Khi dòng xe cũ từ các tỉnh tràn về Hà Nội…
Năm 2011, nhằm hạn chế nhập siêu, Chính phủ đã nâng mức trần đối với phí trước bạ dành cho xe dưới 10 chỗ ngồi từ 15% lên 20%. Một số địa phương như Hà Nội đã tăng vọt mức phí từ 12% lên 20%, TP HCM từ 10% lên 15%. Vì vậy sức mua ôtô sụt giảm mạnh. Đến cuối năm 2011, lượng ôtô của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam bán ra được ở mức thấp nhất trong vòng 59 tháng. Đầu năm 2013, Chính phủ đã ra Nghị quyết 02/NQ-CP giảm một loạt thuế phí, trong đó có thuế trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi. Và đó chính là điểm khởi đầu cho sự “lên ngôi” của dòng xe cũ, biển tỉnh…
Xe cũ trở thành sự lựa chọn số 1
Các “chuyên gia” cho rằng chi phí sang tên của một chiếc xe tỉnh sẽ nhẹ đi đáng kể sau khi có quyết định giảm phí trước bạ. Thử tính một chiếc Toyota Rav4 cũ đang được bán giá 1,4 tỉ đồng. Nếu phí là 12% như trước đây thì chủ xe phải tốn thêm hơn 100 triệu đồng (với xe sử dụng 1-3 năm, giá trị để tính trước bạ tương đương 70% mua mới), cộng thêm 20 triệu đồng tiền biển khi đăng ký lại. Nay phí trước bạ giảm về 2%, chủ xe sẽ chỉ mất 40 triệu đồng cả biển số lẫn phí sang tên. Nhưng chính vì thị trường xe cũ bắt đầu gia tốc mua bán nên giá xe cũ sẽ có nhiều khả năng tăng nhẹ lên.
Xe biển ngoại tỉnh bày bán trong các showroom
Thật ra, trước đây cả chủ buôn lẫn khách hàng ở Hà Nội không mấy mặn mà với ôtô biển ngoại tỉnh, vì khi mua xe về khách hàng sẽ phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Chính bởi vậy, dòng xe đã qua sử dụng nhưng biển cùng thành phố vẫn được chuộng hơn cả, vì có thể “trốn” thủ tục sang tên đổi chủ bằng cách làm giấy ủy quyền. Hơn nữa, nếu có làm thủ tục đổi chủ thì lệ phí cũng chỉ ở mức 150.000 đồng cho việc đổi biển. Thế nhưng với quy định mới, xe biển ngoại tỉnh đã trở thành sự lựa chọn hợp lý.
Theo các nhà kinh doanh, nguồn xe cũ các tỉnh rất dồi dào, giá “mềm” hơn hẳn so với xe biển Hà Nội. Hơn nữa, sự lựa chọn cũng thoải mái hơn để có thể chọn lọc được những xe đảm bảo chất lượng. Hiện nay, tại các showroom trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) đang bày rất nhiều các loại xe biển Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên… Trong số này có không ít xe thuộc sở hữu của các cơ quan, công ty. Số xe này được “chủ buôn” mua theo dạng thanh lý, nên giá lại càng “mềm” hơn xe cá nhân.
Tham khảo tại các showroom, được biết khách mua ôtô cũ hiện nay thường chọn lựa xe có giá dao động 300-500 triệu đồng. Sức mua loại xe có giá trên 700 triệu đồng thường chậm hơn hẳn so với loại trên. Đại diện doanh nghiệp chuyên kinh doanh ôtô các loại Tiến Đạt cho biết, khách hàng có nhiều tiền, ham mua phân khúc giá cao bây giờ chủ yếu là các đại gia ở tỉnh khác chứ không phải là thành phố. Nhưng dẫu thế nào trong khi các loại ôtô mới đang chật vật tìm cách kích cầu, thì thị trường xe cũ vẫn đầy hứa hẹn. Một nhà kinh doanh cho biết: “Vấn đề quan trọng của ngạch buôn xe cũ này chính là kinh nghiệm thẩm định. Đảm bảo chắc chắn khâu kiểm định này thì việc buôn bán còn mang lại lợi nhuận cao hơn cả bán xe mới”.
