Khi chân dài thi siêu mẫu

11:21 | 29/11/2013

1,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một thời gian người ta bàn tán về việc bị “bội thực” bởi các danh hiệu người đẹp, hoa hậu từ các cuộc thi tìm kiếm nhan sắc. Gần đây, việc xuất hiện nhiều danh hiệu siêu mẫu của các cuộc thi dành cho những cô gái chân dài cũng khiến không ít người… ngán ngẩm. Bởi những danh xưng ấy xuất hiện ngày một chóng mặt, khiến nhiều người lo ngại rằng, liệu những danh xưng ấy có thật sự chất lượng trong showbiz Việt?

Năng lượng Mới số 278

Cứ chân dài là phải… “sang chảnh”

Nhiều người đã tếu táo nhận xét rằng: “Chỉ cần bật tivi lên là sẽ thấy rất nhiều các cuộc thi siêu mẫu, người đẹp. Nhiều đến nỗi, khi xem xong khán giả chẳng nhớ đó là chương trình gì, có những chân dài nào tham gia…”. Trên sóng truyền hình hiện nay, các cuộc thi ca nhạc và thi tìm kiếm người mẫu đang… áp đảo. Số lượng thí sinh đăng ký tham gia những cuộc thi này ngày càng nhiều. Điều đó phản ánh một phần xu hướng của giới trẻ hiện nay, mơ ước được hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, mơ ước mình trở thành “thiên nga” chỉ sau một đêm trên sân khấu. Nắm bắt được điều này, nhiều công ty giải trí đã bắt tay với các đài truyền hình liên tục tổ chức các cuộc thi tìm kiếm người mẫu.

Điểm mặt những cuộc thi người mẫu trên sóng truyền hình Việt Nam hiện nay có thể liệt kê một danh sách khá dài từ các cuộc thi thuần Việt cho đến các cuộc thi được mua bản quyền nước ngoài như: “Vietnam’s Next Top Model” (Người mẫu Việt Nam); “Siêu mẫu Việt Nam”; “Ngôi sao người mẫu”; “Thần tượng thời trang F.Idol” (sắp phát sóng vào cuối năm 2013). Những “sân chơi” này đã tạo ra một nguồn “cung cấp” nhân lực dồi dào cho làng người mẫu Việt đến mức Việt Nam trở thành một trong những nước có số lượng “siêu mẫu” nhiều nhất.

Giám khảo chương trình "Vietnams Next Top Model 2013"

Trần Hà Ly  - một người mẫu ở Hà Nội cho biết: “Tất cả những cô gái chân dài đểu hiểu rằng, danh hiệu đối với họ là rất quan trọng. Chỉ khi có được một danh xưng thì người mẫu mới “dễ ăn, dễ nói”. Vì thế, có rất nhiều người mẫu, chân dài đi thi “Siêu mẫu Việt”. Trên thực tế, những cuộc thi tìm kiếm người mẫu, siêu mẫu ở Việt Nam diễn ra đều nhận được sự quan tâm của những công ty quản lý người mẫu, những nhà tài trợ “vàng” và những thí sinh sáng giá tham gia, vì người trong cuộc hiểu rằng, nếu chương trình thành công, thì thương hiệu của cả ba nhà là nhà tài trợ, nhà sản xuất và người mẫu được lên như “diều gặp gió”, vì thế, hằng năm có nhiều cuộc thi tìm kiếm những danh xưng mới là một điều dễ hiểu.

Một chân dài ở công ty A - chuyên đào tạo người mẫu tại Hà Nội cho hay: “Danh xưng người mẫu, siêu mẫu là ước mơ của mọi cô gái chân dài. Nhưng nhiều cô gái đã lao động chưa nghiêm túc mà có được danh hiệu do có công ty, nhà tài trợ “hậu thuẫn” nên nhiều chân dài đã mắc bệnh sao, có một chút danh hiệu đã “chảnh”, mời diễn thì đòi tăng tiền cát-sê, còn nếu bị phật ý thì… bỏ về Nếu không biết giữ mình, có thể họ sẽ đi lệch chuẩn như sa đà vào chuyện tiền bạc, không phân biệt được tốt - xấu và rất dễ sa ngã…”.

Tự nhận mình là… siêu mẫu

Một thực tế nữa là, có những thí sinh chỉ tham gia vào các cuộc thi người mẫu, siêu mẫu và “chẳng may” bị loại ở những vòng đầu tiên cũng tự nhận mình là… siêu mẫu. Về vấn đề này, siêu mẫu Hà Anh từng chia sẻ: “Việc xưng danh người mẫu hay siêu mẫu một cách tùy tiện là do giới truyền thông. Người ta không thể biết cô này là siêu mẫu, cô kia là người mẫu nếu các phương tiện báo chí không đăng tải. Theo logic thông thường thì người ta mặc nhiên nghĩ là báo chí đã kiểm chứng khi đưa các thông tin về người mẫu, nên họ tin và gọi theo danh xưng ấy. Nếu một người tự xưng là người mẫu mà không có đóng góp gì cho nghề, cũng như không tham gia các show diễn, không chụp hình thì cái danh xưng ấy không có ý nghĩa. Vì thế, khi đưa bất kỳ thông tin gì về người mẫu, báo chí cần xác thực thông tin, như ý kiến của các chuyên gia, các người mẫu đã thành danh để thông tin xác thực hơn. Chỉ có sự lao động nghệ thuật nghiêm túc mới có những danh hiệu xứng đáng đối với nghề người mẫu”.

