Khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Nhiều điểm sáng kinh tế
Năm 2019 khép lại. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn. Chiến tranh thương mại nổ ra nhiều nơi. Tình hình khu vực, Biển Đông diễn biến phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
![]() |
Lần đầu tiên động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo |
Thế nhưng, với sự kiên định mục tiêu đề ra, cả nước đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, năm thứ 2 liên tiếp đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. GDP tăng 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành linh hoạt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỉ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với “triển vọng tích cực”. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9% so với năm 2018...
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá là “miền đất lành” được nhiều nhà đầu tư quốc tế tin cậy. Chúng ta đã đón được “dòng chảy” của chuỗi giá trị toàn cầu từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel... Việt Nam đã chủ động hội nhập sân chơi toàn cầu bằng 14 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTAs) với hàng loạt đối tác lớn.
![]() |
Khát vọng Việt Nam thịnh vượng |
Cùng với đó, kinh tế tư nhân đã có sức bật mạnh mẽ. Những dự án lớn của doanh nghiệp lớn đầu tư như VinFast của Vingroup; cảng hàng không Vân Đồn của Sungroup; hãng bay Bamboo Airway của FLC; Vinpearl Air của Vingroup; nhà máy lắp ráp xe Mazda lớn nhất Đông Nam Á của Trường Hải; đại dự án 4 tỉ USD Smart City tại Đông Anh của BRG và Sumitomo (Nhật Bản)... đã cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của kinh tế tư nhân. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, đánh giá: Trong khi kinh tế Nhà nước chậm thay đổi, các động lực mới chưa có, khu vực tư nhân đã và đang trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế. Vai trò kinh tế tư nhân là tốt thật, khẳng định thật! Đó là sự thật và chúng ta phải tiếp tục đẩy doanh nghiệp tư nhân thực sự phát triển.
Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm. |
Nhìn chung, năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là thành quả quan trọng của sự nỗ lực lớn. Đánh giá về những thành tựu của kinh tế trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, khu vực, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta là điểm sáng, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội”.
Hóa giải những thách thức
Dù đạt được nhiều thành tựu lớn, nhưng chúng ta không nên “tô hồng”, cần phải nhìn nhận nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đối mặt với những điểm yếu cố hữu và trở lực từ bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những điểm nghẽn khó giải quyết trong một sớm một chiều, như giải ngân đầu tư công còn chậm, chỉ đạt trên 40% kế hoạnh Chính phủ giao và dưới 40% được Quốc hội phê duyệt; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự hiệu quả trong thực tiễn... Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, khoảng cách đó vẫn tăng qua các năm. Nói cách khác, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao vào top đầu của khu vực và thế giới, song đó chỉ là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu... Đó là những thách thức mà chúng ta cần phải hóa giải thì mới có điều kiện để phát triển.
Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây là lần thứ tư một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm được nghiên cứu xây dựng kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986. Những thành tựu quan trọng đạt được trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong thập niên qua, đã củng cố thế và lực của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới chưa từng có đối với sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại bộc lộ trong thập niên qua cùng với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Con đường phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, những khó khăn, thách thức phía trước không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.
Vì vậy, để vượt qua thách thức, từng bước đưa đất nước phát triển đi lên, không có cách nào khác là phải “thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mỗi chúng ta; hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đóng góp khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, thịnh vượng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang”, như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.
Minh Loan
-
Hà Nội đưa 17 xe buýt điện VinFast vào vận hành tuyến buýt số 34
-
Gần 400 xe điện VinFast lập kỷ lục xếp chữ “Vì Việt Nam Xanh” tại Ngày Hội Xanh 2025
-
VinFast và cuộc cách mạng trong phân khúc xe máy điện dành cho học sinh
-
VinFast mở bán mẫu B-SUV VF6 và công bố chính sách miễn phí sạc ô tô điện tại Philippines
-
VinFast VF 7 - SUV điện “sang xịn”, giá tốt, miễn phí nhiên liệu hơn 2 năm
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng