Kinh doanh quất Tết: Kiếm tiền không dễ

16:49 | 17/01/2012

8,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã ngoài 20 tháng Chạp âm lịch nhưng giới thương lái mới rục rịch đưa quất ra bày bán trên các tuyến đường. Ở các nhà vườn trồng quất không khí xuất bán hàng cũng chậm hơn so với mọi năm.

Quất năm nay tuy chín đúng độ nhưng hầu hết quả nhỏ, ít cây có quả to.

Cung cấp quất Tết cho thị trường Hà Nội có nhiều nguồn, trong đó gồm 4 nguồn chính: xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội), phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội); Hoài Đức (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên). Quất Hưng Yên chuyên phục vụ giới bình dân, chủ yếu là loại cây buộc tán tròn, với giá bán phổ biến từ 150.000- 500.000 đồng. Quất ở Đông Ngạc (Từ Liêm) Tứ Liên (Tây Hồ) là loại cao cấp, thường có giá bán từ 500.000- 3 triệu đồng/cây. Mặc dù phải nhập cây phôi từ Hưng Yên nhưng thế mạnh của người Tứ Liên, Đông Ngạc là uốn thế tạo dáng cho cây, làm cho cây mang vẻ đẹp vượt trội so với Hưng Yên. Quất ở đây có nhiều dáng thế: tam đa, ngũ phúc, huynh đệ…

Những ngày này, đến các vườn quất ở Tứ Liên hay ở Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) đều thấy khắp nơi rực vàng màu quất chín và vườn nào cũng đầy ăm ắp quất. Chúng tôi ghé thăm vườn quất của anh Nguyễn Văn Thưởng ở xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội). Anh Thưởng cho biết, năm ngoái thời điểm này đã bán gần hết vườn, nhưng năm nay mới bán được hơn 10 cây. Chi phí trồng quất năm nay tăng mạnh, giá mua các loại vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí cải tạo đất) đều tăng cao ngất ngưởng, thế nhưng giá bán đầu ra mặc dù vẫn giữ nguyên như năm ngoái, nhưng rất khó bán. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với năm trước tăng 15-20%, một số loại thuốc đặc chủng tăng tới 50%. Chẳng hạn một lọ thuốc chữa bệnh héo sương năm trước giá chỉ 40.000 đồng/lọ, thì năm nay phải mua 70.000 đồng.

Trồng quất đòi hỏi rất kỳ công, không chỉ sử dụng các loại phân bón thông thường (đạm, lân, kali) mà phải sử dụng cả cá và bột đỗ tương để bón cho cây. Cứ đầu năm mua các loại cá tạp và bột đậu tương đem về ngâm trong bể, đến tháng 6-7 bón cho quất để thúc tạo hoa, kết quả. Người dân Đông Ngạc không tự sản xuất được cây quất giống mà phải sang Văn Giang – Hưng Yên mua cây giống với giá 40.000-45.000 đồng/cây, đem về chăm sóc. Chi phí đầu tư cho mỗi cây quất năm trước chỉ khoảng 100.000 nghìn đồng/cây cỡ trung bình, 160.000-180.000 đồng cho một cây lớn, thì năm nay lên bình quân 200.000-210.000 đồng.

Vườn nhà chị Đinh Thị Mát cũng ở Đông Ngạc hiện có hơn 500 gốc quất đang chờ khách. Chị Mát cho biết, từ tháng 11 âm lịch chị đã nâng giá quất lên cao hơn 30% so với năm ngoái (vì chi phí đầu tư tăng cao) nhưng khách đến xem chẳng ai mua. Bởi vậy, đến thời điểm này phải hạ giá bán bằng với năm trước, nhưng cũng chưa được nhiều khách mặn mà. Quất năm nay tuy chín đúng độ nhưng hầu hết quả nhỏ, ít cây có quả to.

