Kinh tế công nghệ cao điêu đứng vì “mất não”

06:58 | 10/04/2021

87 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng thiếu chip - “bộ não” của mọi thiết bị điện tử, đã bắt đầu để lại hậu họa trên phạm vi toàn cầu.
Nhà máy số 1 Ulsan của Hyundai tại Hàn Quốc tạm dừng sản xuất vì thiếu chip.p/Ảnh: S.T
Nhà máy số 1 Ulsan của Hyundai tại Hàn Quốc tạm dừng sản xuất vì thiếu chip.

Tình trạng này từng khiến sản xuất ô tô chậm lại, giờ lại lan sang sản xuất smartphone và máy tính…, đe dọa đến tốc độ phục hồi kinh tế hậu dịch.

Cơn nguồn khan hiếm

Mọi chuyện bắt đầu từ đại dịch COVID-19, buộc hàng tỷ người không thể ra ngoài, phải hoạt động thông qua không gian mạng. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ máy tính và các thiết bị thông minh trong gia đình.

Đại dịch cũng khiến quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn, dẫn đến việc những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ cũng phải mua thêm nhiều hệ thống máy chủ hơn để đáp ứng thị trường.

Ngoài ra, căng thẳng Trung - Mỹ, trong đó cuộc chiến đất hiếm là trung tâm, cũng đã góp phần làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tình trạng thiếu chip thêm trầm trọng. Đồng thời, sự phụ thuộc quá nhiều vào một số ít nhà sản xuất chip như TSMC, Samsung, cũng đã dẫn đến tình trạng nói trên.

Trong khi phần lớn ngành nghề, lĩnh vực chìm vào khủng hoảng thì doanh số bán thiết bị điện tử bùng nổ không thua kém thương mại điện tử. Doanh số bán chất dẫn toàn cầu năm 2020 đạt 458 tỷ USD, tăng trưởng 6,7% so với 2019.

dsg
Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp với số lượng lớn.

Thiệt hại nghiêm trọng

Trước thực trạng nói trên, nhiều tập đoàn đã phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất. Trong đó, Volvo - nhà sản xuất xe tải Thụy Điển, đã phải cắt giảm 16.000 chiếc do không thể tìm kiếm nguồn cung chip, thiệt hại ước tính 400 triệu USD. Hay như Ford (Mỹ) giảm giờ làm tại 2 nhà máy lớn nhất, ước tính thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD.

Nhiều “ông lớn” thiết bị thông minh như Apple, Sony và cả Samsung - “ông trùm” công nghiệp bán dẫn, có thể hoãn ra mắt smartphone thế hệ mới do không đủ chip để sản xuất.

Nhiều chuyên gia nhận định có thể xảy ra cuộc khủng hoảng ngắn hạn trong lĩnh vực sản xuất chip. Bởi vì, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn phải mất khoảng 2 năm mới tái khởi động hoạt động. Cuộc khủng hoảng này khiến giá chip tăng lên từng ngày, tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ sản xuất được con chip từ đầu đến cuối để có thể thương mại hoá. Hiện tại Viettel và Vinsmart ấp ủ dự án chế tạo chip dùng cho mạng lõi 5G.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu thiết bị điện tử, máy móc công nghiệp với số lượng lớn. Năm 2020, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,58 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2019. Samsung hiện có 4 nhà máy tại Việt Nam, đạt doanh thu 67,15 tỷ USD năm 2018, đóng góp rất lớn vào tổng sản phẩm quốc nội. Bởi vậy, nếu thiếu nguồn cung chip, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp