Khuyến khích dân bắt cướp: Nên hay không?

08:59 | 12/08/2011

703 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hành động xả thân chống tội phạm, bảo vệ an ninh xã hội của các “hiệp sĩ” là rất đáng trân trọng. Song, đó mới chỉ là những hành động tự phát, chưa có tính pháp lý một cách rõ ràng...

Có thể nói chưa bao giờ việc những người dân thường, họ được gọi là những "hiệp sĩ” đường phố với những vụ tay không bắt cướp lại xuất hiện dày đặc trên báo chí như thời gian qua. Xã hội vui mừng vì ngày càng có nhiều "Lục Vân Tiên” ra tay hành hiệp trừ gian nên hết lòng ủng hộ, khuyến khích người dân bắt cướp. Nếu bình tâm mà nhìn lại, nhất là từ sau việc anh Nguyễn Tăng Tiên, một "hiệp sĩ” nổi tiếng ở Bình Dương bị trả thù thì chúng ta sẽ có một cái nhìn rất khác!

Sau khi “Hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên ở phường An Bình, Dĩ An, Bình Dương bị bọn tội phạm trả thù, xã hội dấy lên phong trào kêu gọi tìm kiếm những giải pháp bảo vệ “hiệp sĩ” cũng như khuyến khích các “hiệp sĩ” hành hiệp. Bảo vệ những con người dũng cảm, cũng là việc bảo vệ lương tâm của xã hội khỏi bị đe dọa bởi kẻ xấu. Và đó là một phản ứng bình thường của tình cảm xã hội đối với việc người tốt gặp nạn. Từ câu chuyện này, đã đến lúc cần tỉnh táo và lý trí để nhìn nhận vấn đề những “hiệp sĩ”, là người dân thường bắt cướp.

Những “hiệp sĩ” bắt cướp mà tôi từng gặp và từng tham gia cùng nhóm các anh bắt cướp như anh Nguyễn Tăng Tiên hay anh Hải SBC (săn bắt cướp) ở câu lạc bộ SBC (CLBSBC) phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương khi tự nguyện đương đầu với tội phạm bằng vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm, các anh đều đã xác định khả năng bị trả thù là điều khó tránh khỏi. Và sự thật thì các anh bị trả thù như “cơm bữa” với chi chít những vết sẹo lớn ngang dọc khắp người. Song, chấp nhận hiểm nguy là một lựa chọn cá nhân, một phẩm chất của “hiệp sĩ” bởi các anh theo dõi, bắt cướp ngày đêm, tết cũng không ngừng nghỉ. Nhưng, dẫu lạnh lùng cũng cần tỉnh táo mà nhìn nhận rằng, những câu chuyện người dân bắt cướp và bị trả thù là một kết cục tất yếu phải xảy ra!

"Hiệp sĩ" Nguyễn Tăng Tiên khi đang cấp cứu tại bệnh viện

Trong không khí hừng hực nhuệ khí của những “hiệp sĩ” đường phố bắt cướp như hiện nay, đề cập đến vấn đề này quả thật chẳng phải lúc. Nhưng hiện nay, “hiệp sĩ” lâm nạn khi bắt cướp hay bị trả thù đang là một vấn đề đáng báo động. Còn nhớ ngày 31/8 năm trước, lúc đang đi tuần tra cùng đồng đội thì Nguyễn Xuân Chinh thuộc CLB SBC phát hiện ra một tên trong danh sách theo dõi. Hắn đang cởi trần, mình đầy hình xăm, đi xe không biển số và mang theo cả mã tấu. Thấy khả nghi nên Chinh lập tức bám theo đề nghị đối tượng về phường kiểm tra. Nhưng đối tượng rồ ga bỏ chạy. Khi xe của Chinh áp sát, đối tượng liền vung mã tấu lên chém túi bụi về phía Chinh và trong một đoạn đường, hắn đã ép xe Chinh vào chiếc xe tải cùng chiều khiến xe anh bị đổ ra đường khi đang chạy ở tốc độ trên 100km/h. Anh Chinh đã trút hơi thở cuối cùng hôm ấy. Và vừa qua là anh Nguyễn Tăng Tiên bị đồng bọn của Tuấn “chó” (còn gọi Tuấn “chạy án”) trả thù, chém trọng thương vì nhóm anh đã bắt đồng bọn của chúng. Đó là hai vụ điển hình nhất, ngoài ra các anh bị hăm dọa và khủng bố bằng điện thoại, tin nhắn là chuyện xảy ra hằng ngày.

“Hiệp sĩ” Hải chia sẻ với tôi, vợ con anh ở nhà nghe những lời hăm dọa ấy đã quen rồi, ban đầu run sợ nhưng riết rồi cũng làm lơ. Còn anh Tiên kể, ở nhà anh thường xuyên bị bọn tội phạm chạy ngang chọi đá, ném cây vào nhà. Vợ anh cũng thuộc dạng “lì” nên xem chuyện đó là bình thường.

