"Khắc tinh" của kẻ phá hoại lưới điện

16:13 | 04/05/2015

749 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh là Nguyễn Lê Toàn, kỹ sư điện - điện tử của Công ty Điện lực Quảng Nam.

Anh Nguyễn Lê Toàn.

Toàn là sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, khóa 2006 – 2010. Ngay sau khi ra trường, được Trung tâm Thí nghiệm Điện, trực thuộc Công ty Điện lực 2 tuyển dụng. Tại đây, anh có điều kiện tiếp cận, nắm chắc cấu tạo, công dụng của nhiều loại máy móc, thiết bị điện; được các bậc đàn anh đi trước tận tình hướng dẫn nên Toàn đã sớm phát huy được kiến thức ở nhà trường vào thực tế công việc, góp nhiều ý tưởng, giải pháp mới để cùng đồng nghiệp cải tiến quản lý, cải tiến công nghệ. Vừa làm vừa học, năm 2003, Toàn tốt nghiệp lớp thạc sỹ điện hệ thống. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình nên phải chuyển công tác về Quảng Nam sau 8 năm làm việc TP Hồ Chí Minh.

Những năm trước, lưới điện Quảng Nam thường hay bị kẻ trộm phá hoại với tần suất ngày càng cao, chủ yếu để cắt lấy dây cáp trung tính, dây tiếp địa tại các trạm biến áp đem bán phế liệu kiếm tiền. Dù PC Quảng Nam đã tích cực phối hợp và đề nghị lực lượng công an địa phương can thiệp nhưng vẫn khó tìm giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này. Nguyên nhân là do hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh khá đồ sộ, hơn 6.200 km trung, hạ áp, 2.680 trạm biến áp phụ tải, với giá trị vô cùng lớn, nhưng tất cả đều nằm ngoài trời, chỉ được bảo vệ bởi đặc điểm riêng có của sản phẩm điện với câu cảnh báo “nguy hiểm chết người”. Kẻ xấu thường lợi dụng đêm tối, chọn chỗ vắng người để ra tay, gây mất điện kéo dài và tốn kém tiền của công sức cho ngành Điện. Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Nam, tính từ năm 2006 đến 2011, toàn tỉnh có 236 vụ lấy cắp thiết bị điện, tổng thiệt hại ước tính 1,5 tỷ đồng; giai đoạn 2012 - 2014, có 94 vụ, thiệt hại 1,2 tỷ đồng.

Ngay từ khi mới bước chân về PC Quảng Nam, Toàn đã thấy được mối nguy hại do kẻ gian gây ra cho lưới điện, nên luôn “đau đáu” một suy nghĩ là làm thế nào để khắc phục được tình trạng mất cắp trên lưới điện bằng biện pháp kỹ thuật, bởi các biện pháp hành chính như tuần tra canh gác, dựa vào dư luận và cảnh giác của người dân đều mang lại xác suất thành công rất nhỏ. Toàn đem suy nghĩ này bàn với anh em trong Phòng Kỹ thuật, xin ý kiến đồng chí Trưởng phòng và Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty. Ý tưởng được cấp trên đồng ý, Toàn bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo ra một thiết bị chống mất cắp trên lưới điện dựa vào tính năng hữu dụng của các thiết bị viễn thông và kỹ thuật điện.

Năm 2011, sáng kiến “Mạch báo động chống trộm cắp cáp tổng hạ thế tại TBA phụ tải” của Nguyễn Lê Toàn ra đời, ứng dụng thành công vào thực tế quản lý hệ thống điện. Với thiết bị này, khi kẻ gian cắt điện để lấy cắp thiết bị trên lưới điện thì điện thoại di động của nhân viên trực điện sẽ reo lên, báo hiệu. Sáng kiến được các phóng viên báo chí và cơ quan tuyên truyền thông tin rộng rãi, đã tác động làm cho kẻ gian e ngại vì không biết trạm biến áp nào sẽ được lắp thiết bị này, vì thế hiện tượng mất cắp thiết bị điện giảm dần qua các năm, từ 59 vụ năm 2011, giảm xuống còn 12 vụ năm 2014. Sáng kiến này của Nguyễn Lê Toàn được EVNCPC công nhận và khen thưởng sáng kiến cấp Tổng công ty; được Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ 3 (2011 - 2012) bầu chọn đạt giải Nhất.

