Huỳnh Thảo Nguyên - Cây sáng kiến “triệu đô”

11:00 | 17/06/2021

664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Gia nhập vào “ngôi nhà chung” PC Đà Nẵng (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) từ cuối năm 2006, Huỳnh Thảo Nguyên trung bình mỗi năm “đẻ” sòn sòn một, hai sáng kiến với giá trị làm lợi vô cùng lớn, có những sáng kiến mang lại không chỉ cho PC Đà Nẵng mà còn cho ngành điện Việt Nam cả triệu “đô”. Đặc biệt, nhiều sáng kiến của Nguyên ngoài việc đo đếm bằng hiệu quả kinh tế và giá trị quản lý kỹ thuật, thì còn có ý nghĩa vì cộng đồng lớn lao.

Đam mê xác suất thống kê

Tính đến nay, sau gần 15 năm phục vụ trong ngành điện, Thạc sĩ, Kỹ sư Huỳnh Thảo Nguyên (sinh năm 1982, Phó phòng Kinh doanh, PC Đà Nẵng) đã có “bộ sưu tập” với 18 sáng kiến được các cấp trong và ngoài ngành điện công nhận, đánh giá cao. Trò chuyện với Nguyên, tôi có cơ sở để tin rằng, con số sáng kiến sẽ không ngừng tăng lên khi anh đang bước vào “độ chín” của nghề và “lửa” cống hiến vẫn hừng hực trong vóc người thư sinh.

Huỳnh Thảo Nguyên - Cây sáng kiến “triệu đô”
“Cha đẻ” của nhiều sáng kiến Huỳnh Thảo Nguyên giản dị nơi góc làm việc thường ngày

“Từ lúc đi học, tôi có niềm đam mê với môn Toán, khi học đến phần xác suất thống kê thì tôi đặc biệt yêu thích và say sưa tìm hiểu, nghiên cứu nó suốt ngày đêm. Khi được tiếp xúc với Tin học ở trường trung học phổ thông, tôi kết hợp Toán – Tin để tập tành viết các chương trình phần mềm trên công cụ lập trình Pascal” – Nguyên chia sẻ về cơ duyên đến với nghiên cứu, sáng tạo của mình.

Khoảng thời gian là sinh viên ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Huỳnh Thảo Nguyên có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nguyên chọn đề tài “Xác định cấu trúc tối ưu lưới điện phân phối” làm đề tài tốt nghiệp Kỹ sư điện; đồng thời, đăng ký đề tài này là chuyên đề nghiên cứu khoa học và sau đó đã được Trường ĐHBK Đà Nẵng công nhận.

Vào làm việc tại PC Đà Nẵng, Nguyên được tham gia các lớp tập huấn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, qua đó biết được EVN đang có phần mềm mua của nước ngoài nhưng chưa thể sử dụng do không tương thích với các dữ liệu hiện có.

Với những thông tin thu thập được, “máu” nghiên cứu trong anh trỗi dậy mạnh mẽ và không lâu sau đó, đề tài “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải tại Công ty Điện lực Đà Nẵng” ra đời, đem lại thành công vang dội. Đề tài này đã xuất sắc giành giải Nhì - Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2015; được ghi danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo và được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen Tuổi trẻ sáng tạo.

Nhắc lại giá trị của đề tài, Nguyên cho biết: đề tài này đưa ra kết quả nghiên cứu phụ tải (Load Researh), tức là cho biết biểu đồ công suất của các thành phần phụ tải (nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, sinh hoạt…), nhóm phụ tải (sắt thép, xi măng, khách sạn, sinh hoạt thành thị, sinh hoạt nông thôn, chiếu sáng công cộng...) được phân bố trong hệ thống điện theo thời gian 24 giờ hàng ngày. Đây là phương pháp đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam.

Tự viết phần mềm “triệu đô”

Say mê tìm tòi, Nguyên cũng đã tự xây dựng chương trình phần mềm bằng Microsoft Access để nghiên cứu phụ tải từ dữ liệu hệ thống thu thập số liệu công tơ đo xa và hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS, đưa ra các kết quả trực quan bằng biểu đồ, số liệu cụ thể. Đặc biệt, phần mềm này có thể cho ra kết quả theo thời gian thực, có thể xem ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Huỳnh Thảo Nguyên - Cây sáng kiến “triệu đô”
Cây sáng kiến “triệu đô” Huỳnh Thảo Nguyên (thứ 3 hàng trước, từ trái sang) được ghi danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016

Về hiệu quả mang lại, trước tiên cần phải kể đến là đề tài đã giúp ngành điện quản lý được nhu cầu tiêu thụ điện (gọi là DSM - Demand Side Management) theo thời gian thực, là một trong những giải pháp cho phép quản lý sự tăng trưởng của nhu cầu điện năng nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư phát triển nguồn lưới điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường…

Tiếp đến, kết quả có được từ đề tài là cơ sở để ngành điện dự báo phụ tải, quy hoạch, thiết kế, vận hành hệ thống điện, giải quyết bài toán kinh tế - kỹ thuật, giảm tổn thất điện năng và góp phần đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện.

