Khí ga đối mặt cuộc khủng hoảng sống còn tại châu Âu lo ngại biến đổi khí hậu

19:57 | 17/05/2021

1,072 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters 16/5/2021 đưa tin châu Âu đối mặt với triển vọng các hóa đơn điện tăng cao hơn và gián đoạn nguồn cung khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở châu Âu đang vật lộn tìm vốn và phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ngày càng cứng rắn của các ngân hàng cũng đang phải chịu áp lực chấm dứt cung cấp tài chính cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Khí ga đối mặt cuộc khủng hoảng sống còn tại châu Âu lo ngại biến đổi khí hậu
Nhà máy điện chạy bằng khí mới của công ty năng lượng RWE tại Pembroke, Anh, nhà máy điện chạy bằng khí lớn nhất châu Âu, công suất 2000 MW, trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,62 tỷ USD). Ảnh: Reuters/Rebecca Naden

Các nhà cung cấp điện ở châu Âu cũng đã tiên đoán được các vấn đề cung cấp điện khi họ phải thực hiện lộ trình loại bỏ dần than và năng lượng hạt nhân cũng như các nhà máy cũ kỹ. Các công ty sản xuất khí ga quốc tế trong gần một thập kỷ qua đã nói khí ga là nhiên liệu chuyển đổi cần thiết trên con đường tiến tới phi các-bon. Nhưng nhu cầu cấp thiết ngày càng tăng về ngăn chặn biến đổi khí hậu và mở rộng quy mô công nghệ năng lượng tái tạo đã khiến các nhà đầu tư và chính khách do dự đối với kế hoạch xây dựng mới các nhà máy lớn ở châu Âu. Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm đi và tiềm năng xuất hiện các công nghệ mới, như hydrogen, là ý nghĩ đầu tiên của các chính khách, khiến cho khí ga không còn là nhiên liệu ưa thích khi các chính khách đưa thành luật về các mục tiêu khí hậu ngày càng tham vọng.

Khí tự nhiên sản sinh khí thải gần bằng một nửa so với than đốt cháy trong nhà máy điện. Một cách để loại bỏ khí thải là sử dụng công nghệ lưu và thu giữ các-bon dioxide (CCS), nhưng công nghệ đó rất tốn kém. Công nghệ CCS cũng không giải quyết được mối lo ngại ngày càng tăng về việc rò rỉ khí metan từ các cơ sở khí ga, có thể làm triệt tiêu lợi ích của việc chuyển đổi từ than sang khí ga.

Tại một sự kiện của ngành tháng 3/2021, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho rằng “khí hóa thạch sẽ chỉ còn vai trò rất nhỏ” trên con đường tiến tới cân bằng các-bon vào năm 2050. Trong năm 2020, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu khí ga của EU sẽ giảm đi 8% vào năm 2030 so với năm 2019. Tác giả của báo cáo “Triển vọng Năng lượng Thế giới” của IEA cho rằng “tại một số thị trường trưởng thành ở châu Âu, Bắc Mỹ và một phần châu Á, khí tự nhiên đang đối mặt với các vấn đề sống còn, đặc biệt sau những tuyên bố về mục tiêu cân bằng các-bon.”

Nguy cơ tài sản bị mắc kẹt.

Một số nhà đầu tư và nhà cung cấp điện đã chuyển hướng các quỹ ra khỏi khí ga. Số liệu của công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence cho thấy, tại 5 thị trường năng lượng lớn nhất châu Âu, là Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha, các nhà đầu tư đã tuyên bố về các dự án nhà máy khí ga mới công suất hơn 60GW nhưng các dự án đó có lẽ sẽ không được triển khai.