Minh chứng là cứ nhìn vào câu chuyện vươn tới đỉnh cao của những chân dài đình đám trong làng thời trang Việt như Xuân Lan, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Võ Hoàng Yến… thì có thể thấy rõ, quá trình một người mẫu từ vô danh đến việc có danh tiếng khốc liệt và chông gai như thế nào. Nhiều người mẫu đã không theo được đến cùng, họ đã bỏ cuộc chơi khi thấy cuộc chiến nghề nghiệp này khá cam go. Và trong hàng loạt những người mang danh “siêu mẫu” tính đến thời điểm hiện tại, có mấy ai thực sự xứng đáng và có đóng góp cho làng thời trang?

Có thể thấy rằng, chỉ có thời trang chuyên nghiệp, chỉ có những cuộc thi người mẫu có uy tín mới có thể sinh ra những người mẫu chuyên nghiệp. Những năm gần đây, ngành này ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển. Vì vậy, danh xưng người mẫu, cách tổ chức các cuộc thi siêu mẫu vẫn còn là khái niệm gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt là những scandal, những “lùm xùm” của các chương trình siêu mẫu có các chân dài, giám khảo “đặc biệt” tham gia.

Điểm qua những mùa giải trước, dư luận đã lên tiếng xung quanh việc giám khảo nam của “Vietnam’s Next Top Model” mặc váy và ăn nói chua ngoa, phản cảm. Thế nhưng năm nay, bỏ qua những phản hồi đóng góp của dư luận, sự õng ẹo của giám khảo nam còn tăng hơn. Đặc biệt là vị giám khảo được mời từ Australia: Adam Williams. Không chỉ ăn mặc lúc thì lòe loẹt, lúc thì bó sát, Adam còn mang giày cao gót của nữ giới... Những hình ảnh, cử chỉ của Adam trở nên dị hợm, lố bịch trong mắt công chúng. Hay ngay như mới vào mùa giải “Vietnam’s Next Top Model”, chuyên gia trang điểm Nam Trung đã gây sốc bằng câu hỏi: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?”… Chưa kể đến những nghi án gạ tình các nam thí sinh trong cuộc thi… Liệu với những cuộc thi như thế thì công chúng có đủ niềm tin rằng, người đoạt giải sẽ xứng đáng, sẽ tiếp tục đi con đường thẳng để có những đóng góp thực sự có ích cho giới người mẫu Việt.

Các chương trình thi siêu mẫu diễn ra khá nhiều nhưng có một thực tế là việc thí sinh được thăng hạng trong đêm chung kết sau đó “mất tích” trong làng giải trí Việt là điều diễn ra thường xuyên. Nhiều thí sinh sau khi đoạt giải lại tiếp tục ngụp lặn trong những cuộc tìm kiếm danh xưng mới, hoành tráng hơn, để mong nổi tiếng và đổi đời, như giải Bạc Siêu mẫu 2013 Trần Minh Trung chính là người đăng quang Thần tượng thời trang F-Idol 2012 hay giải nhất cùng năm với anh là Quỳnh Mai vừa bị Thanh Hằng loại thẳng tay khỏi top 14 “Vietnam’s Next Top Model” vì không đáp ứng được yêu cầu của người mẫu chuyên nghiệp. Hay như siêu mẫu Phương Mai - người đạt giải Vàng Siêu mẫu năm 2012 cũng chưa có được thành tích gì nổi bật trong thời gian vừa qua ngoài tham gia đóng bộ phim “Âm mưu giày gót nhọn”? Phải chăng, các chân dài đi thi cho có danh rồi chỉ để đấy? Danh hiệu không thể giúp họ tỏa sáng, làng người mẫu Việt cũng không nhờ đó mà khá hơn nếu họ không tự vươn lên khẳng định mình với nghề, với nghệ thuật.

Để có danh trong nghề thì phải trải qua một quá trình lao động và cống hiến về nghệ thuật không ngừng vì người mẫu là một trong những nghề có yêu cầu khắc nghiệt và áp lực rất cao trong làng giải trí. Các chân dài luôn phải lao động miệt mài và bền bỉ để mang đến những phần trình diễn catwalk chuyên nghiệp, những bộ ảnh thời trang ấn tượng, sáng tạo trong tạo hình và chỉn chu về cách xây dựng hình ảnh. Nếu không thì sớm hay muộn họ cũng tự đào thải mình.

Mai Thy - một người mẫu của TP HCM cho biết: “Tất cả đều phải trải qua một quá trình lao động và cống hiến về nghệ thuật không ngừng vì thực tế người mẫu là một trong những nghề có yêu cầu khắc nghiệt và áp lực vô cùng cao trong làng giải trí.Các chân dài luôn phải lao động miệt mài và bền bỉ để mang đến những phần trình diễn catwalk chuyên nghiệp, những bộ ảnh thời trang ấn tượng, sáng tạo trong tạo hình và chỉn chu về cách xây dựng hình ảnh. Yêu cầu đặt ra là tất cả công việc họ đang làm, đang thực hiện trong phạm vi nghề mẫu đều phải đạt điểm tối đa và không được có bất kỳ sai sót nào được xảy ra…”.


Bảo Quyên