Chỉ vào đám cây quất thế tuyệt đẹp, cao cỡ 2m, quả sai chi chit, chị Mát cho biết, những cây này phải 2-2,5 triệu đồng thì tôi mới bán, vào tay thương lái đến với người chơi quất thì giá bán phải lên đến 3-4 triệu đồng. Những cây quất bình dân hơn có giá bán buôn cho thương lái 250.000-500.000 đồng, bán lẻ từ 600.000-1 triệu đồng. Nhà vườn cũng có rất nhiều cây quất mi ni (chỉ khoảng 1-2 năm tuổi, chiều cao chỉ 40-60 cm) phục vụ đối tượng thu nhập thấp, giá bán chỉ từ 100.000-200.000 đồng.

Ông Đoàn Văn Khanh – một khách mua quất cho biết, quất Đông Ngạc vẫn rẻ hơn so với quất Tứ Liên. Mọi năm tôi thường mua loại quất cỡ tiền 600.000 – 1 triệu đồng nên thường tìm đến các nhà vườn. Một cây quất đẹp phải hội đủ tứ quý, có quả xanh, quả vàng, có hoa và có lộc.

Theo kinh nghiệm của những người trồng quất, thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho việc chăm sóc. Nguồn cung rất dồi dào, bởi vậy thời điểm sát Tết, thị trường mới thực sự sôi động.

Từ vài năm trở lại đây, đường Đại lộ Thăng Long đã trở thành nơi hội thụ kinh doanh nhiều quất Tết trên thị trường Hà Nội. Các năm trước, từ mồng 10 tháng Chạp âm lịch trở đi, quất đã bày ra san sát trên trục đường này, kéo dài suốt từ Mễ Trì xuống đến tận An Khánh, rồi tiếp đến các xã Song Phương, Vân Côn. Thế nhưng năm nay, chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa tới Tết Nguyên đán, các thương lái mới rục rịch chở quất ra bày bán.

Anh Chu Võ Toán – một người buôn quất cho biết, các năm trước, ngay từ trước Tết 2 tháng các thương lái đã tìm đến các nhà vườn trồng quất để đặt tiền trước. Năm ngoái, anh đến xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) đặt mua 200 cây quất với giá từ 300.000 – 600.000 đồng/cây. Đem ra Đại lộ Thăng Long bán, từ 15 đến ngày 23 tháng Chạp bán được 80 cây, mỗi cây lãi 50.000-100.000 đồng.

Thế nhưng từ ngày ông Công ông Táo trở đi, quất Văn Giang (Hưng Yên) tràn sang, họ bán giá rất rẻ, thấp hơn nhiều so với giá gốc mà anh Toán đặt mua ở Song Phương. Bởi vậy, anh phải hạ giá để bán thấp hơn giá gốc để thu hồi vốn. Với số quất còn lại, anh phải chấp nhận lỗ mỗi cây 50.000-100.000 đồng, vậy mà phải trầy trật mãi tới đêm 30 Tết vẫn chưa bán được hết. Kinh doanh quất lúc đầu cứ tưởng là lãi to, nhưng rốt cuộc đợt kinh doanh năm ngoái anh lỗ 5 triệu đồng. Rút kinh nghiệm năm nay, hầu hết thương lái buôn quất không đặt tiền trước cho các nhà vườn nữa, mà phải đợi qua 20 tháng Chạp nghe ngóng tình hình thị trường rồi mới thương thảo giá mua, bởi vậy, mãi tới thời điểm này anh Toán mới đưa quất ra bày bán.

Một người chuyên bán quất tết Tứ Liên cho biết, quất ở các tỉnh chất lượng không đồng đều, khó vừa mắt khách hàng Thủ đô vốn rất sành chơi, bởi vậy phải chọn lựa từng cây rất kỹ lưỡng. Quất vận chuyển từ xa về, lại bày bán ở mặt phố nhiều ngày, bầu đất của cây quất thường khô nước kéo dài, nên rất khó giữ cho quả tươi lâu, phổ biến hiện tượng khách mua hàng chở về nhà hoặc chỉ sau 1-2 ngày là quả quất rụng hết. Trước đây, rất nhiều vị khách mua còn ít kinh nghiệm, nên quất loại này còn cạnh tranh được nhờ giá bán rẻ. Ngày nay, khách mua đã khôn hơn, nên nghề kinh doanh quất Tết kiếm tiền không dễ.

Minh An