Khi quảng cáo “lấn sân” vô tội vạ!

07:00 | 07/06/2013

954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quảng cáo ngày càng chứng tỏ sự “vô duyên” khi lấn sân vô tội vạ trên sóng truyền hình. Từ game show đến... phim truyền hình, đâu đâu cũng thấy tôn vinh các nhà tài trợ một cách quá ư lộ liễu.

Có lẽ chưa khi nào việc lồng ghép quảng cáo trên truyền hình lại trở nên bát nháo như hiện nay. Từ game show đến... phim truyền hình, đâu đâu cũng thấy tôn vinh các nhà tài trợ một cách quá lộ liễu. Thực tế, các clip quảng cáo đã xuất hiện với tần xuất dày đặc, xen kẽ các chương trình. Nhất là vào khung giờ vàng thì khỏi nói, quảng cáo cứ gọi là kéo dài bất tận.

Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể “ngậm bồ hòn”, bởi biết rằng, quảng cáo là lẽ... đương nhiên. Nhưng khi thủ thuật quảng cáo trá hình một cách lộ liễu được cài cắm trong các game show, phim ảnh thì... thì thật khó chấp nhận. Việc những “thông điệp” cứ vô duyên phát tán trên truyền hình kéo theo cả niềm ngao ngán bởi mỗi khi ngồi trước màn hình, công chúng luôn ở trạng thái “chết chìm” với logo sản phẩm, với thương hiệu doanh nghiệp... thi nhau tuyên truyền, quảng bá.

Khương Ngọc - Mỹ Lệ khoác trên mình bộ đồ phản cảm để quảng bá cho nhà tài trợ mỳ gói Hảo Hảo

Vẫn biết bất cứ một chương trình nào cũng cần phải có nhà tài trợ để giảm chi phí một cách thấp nhất. Tìm được những “ông lớn” tài trợ cho đứa con tinh thần của mình nhiều khi là quyết định sống. Vì thế để “toại lòng nhau” thì việc tôn vinh nhà tài trợ cũng không phải là sai. Còn về phía các thương hiệu, rõ ràng quá khôn ngoan khi “lách luật” nhanh lẹ khỏi sự chi phối của Pháp lệnh Quảng cáo, đương nhiên giảm được nhiều chi phí mà hiệu quả lại cao. Trong thực trạng này thì rõ ràng “lợi anh, lợi ả”, khi nhà làm chương trình “bắt tay” với nhà cần quảng cáo thì đôi bên cùng có lợi. Nhưng người ngậm ngùi chịu trận là biết bao khán giả ngồi trước màn hình.

Thực tế, chưa biết hiệu quả của “cái bắt tay” này đến đâu, nhưng rõ ràng là công chúng đang dần ngán ngẩm với những “sản phẩm” vô duyên mà họ đem đến. Thử hỏi, với những chương trình thuần về giải trí như game show, thậm chí nghệ thuật như phim ảnh... nếu cứ thoắt cái lại là mách nước sử dụng sản phẩm này, tôn vinh thương hiệu kia... thì  mục đích muốn chuyển tải là thông điệp chương trình hay thông điệp quảng cáo?

Khán giả ngán ngẩm cũng là lẽ đương nhiên. Khảo sát trên truyền hình, những game show thu hút được công chúng theo dõi như: Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, MasterChef... Chương trình nào cũng ra rả đọc tên đơn vị tài trợ. Còn logo thương hiệu thì thôi rồi, lúc nào cũng nằm chình ình và được zoom cận cảnh vô cùng to bản để... khán giả chiêm ngưỡng rõ nét. Về hình ảnh thôi chưa đủ, các “nhân vật” trong chương trình còn phải phát ngôn cho rành mạch thương hiệu. Chỉ mới đây thôi, khán giả đã phải “ngã ngồi” khi giám khảo của chương trình MasterChef ngang nhiên dặn dò các thí sinh của mình đừng quên nêm hạt nêm Knorr cho món ăn. Mà hạt nêm Knorr thì ai chả biết là nhà tài trợ chính.

