Di dân tái định cư thủy điện Lai Châu:

Khi người dân đồng lòng với ngành điện

07:02 | 14/09/2015

498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một cuộc sống mới đang hình thành tại các điểm tái định cư của Thủy điện Lai Châu. Sau bao nhiêu năm sống với cái nghèo, cái khổ, tập quán canh tác nghèo nàn lạc học, du canh du cư, rồi cả không ít hủ tục… giờ đây, người dân đã biết đến điện lưới quốc gia, đường nhựa, đường bê tông đã vào trung tâm xã, xuống tận các bản. Cái cảnh cuốc bộ cả ngày đường để ra huyện, hàng hóa vắt vẻo trên lưng ngựa thồ ra chợ bán giờ chỉ là quá khứ. Những ngôi nhà sàn cũ kỹ, rách nát, xiêu vẹo đã cũng được thay bằng những ngôi nhà sàn kiên cố.  

Đổi thay nhờ… thủy điện

Dự án Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia. Dự án có công suất lắp đặt là 1.200MW với 3 tổ máy, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 5 tỉ kWh và cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô. Ngoài ra, dự án còn tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc. Chính bởi vai trò như vậy, Dự án luôn nhân được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong công tác di dân tái định cư.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu) cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, công tác di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu đã cơ bản hoàn thành, 2.004 hộ dân thuộc diện di dời đã đến 18 điểm tái đinh cư thuộc 2 huyện Nậm Nhùn, Mường Tè (Lai Châu). Người dân tại các điểm tái định cư đều thể hiện sự đồng thuận cao với chính sách di dân tái định cư của dự án. Công tác giải phóng, vệ sinh lòng hồ cũng như những công việc khác vì thế mới được triển khai, đảm bảo tiến độ thi công dự án và mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015.

khi nguoi dan dong long voi nganh dien
Những dãy nhà tái định cư ở thị xã Mường Lay

Có được kết quả này, theo ông Tuấn, ngoài sự vào cuộc hiệu quả, thiết thực của các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu, Điện Biên trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thì chính sách hỗ trợ tái định cư của Dự án Thủy điện Lai Châu cũng ở mức cao, được ưu tiên đầu tư. Theo Quy hoạch 193 của Thủ tướng Chính phủ, các điểm tái định cư sẽ được đầu tư, xây dựng trường học, lớp mẫu giáo, trạm y tế, nhà công cộng… và hệ thống nước sạch, điện, đường vào tận bản, tận xã. Một số trung tâm xã phải di chuyển khỏi vùng lòng hồ còn được xây dựng dựng trụ sở mới. Bên cạnh đó, các khu tái định cư đều được đầu tư xây dựng hạ tầng mới từ đường giao thông, công trình cấp điện, hệ thống thủy lợi phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung của vùng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Nói về vấn đề này, ông Vàng Văn Quyết - Chủ tịch  Hội đồng Nhân dân xã Mường Mô bảo: Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa nước, ngô, sắn trồng trên nương và chăn nuôi. Tuy nhiên, vì thói quen canh tác lạc hậu, du canh du cư, đường xá đi lại khó khăn  nên cuộc sống bao đời vẫn nghèo, vẫn khổ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7 - 8 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân đã thay đổi hẳn. Ngoài cấp đất tự xây nhà, cấp đất sản xuất, hỗ trợ di chuyển, bồi thường… các hộ còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh hoạt trong 4 năm, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Có điện, có nước, đường sá đi lại thuận lợi khiến hoạt động giao thương hàng hóa bắt đầu hình thành phát triển. Sản phẩm bà con làm ra thay vì tự cung tự cấp hoặc vượt hàng chục km đường núi mang ra chợ huyện bán thì nay thương lái vào tận nơi, thu mua tại bản. Thu nhập của người dân vì thế được cải thiện hơn rất nhiều. Nhiều gia đình còn mua sắm được tivi, xe máy, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất như máy cày, bừa, máy tuốt lúa; trẻ con được học hành trong cơ sở mới, đầy đủ hơn.

“Di dân tái định cư Dự án Thủy điện Lai Châu vì thế là cơ hội để người dân chuyển đổi nền kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Quyết nói.

Tiếp tục hỗ trợ người dân

Công tác di dân tái định cư ở Thủy điện Lai Châu đã và đang mang lại một diện mạo mới cho cuộc cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, công tác di dân tái định cư ở Thủy điện Lai Châu vẫn còn nhiều việc phải làm. Cơ sở hạ tầng cơ bản đã hoàn thành nhưng hệ thống thủy lợi cấp nước cho các công trình sản xuất, canh tác cho bà còn cần tiếp tục được triển khai.

“Cũng giống như Thủy điện Sơn La, chắc Chính phủ và EVN sẽ có chương trình ổn định dân cư sau tái định cư. Tại Thủy điện Sơn La, mặc dù công tác di dân tái định cư đã thực hiện xong nhưng vẫn đang có một đề án ổn định dân cư vì những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng các điểm tái định không thể tuyệt đối tốt được, sẽ có công trình hỏng hóc cần phải nâng cấp, sửa chữa hoặc có những cái trong quy hoạch chi tiết, mình triển khai chưa đầy đủ thì có thể được bổ sung sau. Đồng thời kết hợp với các chương trình khác của Chính phủ như chương trình 30a, chương trình 135…” - ông Tuấn thông tin.

Đồng thời, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, khó khăn thách thức lớn nhất trong công tác di dân tái định cư ở Thủy điện Lai Châu hiện nay là việc tạo quy đất cho sản xuất vì địa hình phức tạp, dốc, chia cắt, chất lượng đất không tốt nên phải cải tạo rất nhiều mới sử dụng được.

Cùng đề cập đến câu chuyện này, ông Quyết nói: Cơ sở vật chất ở các điểm tái định cư rất tốt, người dân rất phấn khởi nhưng sau tái định cư, mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đất sản xuất để tạo sinh kế cho người dân tái định cư yên tâm, ổn định sinh hoạt, sản xuất tại nơi ở mới.

Xung quanh vấn đề này, tại lễ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa lần 3 Thủy điện Lai Châu, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Sau tái định cư, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con xây dựng một số công trình thủy lợi để mở rộng diện tích lúa nước. Đối với những diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ bà con triển khai thí điểm các mô hình trồng cây ăn quả. Nếu thành công sẽ nhân ra diện rộng.

Thực tế công tác di dân tái định cư các dự án thủy điện cho thấy, để đạt được hiệu quả thì ngoài các chính sách hỗ trợ, đền bù tái định cư phải có những chương trình sinh kế hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, vốn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… phải được triển khai. Chỉ có như vậy, thủy điện mới tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lai Châu đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 2.004 hộ tái định cư với tổng giá trị đã giải ngân là 527 tỉ đồng trên tổng số 721 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND Lai Châu cũng đã phê duyệt quyết định đầu tư 131 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.159 tỉ đồng, trong đó đã hoàn thành 57 dự án. Và theo báo cáo mới đây của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu, tỉ lệ hộ nghèo ở các địa phương vùng thủy điện đã giảm từ 45-50% trước đây xuống còn 15-20%.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Sẽ còn nhiều việc phải làm, từ việc bố trí đủ đất sản xuất phù hợp cho dân, chăm lo đời sống văn hóa, chuyển đổi nghề nghiệp, thu hút dịch vụ du lịch, công nghiệp để thay đổi bộ mặt đời sống của vùng thủy điện thời gian tới.

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 456