Hồi sinh nhờ ghép tế bào gốc
Kết quả khả quan
Cuối năm 2016, trong một chuyến đi từ thiện ở Nghệ An, bác sĩ nhi trẻ nội trú Nguyễn Khắc Thái không may bị tụt xuống hố cát ở biển Cửa Lò khi bơi đã bị đuối nước, không cấp cứu kịp thời nên não thiếu oxy quá lâu dẫn đến tình trạng chân tay co quắp, teo tóp phải sống đời thực vật. Để duy trì sự sống đến trước ngày được ghép tế bào gốc mới đây, Thái hoàn toàn phải phụ thuộc vào máy móc. Hy vọng sống không nhiều, hy vọng để Thái trở về cuộc sống như trước đây càng khó.
Tiếc cho tài năng trẻ gặp họa khi còn quá trẻ, thương cho những người sinh thành ra Thái không nguôi hy vọng về đứa con giỏi giang nhưng tưởng chừng chỉ còn cách… chờ chết, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Vinmec đã quyết định ứng dụng liệu pháp ghép tế bào gốc, dù hy vọng không nhiều. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói: “Mặc dù không hy vọng nhiều, vì tổn thương của Thái quá nặng, nhưng trước sự kỳ vọng của gia đình, tôi quyết định ghép tế bào gốc cho cháu như một biện pháp cuối cùng”. Để dẫn đến quyết định này, theo bác sĩ Liêm đã từng có 4 bệnh nhân bị tổn thương não do đuối nước được ghép tế bào gốc, kết quả khá khả quan.
|
BS Nguyễn Khắc Thái lúc chưa gặp nạn và hiện nay |
Sau khi tiêm thuốc huy động tế bào gốc, bác sĩ Liêm cho biết, cơ thể Thái sốt cao, xuất hiện các cơn gồng cứng. Bác sĩ không thể tiếp tục tiêm để thu hoạch tế bào gốc từ máu ngoại vi như dự định, buộc phải chuyển sang lấy tế bào gốc từ tủy xương. Rất may, lần thứ hai lấy tế bào gốc của Thái, số lượng tế bào đạt chất lượng khá tốt. Các bác sĩ Vinmec dành một phần tế bào để ghép cho Thái, phần còn lại dùng để nuôi cấy tăng sinh trong phòng xét nghiệm. Theo GS.TS Liêm, kỹ thuật nuôi cấy này phức tạp và rất mới ở Việt Nam. Các tế bào gốc của Thái được nuôi cấy lên vài chục triệu tế bào, có thể dùng để ghép cho lần sau mà không cần lấy tế bào gốc từ tủy xương nữa.
Sau đợt ghép thứ hai, cơ ở chân và tay Thái đã bớt gồng cứng, có lúc nâng được chân khỏi mặt giường. Chàng trai đã có thể nuốt thức ăn, uống được nước. Quan trọng và vui mừng hơn cả là Thái có chuyển biến rõ ràng về nhận thức, mắt có thể mở và nhắm theo yêu cầu của bác sĩ, ánh mắt không vô hồn như trước nữa. Khi nghe bố mẹ nói chuyện bên cạnh giường, Thái biết lắng nghe và chảy nước mắt.
Hiện tình trạng sức khỏe của Thái đã tạm ổn. Anh đã nhận biết được nhiều hơn, nghe và phản xạ lại dù là tín hiệu còn yếu. "Gia đình rất hy vọng và vô cùng biết ơn các bác sĩ". Thái đang tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa. Dự kiến đợt ghép tế bào gốc lần thứ 3 cho Thái sẽ được thực hiện vào tháng sau.
