Khí đốt Nga đe dọa sự đoàn kết của EU

09:39 | 04/08/2022

951 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mới đây đã cảnh báo, nếu Canada duy trì các biện pháp trừng phạt mà cản trở việc giao một turbine khí cho Gazprom, Đức có thể buộc phải đình chỉ viện trợ cho Ukraine.
Khí đốt Nga đe dọa sự đoàn kết của EU
Nội bộ khối Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ

Bà Baerbock cho rằng, việc ngừng hoàn toàn các dòng khí đốt của Nga qua Nordstream-1 có thể dẫn đến những hậu quả khó lường ở Đức. Hãng truyền thông Đức RND dẫn lời bà Baerbock cho hay, những tác động chính trị trong nước đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Canada.

Đức dường như đã đặt mối liên hệ trực tiếp giữa sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và việc trả lại turbine khí cho Gazprom. Bà Baerbock nhấn mạnh, nếu không có khí đốt của Nga chảy qua Nordstream-1, Đức sẽ cần đề phòng các cuộc “nổi loạn” nội bộ và không thể hỗ trợ Ukraine thêm nữa.

Ngoại trưởng Đức cũng nhắc lại với báo chí Đức rằng, Đức sẽ tiếp tục cần khí đốt của Nga trong tương lai. Phản ứng trước bài báo được đăng trên tờ Globe and Mail, Đại sứ Đức Sabine Sparwasser khẳng định Đức chưa bao giờ đe dọa Canada. Nhà ngoại giao Đức cũng tuyên bố với báo chí, Đức và phần còn lại của châu Âu đang nỗ lực loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga nhưng không muốn thấy dòng khí đốt bị cắt đứt ngay lập tức. Bà Sparwasser nhấn mạnh, điều này rất quan trọng, giúp duy trì khả năng của Đức trong việc ủng hộ Ukraine.

Trên thực tế, ngành công nghiệp và người tiêu dùng Đức vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hydrocarbon của Nga và không có các lựa chọn sẵn có trong ngắn hạn để loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga.

Gazprom đã mở lại đường ống Nord Stream-1 vào ngày 21-7-2022 sau khi ngừng hoạt động để bảo trì theo kế hoạch kéo dài 10 ngày, nhưng Nord Stream-1 vẫn đang hoạt động với công suất 40%.

Chính phủ Canada đã bị đặt vào một tình huống khó khăn bởi lập trường của Đức. Lý do duy nhất có thể lý giải cho cách tiếp cận hiện tại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau là để duy trì sự thống nhất trong NATO.

Trước đó, cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Putin, người đồng cấp Iran Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã làm dấy lên không ít những hoài nghi và cả những lo ngại bên trong NATO và EU. Một sự kiện đáng chú ý khác là chuyến thăm của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tới Nga. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Hungary đã đề cập tới việc cung cấp thêm khí đốt.

Hungary hiện phụ thuộc 85% vào khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Ông Szjijarto cho biết, Hungary cần thêm 700 triệu m3 khí đốt ngoài thỏa thuận cung cấp dài hạn hiện có với Nga.

Câu chuyện về Nord Stream (1&2) có thể tiếp tục trong nhiều tháng nữa, khi Tổng thống Putin nhận thấy lợi thế của việc sử dụng các dòng chảy khí đốt qua đường ống của mình như một phương tiện để phá vỡ các chiến lược năng lượng của châu Âu.

Giá năng lượng liên tục tăng cao, sự bất ổn về nguồn cung năng lượng, kết hợp với lạm phát cao, là “quân bài” hiệu quả trong tay nhà lãnh đạo Nga

Bình An