Hơn 20 năm làm việc thiện cho trẻ em nghèo

10:39 | 20/10/2011

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bà Trương Thị Nhân (Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng), kiêm Phó Chủ tịch Hội từ thiện Tấm lòng vàng của TP Hà Nội đã hơn 20 năm nay làm từ thiện và khuyến học cho những trẻ em nghèo.

Sinh năm 1926 tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bà vừa được Hà Nội chọn là một trong mười công dân thủ đô ưu tú năm 2011. Bà Trương Thị Nhân tham gia cách mạng tại thị xã Hải Dương, dạy bình dân học vụ và trông nom nhà nuôi trẻ mồ côi. Kháng chiến chống Pháp, bà công tác tại trại Phụ nữ Nhi đồng của Ban Tài chính Trung ương. Sau đó liên tục nhận các công tác khác nhau nhưng làm gì bà cũng yêu nghề, sáng tạo cải tiến công việc nên thường được bình chọn là lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua.

Ngày ngày, bà Nhân vẫn lần giở những cuốn sổ ghi chép những hoạt động khuyến học để hồi tưởng lại những việc đã làm được và chưa làm được trong 20 năm làm từ thiện của mình.

Bà Nhân từng là Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thuê tàu. Nghỉ hưu năm 1990, bà Trương Thị Nhân được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội từ thiện Tấm lòng vàng của TP Hà Nội. Năm 2002, Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ giao thêm cho bà việc làm Chủ tịch Hội khuyến học. Bà nghĩ rằng mình không phải là nhà giáo, lại chưa từng làm khuyến học nên không dám nhận. Sau nhiều ngày suy nghĩ và nhớ lại lời Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, bà đã quyết định gắn bó với sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, bà đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được trên 600 triệu đồng phục vụ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Chuyện người phụ nữ bé nhỏ, mái tóc đã gần bạc trắng làm từ thiện đã có gần 20 năm nay nhưng không ai biết bà làm việc gì, bởi bà làm âm thầm, không phô trương hình thức.

Riêng năm 2010, bà đã tận tay trao 175 suất quà, trị giá gần 100 triệu đồng, cho các gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân gia đình bà cũng đỡ đầu cho 6 cháu ở trong quận Hai Bà Trưng từ năm 2002 đến nay, mỗi cháu được gia đình bà hỗ trợ 600.000 đồng/tháng.

Trong quá trình đi vận động các gia đình đóng góp vào quỹ khuyến học, nhiều gia đình còn nói khéo với bà Nhân: “Bà già rồi, về nghỉ ngơi với con cháu, đi làm từ thiện làm gì”. Bà Nhân nghe vậy nhưng không phật ý, bà chỉ nhẹ nhàng: “Tôi làm cho các cháu nhà nghèo, dù có vận động được vài nghìn, tôi vẫn làm”. Thế là những buổi chiều hoặc tối, bà Nhân thường đến những gia đình trong phường Phạm Đình Hổ để vận động đóng góp cho quỹ khuyến học của phường. Không ai thúc giục bà làm việc này, bà cũng không làm để tô vẽ thành tích cho bản thân mà xuất phát từ tấm lòng của một người bà, một người phụ nữ luôn đau đáu với chuyện ăn học của con em nhà nghèo, không có điều kiện học hành như chúng bạn.

Cách bà đi vận động ủng hộ khuyến học cũng khá “chuyên nghiệp”. Bà cầm giấy giới thiệu của phường đến từng nhà vận động, tùy vào điều kiện gia đình mà từng hộ đóng góp ít nhiều, sau đó bà ghi biên nhận có dấu đỏ của phường, trao cho gia đình đóng góp và mời họ ký vào. Cách làm này giúp cho bà minh bạch mọi khoản đóng góp nên có nhiều gia đình đóng góp tiền triệu ủng hộ bà làm khuyến học.

Ngoài ra, bà còn quan tâm đến gia cảnh của từng cháu con nhà nghèo. Có một cháu học sinh lớp 4, bố mẹ bỏ nhau, cháu chơi bời lêu lổng không chịu học tập. Bà đã mời đại diện địa phương, bố mẹ cháu bé đến để nói chuyện. Sau một hồi bà thuyết phục, khuyên răn, mẹ đứa bé cảm động xin lỗi chính quyền, xin lỗi bà đã không quan tâm tới con và hứa sẽ dạy dỗ con chu đáo theo lời bà dặn.

Bà Nhân cũng hết sức coi trọng việc giáo dục trong gia đình, nhất là đề cao vai trò của người phụ nữ. Trong gia đình, người phụ nữ như cái hoa làm tổ ấm thêm tươi đẹp. Muốn bảo đảm công tác tốt, trước hết người phụ nữ phải thu xếp công việc gia đình, biết chăm lo sức khỏe của chồng con thật đúng mức. Giáo dục con cái biết sống giản dị, tiết kiệm, giáo dục tinh thần tự lực cánh sinh, không đòi hỏi, không ỷ lại, chăm học, chăm làm. Vợ chồng thực sự tôn trọng lẫn nhau và đấu tranh sửa chữa khuyết điểm cho nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ và phải thống nhất về cách nuôi dạy con cái.

Bà Nhân cũng dạy các cháu nội, ngoại của mình bằng cách rất đặc biệt. Mỗi dịp bà mang tiền giúp những đứa trẻ trong những gia đình khó khăn ở khu phố, bà thường dắt cháu ruột đi cùng để các cháu cảm nhận được môi trường sống còn thiếu thốn vật chất của các cháu nhà nghèo nhưng vẫn ham học vươn lên.

Đức Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc