Kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1

08:42 | 26/04/2014

1,937 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 25/4/2014, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia đã tổ chức buổi tọa đàm “Hành trình về với chiến trường xưa”.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, 3.437 trụ tháp sắt, kéo dài từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đến trạm 500KV Phú Lâm - Thành phố Hồ Chí Minh được đóng điện và đưa vào vận hành ngày 27/5/1994.   

Trạm 500kV  

Tham dự buổi tọa đàm, ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Phó ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc Nam, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp điện cho Miền Trung và Miền Nam đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba Miền thành một khối thống nhất.

Theo ông Ngãi, đây là công trình đường dây siêu cao áp dài nhất được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn nhất, chỉ trong 2 năm, trong khi công trình này được thế giới đánh giá là phải thực hiện từ 8 đến 10 năm. Ngoài những chính  sách hợp lý của chính phủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thì chính sự quyết tâm rất lớn, sức lao động bền bỉ, tận tụy của đội ngũ thiết kế, thi công, xây lắp, cộng với sự đoàn kết của toàn dân đã tạo nên kỳ tích, giúp cho công trình được thi công một cách nhanh chóng và chuẩn xác.

 

(Từ trái sang) Ông Trần Quốc Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam; ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng VN; Giáo sư viện sĩ: Trần Đình Long, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tổng Công ty Điện lực Việt Nam; ông Đậu Đức Khởi, Nguyên Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo nhận định của Giáo sư viện sĩ Trần Đình Long - Anh hùng lao động, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), công trình siêu cao áp 500kV có thể nói là một cột mốc lịch sử trong ngành truyền tải điện nói riêng và cả ngành điện lực Việt Nam nói chung. Phân tích ý nghĩa kinh tế, khoa học công nghệ của công trình đường dây 500kV mạch 1, ông Long cho rằng, công trình này được xây dựng thành công đã kéo theo nhiều thành tựu quan trọng khác về mặt kinh tế, xã hội.

Ngành điện Việt Nam cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ từ sau khi đường dây siêu cao áp 500kV hoàn thành, hợp nhất mạng lưới điện của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600-1.800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành.  

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã triển khai thực hiện nhằm từng bước tối ưu hóa hệ thống truyền tải điện trong suốt 20 năm qua. Những ngày này, ngành truyền tải điện đang dốc hết sức lực, trí tuệ để thi công và chuẩn bị đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông với chiều dài 445 km và trạm 500kV Cầu Bông. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam.

 

Nguyên Phương