Báo cáo của cơ quan tư vấn năng lượng Mỹ, Global Energy Monitor trong tháng Tư cho biết việc xây dựng tất cả các nhà máy khí đã được dự kiến hoặc đang triển khai ở châu Âu, sẽ tạo ra 87 tỷ Euro (105 tỷ USD) nguy cơ tài sản bị mắc kẹt. Các dự án khí ga trị giá hơn 30 tỷ Euro đã bị hủy bỏ, lùi lại hoặc hoãn vô thời hạn trong năm 2020 khi vật lộn tìm nguồn tài chính. Chi phí của năng lượng tái tạo dự kiến tiếp tục giảm đi trong khi chủ sở hữu của các nhà máy điện khí phải trả thêm tiền phí khí các-bon ở EU, đạt mức kỷ lục là hơn 50 Euro trên 1 tấn, và giá năng lượng bán buôn luôn biến động. Khi các nhà quản lý yêu cầu áp dụng công nghệ lưu và giữ các-bon, giá điện khí sẽ còn phải tăng thêm vài cent/1 kw/giờ.

Việc phát điện từ khí ga vẫn là cách nhanh chóng và hiệu quả để tăng công suất đáp ứng nhu cầu điện. Do các nhà cung cấp điện không muốn cam kết với yêu cầu trên, một số chính phủ châu Âu đang tìm kiếm giải pháp nhập khẩu thêm năng lượng điện và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như trả tiền cho một số nhà điều hành để duy trì năng lực sản xuất của nhà máy điện khí, để có thể sản xuất ngay khi có yêu cầu. Việc làm này cũng làm tăng hóa đơn điện của người tiêu dùng.

Khí ga đối mặt cuộc khủng hoảng sống còn tại châu Âu lo ngại biến đổi khí hậu
Nhà máy điện khí tự nhiên "Gersteinwerk" của công ty năng lượng Đức RWE gần thành phố Hamm, Đức. Ảnh: Reuters/Wolfgang Rattay

Sự giám sát ngày càng lớn hơn.

Tại một số nơi khác trên thế giới, nhà máy điện khí không phải đối mặt với một cuộc chiến tương tự. Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết Trung Quốc có thể bổ sung công suất của các nhà máy điện khí mới thêm 40-50 GW, lên đến 140-150 GW vào năm 2025, tăng thêm 50% so với mức hiện nay, khi Trung Quốc đang cố gắng hạn chế tiêu thụ than.

Tại châu Âu, các dự án than đã rất khó khăn trong việc tìm vốn, trong khi các cơ quan tài chính và chính phủ đang thắt chặt yêu cầu đối với việc cấp vốn cho dự án khí ga. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), ngân hàng công cấp vốn vay lớn nhất châu Âu, đã thay đổi mạnh mẽ chính sách cho vay của mình, tới mức gần như loại bỏ việc cấp vốn vay cho các dự án khí ga mới vào cuối năm nay. Từ tháng 1/2021, Chủ tịch EIB Werner Hoyer đã phát biểu: “Nói một cách ôn hòa, khí ga đang kết thúc. Không chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu khí hậu”.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy định nhằm hạn chế cung cấp tài chính cho các dự án khí tự nhiên vì nguy cơ các dự án này sẽ cản trở các mục tiêu khí hậu của EU. Ngành khí ga và một số chính phủ châu Âu đang mạnh mẽ vận động hành lang khi Ủy ban châu Âu đang xem xét phân loại các nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên trong chính sách thuế tài chính bền vững và muốn Ủy ban châu Âu trì hoãn việc ra quyết định tới cuối năm nay.

Nếu các nhà máy điện khí được phân loại là “xanh” với điều kiện sử dụng công nghệ CCS, điều đó sẽ cho phép các nhà máy này được tiếp thị ở châu Âu như là đầu tư bền vững từ năm 2021. Dù là như vậy, việc chấm dứt kỷ nguyên khí ga ở châu Âu là nằm trong tầm nhìn. Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie Murray Douglas cho rằng “Cửa sổ để xây dựng các nhà máy phát điện khí thông thường có vẻ đang thu hẹp lại. Chúng ta có cảm giác là đầu tư vào nguyên liệu khí ga sẽ kết thúc vào giữa thập kỷ trừ khi áp dụng CCS hoặc là áp dụng điều gì đó sáng tạo với hydrogen”. “Tuy vậy, chúng ta vẫn cần năng lượng để bổ sung thiếu hụt nguồn cung trong 10-15 năm tới, do vậy điện khí ga sẽ tiếp tục là một phần của nguồn năng lượng hỗn hợp.”/.

Thanh Bình