Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhìn từ ngành điện

08:00 | 18/09/2013

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt những năm qua, Nhật Bản luôn là nước dẫn đầu trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thực tế đã chứng minh, dòng vốn này đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước. Với riêng ngành điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng xác định thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào các dự án phát triển hệ thống lưới điện là định hướng mang tính chiến lược giải bài toán vốn cho ngành điện.

Dấu ấn thành công

Sau 40 năm thiết lập quan hệ đối tác (1973-2013), Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng với hàng loạt các dự án điện hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện than, lọc hóa dầu... Trên tinh thần hợp tác truyền thống đó, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ hai nước thông qua và cùng với Nga, Nhật Bản đã được chọn là nhà cung cấp công nghệ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đáng chú ý, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo hàng trăm lượt cán bộ nắm vai trò chủ chốt hiện đang làm việc tại các dự án điện hạt nhân.

Với riêng ngành điện, Nhật Bản đang trở thành đối tác lớn, đối tác chiến lược giúp ngành điện giải tỏa áp lực vốn đầu tư, tạo đà phát triển đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng tiêu thụ điện của nền kinh tế. Thống kê của EVN cho thấy, chỉ riêng hai năm 2011-2012, tổng giá trị vốn ODA và vay ưu đãi mà Nhật Bản dành ngành điện đã lên tới xấp xỉ 4 tỉ USD. Đặc biệt trong năm 2012, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng lâm vào cảnh khó khăn, vốn đầu tư cho các dự án điện thiếu hụt lớn, Nhật Bản vẫn ký kết dành cho Việt Nam 3,5 tỉ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.

Nhiều dự án lưới điện được phát triển nhờ dòng vốn từ Nhật Bản

Và theo đại diện của EVN, tính đến thời điểm này đã có 13 dự án sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản với tổng số vốn vay đạt trên 5 tỉ USD). Tổng công suất các dự án nguồn điện do Nhật Bản tài trợ cũng chiếm tới 18% công suất nguồn điện do EVN vận hành và xấp xỉ 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện Việt Nam.

Không chỉ là đối tác chiến lược giúp ngành điện phát triển, Nhật Bản còn được tích cực tham gia triển khai các dự án thuộc lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Riêng năm 2013, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản cũng cam kết cung cấp mới 12 dự án hợp tác kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng. Nổi bật trong đó là dự án tăng cường hệ thống và hoạt động về tiêu chuẩn và hợp chuẩn giai đoạn 2. Đây là dự án đã giành được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản với nội dung chính là việc áp dụng cơ chế nhãn năng lượng, dự kiến sẽ dán nhãn năng lượng tùy theo mức độ tiết kiệm năng lượng trên đồ điện gia dụng, máy móc văn phòng, xe cộ…

Đánh giá về sự hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong những năm qua, Nhật Bản chính là đối tác quan trọng của EVN. Sự hỗ trợ về mặt tài chính của Nhật Bản qua nguồn vốn ODA và tín dụng xuất khẩu luôn đứng đầu trong danh mục các nhà tài trợ cho các dự án điện của EVN. Đặc biệt trong lĩnh vực điện hạt nhân, Nhật Bản chính là đối tác quan trọng, tích cực nhất hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, đào tào cán bộ, tư vấn, đầu tư...

Vẫn vướng cơ chế giá

Từ những dẫn chứng ở trên có thể thấy rằng, đóng góp của dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào các dự án điện, các chương trình tiết kiệm điện... là rất lớn và theo ông Phạm Lê Thanh thì hiện EVN đang tích cực triển khai các dự án này làm sao có hiệu quả nhất, tạo nền tảng hợp tác lâu dài. Ông cho biết: Hiện EVN đang tích cực phối hợp với các đối tác phía Nhật Bản (JAPC, JINED...) thực hiện các công tác chuẩn bị triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với công nghệ hiện đại nhất đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Được biết, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản ký kết ngày 31/10/2011. Dự án đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên trên tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ký ngày 31/10/2010.

Mặc dù kết quả hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản đã mang lại hiệu quả lớn như vậy nhưng theo ông Daito Michio - Tham tán phụ trách lĩnh vực năng lượng (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) thì tiềm năng của mối quan hệ này vẫn còn rất lớn, bởi các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao sự ổn định của Việt Nam. Ông cũng chỉ ra rằng, mặc dù chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhưng cơ chế về giá thì vẫn chưa được giải quyết nên chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

“Nếu dưới góc nhìn của người sử dụng, giá điện càng rẻ càng tốt nhưng nếu về lâu dài, đây chưa hẳn là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Nếu giá điện không đủ sức hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân” - ông Daito Michio phân tích.

Từ đó ông cho rằng, Chính phủ nên có những sự bảo lãnh liên quan đến sự rủi ro do thay đổi cơ chế, thay đổi giá trị ngoại tệ, đồng thời làm tốt hơn việc giải phóng mặt bằng cho các dự án năng lượng. Và đây chính là điều kiện quan trọng trong việc hút đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực này.

Thanh Ngọc