Đặc biệt, phần mềm nghiên cứu phụ tải bằng Microsoft Access giúp tiết kiệm rất lớn chi phí, nếu mua phần mềm tương tự của nước ngoài, cụ thể là phần mềm Load Research của hãng Itron thì có giá khoảng 1 triệu Đô la Mỹ. Đồng thời, ngành điện khai thác được tối đa hệ thống thu thập từ xa mà không phải trả chi phí vận hành hàng năm gần 2 tỷ đồng cho nhà cung cấp từ nước ngoài.

Riêng với PC Đà Nẵng, việc ứng dụng đề tài vào thực tế đã mang lại nhiều kết quả to lớn như giúp dự báo phụ tải, quy hoạch, thiết kế, vận hành hệ thống điện được thuận lợi, nhanh chóng, góp phần giảm tổn thất điện năng. Trong năm 2015 là năm đầu tiên ứng dụng đề tài, PC Đà Nẵng đã giảm tổn thất điện năng được 0,17% so với năm 2014, tương đương tiết kiệm được sản lượng điện hơn 4 triệu kWh, với giá trị làm lợi khoảng 7 tỷ đồng.

Huỳnh Thảo Nguyên - Cây sáng kiến “triệu đô”
Huỳnh Thảo Nguyên được Liên đoàn các tổ chức kỹ sư các nước Đông Nam Á trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN

Đề tài này cũng giúp mang lại hiệu quả trong công tác tiết kiệm điện. Thông qua việc đánh giá công suất đỉnh của từng phụ tải trong hệ thống điện, ngành điện đã tư vấn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng điện hợp lý, chuyển dịch sử dụng điện giờ cao điểm sang giờ thấp điểm; qua đó mang lại lợi ích kép, vừa giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí sử dụng điện, vừa giúp cân bằng biểu đồ phụ tải. Chỉ tính riêng năm 2015 là năm đầu tiên ứng dụng đề tài, đã tiết kiệm được 58,35 triệu kWh, chiếm 2,59% so với tổng sản lượng điện thương phẩm của PC Đà Nẵng, tương đương với số tiền tiết kiệm được gần 98 tỷ đồng.

Ngoài ra, sáng kiến “Phân tích độ tin cậy cung cấp điện tự động từ sự kiện mất điện trong công tơ” do Nguyên làm chủ nhiệm đề tài cũng đã nhận được giải Ba VIFOTEC năm 2019, mang lại hiệu quả cao cho cả ngành điện, khách hàng và giúp PC Đà Nẵng tiết kiệm hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Trước đó, đề tài “Nghiên cứu phụ tải từ hệ thống đo xa” của anh cũng đã đạt giải Nhất - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Đà Nẵng lần thứ 13 năm 2015.

Với tinh thần hăng say lao động và cống hiến miệt mài, Huỳnh Thảo Nguyên đã được Liên đoàn các tổ chức kỹ sư các nước Đông Nam Á trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Anh cũng được UBND TP Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP Đà Nẵng vinh danh là 1 trong 20 nhà hoạt động khoa học - công nghệ tiêu biểu giai đoạn 1997 – 2017.

“Tôi rất tâm đắc với sáng kiến “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa ” - giải Ba giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2020, đây là công cụ hỗ trợ ngành điện khoanh vùng tìm kiếm, phát hiện nhanh chóng chạm chập, góp phần ngăn ngừa tai nạn điện trong nhân dân và giảm gánh nặng tiền điện người dân phải trả do chạm chập gây ra. Hiện tại, sáng kiến này đã được EVN triển khai áp dụng thống nhất trên toàn quốc” – Nguyên thổ lộ.

Năm 2021, “cha đẻ” của nhiều sáng kiến Huỳnh Thảo Nguyên đăng ký 2 đề tài nghiên cứu khoa học với EVN, đó là “Quản lý điện mặt trời mái nhà” và “Ứng dụng lý thuyết thống kê trong phân tích sử dụng điện thời gian thực từ đo xa”.

Ông Lê Hồng Cương – Giám đốc PC Đà Nẵng đánh giá: “Nguyên là một trong những cây sáng kiến tài ba của PC Đà Nẵng nói riêng và của ngành điện nói chung; những sáng kiến của anh mang lại nhiều lợi ích và có hiệu quả kinh tế cao. Nguyên chính là tấm gương sáng trong lao động của Công ty chúng tôi”.

Lê Hải