Khán giả cũng không đến nỗi quá khó tính, nếu chương trình cài cắm có nghệ thuật và chỉ là điểm xuyết. Thế nhưng, không biết là vô tình hay cố ý, chương trình nào cũng tận dụng triệt để mà đè ngửa bắt khán giả phải tiếp nhận.

Ngay như Cặp đôi hoàn hảo, có lẽ cũng đi vào lịch sử quảng cáo mà khán giả dù có chào thua cũng phải nhớ mãi hình ảnh Mỹ Lệ và Khương Ngọc có bộ đồ vô cùng thời trang được kết bằng vỏ mỳ Hảo Hảo. Bộ đồ này không phục vụ gì cho ý đồ nghệ thuật nên sự xuất hiện càng trở nên vô duyên. Trước đó, Vietnam’s Next Top Model cũng đã nhiều lần quảng bá cho các nhãn hàng, khách sạn, du thuyền, điện thoại Samsung...

Logo của Ecopark chiếm 2/3 màn ảnh trong phim Xin thề anh nói thật

Đó là các game show truyền hình, còn lĩnh vực phim ảnh cũng không hề kém cạnh. Tần suất xuất hiện các sản phẩm trong phim quá nhiều đến nỗi khán giả tưởng rằng đó là chương trình quảng cáo. Do chịu áp lực quá nhiều từ phía nhà tài trợ nên dường như các nhà làm phim cũng ngậm ngùi tô vẽ cho hài lòng các ông lớn. Còn khán giả thì thường nhặt được những “hạt sạn” to đùng trong phim, rõ ràng là cố ý, thậm chí đến vô duyên.

Với “Người đàn bà thứ hai” khán giả thường xuyên được dẫn vào lựa chọn quần áo ở thương hiệu NEM tên tuổi. Với “Làm bố thật tuyệt” khán giả được chiêm ngưỡng hãng thời trang Seven A.M, “Lời thú nhận của Eva” thì tần suất dày đặc của thuốc đông dược. Với “Xin thề anh nói thật” thì nhà tài trợ Ecopark “lãi to” khi logo chiếm dụng cả 2/3 màn hình. Còn diễn viên phát ngôn cho sản phẩm thì nhiều vô kể. Việc đang diễn mà bỗng dưng được uống sữa là lẽ thường, thậm chí diễn viên còn khuyến mại thêm những lời dặn dò sử dụng như trong “Phía cuối cầu vồng”. Nồng nặc hơn là “Lọ lem hè phố” nhan nhản những di động Samsung, xe hơi Vitara... "Những cô gái chân dài" thì bắc nồi thập cẩm cho khán giả chiêm ngưỡng taxi Mai Linh, mỹ phẩm Clinique, dầu gội Sunsilk...

Rõ ràng, với tần suất xuất hiện dày như vậy, thì chẳng khác gì những thước phim quảng cáo dài tập. Nghệ thuật nằm ở đâu khi sản phẩm của nhà tài trợ ngang nhiên chiếm sóng mà không đem lại thông điệp gì? Và liệu rằng, cứ chạy theo tôn vinh nhà tài trợ thì còn chỗ nào cho nghệ thuật? Có lẽ thiếu ý tưởng sáng tạo, làm mới chương trình... tỷ lệ thuận với sự đi xuống ở chất lượng của các chương trình game show cũng như phim ảnh.

Hiện tại, chưa có chế tài nào để xử phạt đối với những hình thức quảng cáo trá hình này. Tuy nhiên, cái mất ở đây thì đã rõ ràng, bởi sản phẩm làm ra là để hướng đến phục vụ công chúng. Khi phải chịu trận quá nhiều những sản phẩm đậm chất thương mại... thì công chúng quay lưng cũng là điều đương nhiên.

Thiết nghĩ, thương mại và nghệ thuật nên tách rời nhau. Ngay như những chương trình nặng về tính giải trí cũng không nên nhuốm quá nhiều chất thương mại. Bởi với những gì đang diễn ra trên sóng truyền hình, thay vì được giải trí thì công chúng lại phải ôm cục bực vào người. Nên chăng, văn hóa quảng cáo đang là điều cần thiết...

Huyền Anh