Không công khai - Kê khai làm gì?

07:22 | 22/12/2015

2,201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Muốn chống tham nhũng hiệu quả cần thực hiện kê khai và xác minh tài sản của công chức rồi công khai cho dân biết. Tuy nhiên, kê khai đến lần thứ 3 vẫn ăn gian, giấu bớt tài sản, chắc là bất minh như thông báo của một quan chức Thanh tra Chính phủ sau đây đã làm hỏng chủ trương này.

 Tờ Tuổi trẻ ghi lại lời ông Hùng kể về một trường hợp kê khai không trung thực, cụ thể là ông Nguyễn Văn A (không phải tên thật) cho biết: Đầu tiên ông này kê khai tài sản gồm có 3 căn nhà, 1 ôtô, thu nhập 360 triệu đồng/năm. Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan chức năng yêu cầu kê khai bổ sung, ông này kê khai thêm hai tài sản lớn hơn là một căn nhà ở quận 2, TP HCM diện tích 539m2 và một mảnh đất tại quận 9 có diện tích 10.000m2 mua cùng người khác. Tiếp tục được yêu cầu kê khai bổ sung lần thứ hai, ông kê thêm 6 thửa đất ở quận 9 (trong đó có 2 thửa vừa chuyển nhượng cho người khác) và một thửa đất ở quận 2.

khong cong khai ke khai lam gi

Cơ quan chức năng xác minh thì thấy ông này còn có thêm 9 thửa đất khác tại quận 9 và quận 2 với tổng diện tích khoảng 15.000m2 và tổng cổ phiếu nắm giữ gần 24 tỉ đồng mà không khai.

Ngạc nhiên hơn, khi ông này có truyền thống không trung thực, kê khai gian tài sản nhưng chỉ bị “khiển trách về Đảng”. Sau vụ việc, ông ta vẫn vô tư!?

Vậy là việc xác lập cơ chế kê khai tài sản và mong muốn nó trở thành một công cụ để phát hiện hành vi tham nhũng phần nào cho thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao trong công tác phòng và chống tham nhũng. Các cơ chế hiện hành đã đưa ra nhiều chế định nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, có chức vụ như xác định những người có nghĩa vụ phải kê khai gồm có 9 nhóm lớn trong hệ thống hiện nay. Quy định hiện hành cũng xác định rất rõ trình tự, thủ tục, các nguyên tắc công khai… cũng như cơ chế xác minh, xử lý vi phạm. Quy định cũng giao trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, giám sát… cho từng cơ quan cụ thể.

Thế nhưng, các quy định chặt chẽ như vậy mà tình trạng tham nhũng vẫn không bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để người dân được tiếp cận nội dung các bản kê khai tài sản. Theo đó, dữ liệu ở Trung ương sẽ do cơ quan Thanh tra Chính phủ tổ chức quản lý. Đối tượng phải kê khai sẽ nộp bản kê khai thông qua các bộ phận quản lý cán bộ của các cơ quan thuộc Trung ương. Sau khi số hóa, dữ liệu này sẽ được chuyển tới trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc khai thác, sử dụng thông tin về kê khai tài sản như công khai, xác minh, xử lý vi phạm về kê khai minh bạch tài sản sẽ được thực hiện theo quy trình với việc phân quyền nhất định.

khong cong khai ke khai lam gi
 

Dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập cho cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được số hóa và đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia định kỳ và thường xuyên. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quản lý cán bộ cấp dưới và đối tượng kê khai thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, công khai, xác minh và xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn thừa nhận việc công khai tài sản đối với công chúng và xã hội không thể thay thế hoàn toàn công tác giám sát, xác minh hiệu quả quản lý.

Các chuyên gia cho rằng, đừng quá kỳ vọng vào việc  minh bạch tài sản, bởi việc thực hiện vẫn trông chờ vào sự tự giác của cán bộ. Ai đó ví von rằng, đừng hy vọng vào sự tự giác không bắt gà của con cáo!

Người dân thì cho rằng, chừng nào chưa có định chế tịch thu xung công các tài sản bất minh của người bị nghi tham nhũng và tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có thì chừng đó vẫn là đánh nhau với cối xay gió. Đã đến lúc các chuyên gia cần nghiên cứu, bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp vào trong Bộ luật Hình sự và thực hiện điều tra, xử lý, thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.

Hãy nhớ lại vụ ông A kê khai man trá và man trá kê khai có hệ thống kia để nghiên cứu đề xuất chính sách. Không nên bỏ án tử với tội tham nhũng lớn và càng không thể tha khi đương sự “tự nguyện” khắc phục.

Kê khai mà không công khai thì kê khai làm gì!

 

Bảo Dân

Năng lượng Mới 485