến đi, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên. "Qua các chuyến đi, chúng tôi cảm nhận tình cảm, nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ dành trọn cuộc đời vì nước vì dân"- ông Nguyễn Văn Đoàn nhớ lại.

Tôi còn nhớ, ngày 27/4/1969, Bác đi bầu cử HĐND khu phố Ba Đình tại địa điểm bầu cử nhà thuyền Hồ Tây. Hôm đó, sau khi bỏ lá phiếu bầu của mình, Người ân cần thăm hỏi người dân có mặt tại địa điểm bầu cử, rồi dành thời gian đi thăm cán bộ, chiến sỹ, đồng bào trong ngày hội xây dựng chính quyền nhân dân ở Thủ đô. Trên mỗi con phố đi qua, đến đâu cũng thấy không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân, tiếng trống, tiếng loa, cờ hoa rợp phố, càng làm cho Người thấy vui mừng...

Hay một lần được theo Bác tham dự mít tinh trọng thể chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được tổ chức vào trung tuần tháng 6/1969. Hôm ấy, khi xe tới Hội trường Ba Đình, Bác nhanh chóng xuống xe và đi thẳng vào hội trường. Khi đó, ít ai biết được rằng các thầy thuốc đã rất lo lắng cho sức khỏe của Người, vì khi ở nhà Bác đã có phần đi lại khó khăn, nhưng Người đã cố gắng đến dự và Bác không muốn mọi người lo lắng về sức khỏe của Bác. Bao lâu ấp ủ ước mong được vào thăm miền Nam, thăm đồng bào, đồng chí, nay trước sự kiện quan trọng này càng làm cho Người thêm phấn khởi trước bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác.

Một sự kiện khác làm tôi không thể nào quên, đó là chuyến đi công tác cuối cùng của Người. Hôm đó là ngày 12/8/1969, khi biết tin có đoàn công tác ở xa về, mặc dù không được khỏe nhưng 3 giờ chiều Người vẫn đến khu biệt thự Hồ Tây để thăm hỏi, động viên và nghe đoàn công tác báo cáo tình hình. Đó là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác dành cho những người đi xa về. Không ai nghĩ rằng, chỉ năm ngày sau, từ đêm 17/8 trở đi sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà Người nghỉ ngơi. Bác vẫn quan tâm đến tình hình chiến sự, việc phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân gặp thiên tai; rồi việc tổ chức mừng Lễ quốc khánh và Người không quên nhắc việc bắn pháo hoa cho nhân dân vui trong ngày Tết Độc lập. Đặc biệt, trong những ngày đau yếu, nỗi lòng da diết của Người vẫn luôn hướng về đồng bào, chiến sỹ miền Nam.

Suốt 3 năm (1966-1969), ông Nguyễn Văn Đoàn cùng đồng đội ngày ngày túc trực 24/24 giờ bên Bác, thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để hiểu rõ được Người đã gắng hết sức để cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Mặc dù công việc bề bộn, nhưng Người vẫn dành thời gian quan tâm, hỏi thăm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ và nhân viên phục vụ. Đối với những người đã từng được phục vụ Bác như tôi còn đọng lại biết bao câu chuyện xúc động về Bác mà không thể kể hết...

Chúng tôi như những người con hiếu thảo vô cùng lo lắng khi sức khỏe của Bác mỗi lúc một thuyên giảm. Cùng với việc tận tụy phục vụ, chăm sóc Bác, mọi biểu hiện khác thường về sức khỏe của Người cũng được chúng tôi ghi chép tỉ mỉ, kịp thời báo cáo với lãnh đạo và các bác sỹ để ứng xử hiệu quả.

Suốt những ngày Bác mệt nặng, Trung ương Đảng, Chính phủ, các thầy thuốc Việt Nam và nước bạn tập trung cứu chữa cho Người. Trong những giờ phút đó, tôi cũng được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người. Được bên Bác trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu tấm lòng của các đồng chí lãnh đạo là làm sao mỗi lúc Người thiếp đi và khi tỉnh dậy, Bác đều nhìn thấy những khuôn mặt thân quen vẫn hàng ngày ở bên mình... Và, sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác đã đi xa, đó là lần cuối cùng tôi được ở bên Bác Hồ. Giờ phút này, tôi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử đó với bao nỗi nhớ và tình cảm dành cho Bác.

ky uc thieng lieng cua nguoi can bo bao ve bac ho nam xua
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020)

Luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ

Ba năm sau ngày Bác Hồ mất, đơn vị ông Đoàn được Chủ tịch nước tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn kết, tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Thời gian sau đó, ông lại được cấp trên giao nhiệm vụ phục vụ Bác Tôn Đức Thắng; sau đó được phân công làm Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Năm 1996, ông được điều động về công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin, lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ cho đến khi nghỉ hưu.

Ông Đoàn chia sẻ: Với tôi, những năm tháng được sống bên cạnh phục vụ, bảo vệ Bác Hồ luôn là ký ức đẹp không thể nào quên. Tròn 3 năm tôi được sống cạnh và làm cảnh vệ cho Bác là quãng thời gian tôi học tập được ở Bác phong cách làm việc khoa học, đức tính giản dị, tiết kiệm, chịu khó, kiên trì, khiêm tốn và tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bác Hồ từng căn dặn đơn vị cảnh vệ cần phải học tập cho tốt, giữ kỷ luật cho nghiêm. Lúc có địch coi như không có địch, lúc không có địch coi như có địch. Phải dũng cảm, bình tĩnh, không lúng túng, không vội vàng khi có sự việc xảy ra; rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật hoàn hảo, “lai vô ảnh, khứ vô hình” (đến và đi không để lại gì).

Theo ông Đoàn, đó thực sự là những giáo huấn sâu sắc của Bác đối với những người cảnh vệ. Tôi luôn cố gắng phấn đấu thực hiện tốt lời Bác dạy. Hơn nữa, là một trong số ít người may mắn được lựa chọn vào làm cảnh vệ cho Bác Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải không ngừng rèn luyện, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, xứng đáng với Bác và xứng đáng với truyền thống của những người con cố đô nghìn năm văn hiến.

Với bản thân ông Đoàn, lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu, ông luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu, rèn luyện, gắng sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, công tác. Ông luôn tâm niệm, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích, niềm vui trong cuộc sống. Trong gia đình, ông thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con cháu hãy học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Ông luôn hứa với Đảng, với Bác giữ trọn danh dự của người đảng viên, người chiến sỹ đã vinh dự được bảo vệ Bác Hồ. Ông tin tưởng rằng, không chỉ ông - một trong những người vinh dự được phục vụ, bảo vệ Bác - mà cả dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi công lao vĩ đại và những lời căn dặn ân cần của Bác Hồ kính yêu, luôn tâm niệm trong cuộc sống có Bác che chở, soi đường để nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh như mong ước của Người.

N.H