Kinh tế nền tảng số: Cơ hội hóa rồng

08:00 | 15/04/2020

276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Công ty UP Gen phối hợp với tổ chức tọa đàm “Ứng dụng kinh tế nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam”. Đây là buổi tọa đàm có nhiều gợi mở đến từ các chuyên gia, doanh nhân, doanh nhân trẻ khởi nghiệp.

Chia sẻ và tin tưởng

Nền tảng số ngày nay không còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các nền tảng số lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con, tạo nên hệ sinh thái nền tảng số.

co hoi hoa rong

Nhà sáng lập Be Group Trần Thanh Hải

Facebook, Google, Amazon, Alibaba... là những nền tảng số toàn cầu đã tạo nên ra những nền tảng số nhỏ hơn phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một hệ sinh thái số là những ví dụ điển hình. Trung Quốc đã phát huy sức mạnh của cuộc cách mạng số để giúp nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn và đuổi bắt ngày càng nhanh với những nền kinh tế phát triển...

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có thể nắm bắt được một cơ hội tương tự hay không?

Theo khung đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh bao gồm: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thị trường; nguồn nhân lực; môi trường kinh doanh thuận lợi. Xây dựng nền tảng kinh tế số là một vấn đề quan trọng của quốc gia. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh, để nền kinh tế Việt Nam có thể hóa rồng, trước hết tự thân các nền tảng số phải trở nên cạnh tranh hơn. Chiến lược mà nhiều quốc gia đang thực thi là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng số, ở đó có sự hợp tác và đồng sáng tạo, kết nối các nền tảng số với nhau.

co hoi hoa rong

Chủ tịch UPGen Đỗ Hoài Nam

Tại tọa đàm “Ứng dụng kinh tế nền tảng số”, hai doanh nhân khách mời là ông Trần Thanh Hải - nguyên Tổng giám đốc Be Group và ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch UPGen, cùng các đại biểu đã thống nhất nhận định: Kinh tế nền tảng số của Việt Nam đang ở điểm khởi đầu, cần có sự liên kết, chia sẻ và tin tưởng.

Ông Đỗ Hoài Nam cho biết: “Quan điểm kinh doanh của tôi về kinh tế nền tảng số là cần phải có sự chia sẻ và tin tưởng rằng, người khác sẽ làm tốt việc mà mình không làm, còn bản thân tôi tập trung hết sức vào việc mà mình làm tốt nhất. Hãy là một nền kinh tế chia sẻ thực sự chứ đừng nghĩ việc gì mình cũng có thể làm tốt hơn người khác. Nhiều sự thất bại của doanh nghiệp đã chứng minh điều đó”.

Có thể thấy rằng, để ứng dụng tốt kinh tế nền tảng số, các doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân khởi nghiệp, sẽ không thể bỏ qua triết lý kinh doanh của ông Nam. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ, đặc biệt là sự tin tưởng lẫn nhau thì các doanh nghiệp Việt mới có thể đi nhanh trên con đường cao tốc của sự phát triển, để kinh tế Việt Nam thực sự hóa rồng trong kỷ nguyên kinh tế số.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng cung cấp dịch vụ về bản đồ, các platform thiết kế website...

co hoi hoa rong
Cơ hội hóa rồng

Xa hơn nữa, các chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng số để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn. Một ví dụ hàng đầu là chính sách “dữ liệu mở” của thành phố San Francisco (Mỹ) khởi xướng từ năm 2009. Văn phòng thị trưởng về đổi mới công dân được thiết kế để xúc tiến việc chia sẻ dữ liệu qua một cổng truy cập mở (DataSF), tạo ra quan hệ hợp tác công tư, để tạo điều kiện cho sự phát triển của công cụ mà người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng.

Bằng cách sử dụng thông tin từ DataSF, hàng loạt ứng dụng được ra mắt như Neighborhood Score cung cấp số liệu về sức khỏe; Buildingeye cho phép người dùng dễ dàng xây dựng và lập kế hoạch dự án; Yelp đánh giá nhà hàng kết hợp với điểm số đánh giá của cơ quan y tế đối với các món ăn địa phương...

Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng số cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức, kỹ năng. Một số nền tảng số nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam là Topica, Edumall, Kyna, Học mãi... đang phát triển nhanh chóng.

Theo nghiên cứu của Ambient Insight, Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới, tăng trưởng tới 44,3% trong năm 2018. Mặt khác, các nền tảng số còn có khả năng tạo ra cuộc cách mạng về lao động, khi xu hướng làm việc tự do, tự chủ sẽ tiếp tục tăng tốc. Hiện chưa có thống kê về số lao động làm việc trong các nền tảng số tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước, con số này không hề nhỏ. Các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong giải quyết thất nghiệp và thiếu việc làm, thông qua đó cải thiện kỹ năng của những người lao động, giúp họ thích ứng với công nghệ

Thành Công