Và câu chuyện “xe không chính chủ”
Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 3, trước câu hỏi về hai thông tư 11 và 12 vừa mở vừa siết của Bộ Công an liên quan đến vấn đề xe không chính chủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ không làm khó dễ người dân. Tuy vậy, những quy định “vừa gỡ đã vướng” tại Thông tư 11 và 12 của Bộ Công an quả thực cũng được đánh giá là “không ổn lắm”, nhất là đối với số liệu thống kê không chính thức thì có tới hơn 10 triệu phương tiện giao thông đang vi phạm về đăng ký sở hữu.
Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BTC để sửa đổi, bổ sung một số điều về hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Trong đó nêu rõ, tại những tỉnh, thành phố đang thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) ở mức 10 đến 15% thì giữ nguyên mức thu kể từ sau 1/4. Với những địa phương nào thu cao hơn 15% thì áp dụng mức thu 15% cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đó ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới. Đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đăng ký lần thứ 2 trở đi nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. |
Chính vì vậy Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu ý kiến: “Chúng ta phải tính giải pháp sao cho không phải một lúc xử lý hết ngay các vi phạm mà mọi người dân phải có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện. Theo chúng tôi, Bộ Công an cần thiết phải có biện pháp nhắc nhở đi kèm với chế tài. Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định sẽ làm theo tinh thần chỉ đạo là vừa ra những chế tài để hướng người dân khắc phục tồn tại, đồng thời không để phát sinh những lỗi mới và tạo điều kiện để người dân đăng ký”.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nếu thủ tục thuận lợi, chi phí không đáng kể thì ai cũng muốn đăng ký phương tiện thuộc sở hữu của mình, nhưng cái khó nhất lại không phải chuyện đi làm đăng ký, mà là rất nhiều phương tiện đã qua tay nhiều chủ. Chuyện này đòi hỏi phải có quá trình xử lý khi làm thủ tục sang tên đổi chủ, nhưng quan trọng là để làm sao không tái phạm mới.
Về vấn đề xe không chính chủ, Bộ trưởng Đam khẳng định lỗi một phần do phía người dân nhưng cũng có một phần do chính sách của Nhà nước. Thực trạng nhiều năm nay thể hiện cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý lĩnh vực này. Thực tế cho thấy Nghị định 71/CP đã quy định đúng khi quyết định xử phạt lỗi này, tuy nhiên CSGT đã hướng dẫn không đúng tinh thần khi xử phạt người điều khiển phương tiện về nguồn gốc phương tiện. Tuy nhiên việc này đã được chấn chỉnh. Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.
Tính đến thời điểm này, để giải quyết tình trạng Bộ Giao thông Vận tải thì xin rút còn Bộ Công an lại xin ban hành quyết định xử phạt xe không chính chủ, lãnh đạo hai Bộ sẽ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và trình Chính phủ với tinh thần hướng tới “quản lý tốt xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại từ nhiều năm trước”.
Nếu theo Thông tư số 11, sẽ có hiệu lực từ 15/4/2013, cơ quan chức năng chỉ phát hiện và xử phạt được khi người dân đến đổi biển xe mà chưa sang tên đổi chủ. Hay trường hợp va chạm giao thông, thậm chí gây chết người, mới phát hiện ra xe chính chủ hay không. Trong cả hai trường hợp này số lượng xe phạt cũng không nhiều so với số lượng xe bán trao tay chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ đang lưu hành. Thực tế đặt ra vấn đề cần phải xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đối với ôtô, để bảo vệ quyền lợi của chủ phương tiện khi bán trao tay. Không nên phạt xe máy, do những hoàn cảnh lịch sử để lại - cấm người dân các quận nội thành mua xe máy mới; dân các tỉnh đưa xe về Hà Nội làm ăn với số lượng nhiều… |
Gia Hân
-
Bất ngờ hàng loạt ô tô được bán thanh lý giá chỉ 55 đến 150 triệu đồng
-
Hà Nội: Đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy cũ và hỗ trợ người dân đổi xe mới
-
Thị trường ôtô khởi sắc
-
Hãng xe vét khách kiểu "hủy diệt", đại lý xe "cỏ" buộc giảm giá kịch sàn
-
Nghịch cảnh chợ ô tô: Giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, bảo vệ, rửa xe...
-
[VIDEO] Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền phải đổi mới tư duy, cách làm và tác phong phục vụ nhân dân
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Quản lý, quản trị đều phải tốt"
-
1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử
-
Quảng Ngãi công bố quyết định sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức bộ máy mới
-
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân TPHCM và thông điệp gửi nhân dân cả nước