Một trường hợp khác cũng thành công nhờ ghép tế bào gốc là bệnh nhân Trần Ngọc Ánh, sinh năm 2003 ở Hưng Yên, được chẩn đoán mắc bệnh suy tủy xương. Mẹ cháu, chị Phạm Thị Lý kể, cách đây hơn 3 năm, khi biết con gái mắc bệnh hiểm nghèo suy tủy xương, gia đình gần như suy sụp, hoang mang không biết sống - chết như thế nào. Mang con gái xuống điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau đó lại được chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, niềm hy vọng của chị Lý chỉ được nhen lên khi các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại cho Ánh (tháng 3-2014). Tế bào gốc này được lấy từ em gái ruột (ở tủy xương) khi đó Ánh mới 5 tuổi.
Ngày 25-4 vừa qua, Ánh đã cùng mẹ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhìn cháu giờ phổng phao như một thiếu nữ, có thể sinh hoạt, đi lại, lao động như một người bình thường, các bác sĩ trực tiếp ghép tế bào gốc cho cháu đều mừng. Th.S.BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc của Viện cho biết: “Bệnh nhân Trần Ngọc Ánh sau hơn 3 năm được ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống, hiện tại về mặt lâm sàng bệnh nhân hoàn toàn ổn định và khỏe mạnh, các xét nghiệm máu đã hoàn toàn bình thường, bệnh nhân không phải dùng thêm bất kỳ một loại thuốc hỗ trợ nào, bệnh nhân phát triển tốt về thể lực và tâm sinh lý, sau này nếu lập gia đình, cháu có thể sinh con bình thường như bao người phụ nữ khác”.
Chữa nhiều bệnh nan y
Không gì vui hơn một bệnh nhân được trở về từ cõi chết nhờ kỹ thuật y học phát triển. Các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã giúp một bệnh nhân, một con người hồi sinh!
Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sau 10 năm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện 204 ca ghép, đạt xấp xỉ 50% tổng số ca ghép được thực hiện trên toàn quốc. Ban đầu Viện chỉ thực hiện 4-6 ca ghép 1 năm thì nay tăng lên trung bình 50 ca. Trong số 204 ca, có 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại. Trong đó có nhiều nhóm bệnh nan y như: đa u tủy xương, u lympho ác tính, lơ xê mi cấp, suy tủy xương, đái huyết sắc tố, thalassemia… Hiệu quả sau 10 năm thực hiện ghép tế bào gốc, tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến nay được tính tương đương 70% (ghép tự thân), 63% (ghép đồng loài). Đặc biệt, trong nhóm ghép đồng loại thuộc nhóm bệnh máu lành tính, hiệu quả ghép đạt khá cao với gần 90%.
Tế bào gốc nói một cách đơn giản là tế bào mà từ đó sinh ra nhiều tế bào khác, có thể cùng giống hoặc biệt hóa hơn thành các tế bào chức năng, chẳng hạn sinh ra tế bào gốc tạo máu, tạo giác mạc, gan, tụy... Tế bào gốc đầu tiên chính là phôi khi trứng gặp tinh trùng, đây là tế bào gốc toàn năng sinh ra cả cơ thể con người. Ứng dụng tế bào gốc trong y học được coi là giải pháp cho rất nhiều bệnh nan y như ung thư, di truyền, parkinson, suy tim... Hiện nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang sử dụng tế bào gốc có sẵn, tiêm hoặc ghép vào vi môi trường trong cơ thể để tự tăng sinh.
Trong Hội nghị Tế bào gốc toàn quốc lần thứ IV năm 2017 được tổ chức mới đây, ghép tế bào gốc đã được đánh giá: tính từ ca ghép tế bào gốc thành công đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đến nay đã 20 năm. Đó là một chặng đường y học Việt Nam không ngừng nỗ lực và phát triển, từng bước tháo gỡ những khó khăn về mặt khoa học, công nghệ, nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất...), thống nhất về mặt chuyên môn, đi tắt đón đầu trong ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh. Đến nay, nước ta đã có nhiều cơ sơ tham gia vào hoạt động tế bào gốc, đạt được những thành công đáng mừng, được bạn bè quốc tế công nhận.
Nguyễn Anh