Không chỉ vậy, trước đó, ngay từ khi mới “chân ướt chân ráo” về Phòng Kỹ thuật, Toàn đã nghiên cứu thành công giải pháp “Tối ưu hoá khối lượng cáp tổng 0,4kV cho TBA phụ tải có công suất ≥1000kVA”. Sáng kiến này làm giảm tối đa chi phí mua cáp lắp đặt cho các trạm biến áp; đồng thời cũng góp phần làm tốt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật tại các trạm biến áp. Tiếp đó, năm 2012, Toàn triển khai thực hiện đề tài “Khai thác tính năng sẵn có trong rơle 7SJ63 nhằm tăng cường an toàn trong vận hành đường dây 22kV”; năm 2013, là đề tài “Chế tạo, khôi phục tủ điều khiển các máy cắt Recloser bằng rơle kỹ thuật số” và năm 2014 nghiên cứu, thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng LOGO lập trình PLC để điều khiển tự động đóng lặp lại (TĐL) máy cắt tại các trạm trung gian để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện”…

Các giải pháp sáng tạo của Nguyễn Lê Toàn đã được lãnh đạo PC Quảng Nam đánh giá cao, ứng dụng thành công và mang lại nhiều hiệu quả cho Công ty, góp phần giảm cường độ lao động cho công nhân và tăng năng suất lao động ở đơn vị cơ sở. Ở một khía cạnh khác, phong trào sáng kiến của Công ty phát triển không ngừng nhờ vào sự trợ thủ đắc lực của Toàn, với vai trò là cán bộ thường trực, tham mưu trực tiếp cho Hội đồng xét sáng kiến của Công ty trong việc đôn đốc, nhắc nhở mọi người triển khai giải pháp đăng ký. Ngoài ra, Toàn đã cùng các chuyên viên kỹ thuật của Công ty làm tốt công tác phản biện khoa học để các giải pháp được thực hiện tốt hơn.

Nguyễn Lê Toàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức, cha mẹ đều là giáo viên nên anh sớm tiếp thu tinh thần cần mẫn, ham học hỏi và chịu khó, sẵn sàng gánh vác phần việc nặng về mình, bất cứ việc gì khó Toàn đều tập trung tìm tòi lời giải cho bằng được! Với bản tính cần cù và sáng tạo, Toàn luôn làm tốt nhiệm vụ được giao. Toàn tâm sự “Sở dĩ tôi hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao là do có sự quan tâm động viên của lãnh đạo các cấp và sự chia sẻ của đồng nghiệp”. Còn anh Thái Văn Trương, thì cho biết, nhiều năm qua, Toàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là với công tác sáng kiến, đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Công ty phát triển.

Chỉ sau 2 năm về công tác tại Công ty, với sự nỗ lực của mình, Toàn đã lập được nhiều thành tích trong công tác và đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 2010, và cũng từ đó, năm nào Toàn cũng luôn khẳng định mình trong mọi công việc của đơn vị. Toàn đã được Công ty, Tổng công ty khen thưởng hằng năm. Bề dày sáng kiến tăng lên thì thành tích khen thưởng cũng lớn dần lên, với 4 năm liền được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2014, Toàn được Công ty làm hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp Bộ Công Thương.

Ngoài công tác chuyên môn, Nguyễn Lê Toàn còn làm tốt vai trò của một Phó bí thư Chi đoàn Phòng Kỹ thuật; là đoàn viên Công đoàn năng nổ tham gia mọi phong trào của Công ty. Anh Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Phòng Kỹ thuật cho biết: “Nguyễn Lê Toàn là một đoàn viên công đoàn năng nổ, anh luôn tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, văn hoá, thể thao, sẵn sàng đóng góp công sức tiền của vào các hoạt động xã hội, từ thiện, tương thân tương ái trong và ngoài đơn vị. Bên cạnh đó, anh thường xuyên quan tâm và động viên đồng nghiệp vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống nên luôn được mọi người quý mến, tin yêu”.

Trải lòng về những chuyện đời, chuyện nghề, Toàn tâm sự: “Tôi có được bất kỳ sự thành công nào cũng là nhờ được sống trong một môi trường đoàn kết, trên dưới một lòng; được lãnh đạo Công ty và Phòng Kỹ thuật quan tâm, động viên, hỗ trợ. Đó là hạnh phúc lớn nhất đời tôi, vì được sống và làm việc cho quê hương, gần gũi gia đình, có điều kiện chăm sóc cha mẹ già”.

Thiên Lương

(Tổng công ty Điện lực miền Trung)