Những “hiệp sĩ” bắt cướp có thể chấp nhận những rủi ro xảy đến với bản thân mình, thậm chí gia đình mình. Song, liệu họ có thể chịu trách nhiệm về những sự cố đồng thời xảy ra và gây hậu quả nguy hại cho xã hội? Hành vi bắt cướp trên đường phố chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi mà những người bắt cướp không có phương tiện phù hợp để cảnh báo, trong khi hầu hết các “hiệp sĩ” lại dùng xe “độ” và rượt đuổi với tốc độ rất cao trên đường phố. Người dân có thể cảm phục lòng dũng cảm của những “hiệp sĩ” đường phố. Song, khi chẳng may họ là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, hoặc nghiêm trọng hơn là dao bay đạn lạc trong cuộc đụng độ giữa “hiệp sĩ” và kẻ cướp, tình cảm của họ đối với các “hiệp sĩ” sẽ khác. Khi đó, “hiệp sĩ” và kẻ cướp đều bình đẳng trước pháp luật. Động cơ “hiệp sĩ” có thể được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ, song họ khó tránh khỏi việc bị kết án bằng một chế tài phù hợp với hậu quả.

Anh Hải, anh Tiên khẳng định, họ không được phép sử dụng bất cứ công cụ hỗ trợ nào và đương nhiên cũng không có một hành lang pháp lý để bảo vệ hành vi bắt cướp của mình. Họ không có bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh rằng mình là “hiệp sĩ” bắt cướp khi tham gia bắt cướp ở những nơi ngoài địa phương, dân chưa biết tới anh. Khi bị tên cướp gian manh truy hô ngược lại các “hiệp sĩ” chính là cướp thì chắc chắn rằng “hiệp sĩ” sẽ chịu trận đòn tơi tả. Anh Hải cho biết, một thành viên trong nhóm anh đã bị một người dân đánh vỡ đầu vì anh ấy không thể nào chứng minh được mình là “hiệp sĩ” thật. Cũng như việc các “hiệp sĩ” bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì chạy xe quá tốc độ, lấn tuyến, xe “độ” vẫn thường xảy ra.

Tương tự, anh Tiên cho biết, chuyện anh bị người dân xúm lại đánh hội đồng là chuyện bình thường bởi anh đâu có gì chứng minh mình là “hiệp sĩ” thật. “Hiệp sĩ” bắt cướp hoàn toàn bằng tay không trong khi đó bọn cướp hay các loại tội phạm khác, thì ngày nay hoạt động hung hãn, tinh vi và rất nguy hiểm vì chúng có đủ hung khí gây án, kể cả súng, dao, mã tấu, vũ khí tự chế… Vì thế mà những rủi ro, nguy hiểm trong quá trình bắt cướp và vấn đề các đối tượng trả thù những “hiệp sĩ” ngày một gia tăng và tính chất trả thù thì nguy hiểm và trầm trọng hơn. Trong khi đó, pháp luật, công an chưa có bất kỳ một giải pháp hay phương án nào để bảo vệ cho “hiệp sĩ”.

Một luật sư thừa nhận rằng: “Hành động xả thân chống tội phạm, bảo vệ an ninh xã hội của các “hiệp sĩ” là rất đáng trân trọng. Song, đó mới chỉ là những hành động tự phát, chưa có tính pháp lý một cách rõ ràng. Từ đó dẫn tới chưa có một cơ chế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân và gia đình các “hiệp sĩ”; nếu chẳng may tai nạn, rủi ro xảy ra với họ… Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, họ bị trả thù, thì thua thiệt luôn luôn thuộc về các “hiệp sĩ”. Thật sự chúng ta phải thừa nhận rằng, tính mạng của “hiệp sĩ” rất mong manh!

Để đương đầu với tội phạm, các “hiệp sĩ” không có gì ngoài lòng quả cảm, nhiệt tình và sự căm ghét đối với lũ trộm cướp. Song, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đó là hành động khởi phát trong một xã hội vô thiên, vô pháp, khi mà các thiết chế bảo vệ sự an toàn của người dân không được đảm bảo, buộc người dân tự vũ trang để phòng ngừa trộm cướp. Còn ở xã hội của chúng ta, với tiêu chí của Nhà nước là thượng tôn pháp luật, khi mà người dân vẫn đóng thuế để trả lương cho những lực lượng có chức năng bảo vệ luật pháp thì ngay cả những loạn thế anh hùng như Lục Vân Tiên cũng không nên khuyến khích. Chúng ta cũng nên phân biệt rõ ràng rằng, Lục Vân Tiên là giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Điều đó hoàn toàn khác so với việc theo dõi, truy đuổi, săn bắt cướp có chủ đích của những người dân là “hiệp sĩ” như hiện nay; các “hiệp sĩ” không có nghĩa vụ, quyền hạn này! Chúng ta hãy khoan kêu gọi người dân bắt cướp, thay vào đó hãy kêu gọi lực lượng chức năng mỗi địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình! Đó mới là pháp lý, là đạo lý!

Lê Trúc